13/12/2021 8:31:00

Chuyện “mò kim đáy bể” ở Tê Giác Trắng

Chiến dịch khoan phát triển mỏ Tê Giác Trắng trong năm 2021 của Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long – Hoàn Vũ (Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs) vừa kết thúc, đưa 4 giếng khoan dầu khí vào khai thác. Đây là một thành công lớn trong các chiến dịch khoan dầu khí tại Việt Nam, được đánh giá là một kỳ tích.

1. Tê Giác Trắng nằm trong Lô 16-1 bồn trũng Cửu Long, cách Vũng Tàu 100km về phía Đông Nam, ngoài khơi thềm lục Việt Nam (cách mỏ Bạch Hổ 20km) do Hoàng Long – Hoàn Vũ điều hành với các bên tham gia gồm: Việt Nam (PVEP), Thái Lan (PTTEP) và Anh (SOCO). Mỏ đã được vào khai thác từ năm 2011, hợp đồng khai thác mỏ đến năm 2026.

Hiện nay, Tê Giác Trắng đang vào giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, sản lượng tại các giếng giảm mạnh (trung bình khoảng 500 thùng dầu/giếng/ngày đêm), nhiều giếng ngập nước đến 95%…

Chuyện

Đưa giàn khoan PV DRILLING II vào vị trí khoan

Trong bối cảnh đó, việc khoan phát triển mỏ Tê Giác Trắng – khoan đan dày thêm các giếng mới để “vét” dầu trong mỏ – trong giai đoạn này cực kỳ khó khăn, phức tạp, đặc biệt là độ rủi ro rất cao, xác suất thành công rất thấp, bởi những lý do:

Thứ nhất, với rất nhiều giếng khai thác hiện hữu đan xen nhau (35 giếng) tại mỏ Tê Giác Trắng, để khoan thêm một giếng mới, buộc phải khoan luồn lách để tránh thân giếng cũ, đồng thời phải khoan ra xa hơn để vươn tới những khu vực có tiềm năng dầu khí. Do vậy, quỹ đạo giếng khoan trở nên phức tạp, là thách thức lớn trong quá trình khoan, nếu chẳng may va vào thân giếng cũ, hậu quả khó lường. Để mũi khoan luồn lách như thế vô cùng nan giải đối với công nghệ khoan. Đó là chưa kể do mỏ đã khai thác lâu năm làm cấu tạo địa chất xung quanh thay đổi, cho nên khi khoan luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như dễ xảy ra tình trạng mất dung dịch, sập lở thành giếng khoan, kẹt cần khoan…

Thứ hai là rủi ro về kinh tế. Các giếng xung quanh đã sụt giảm sản lượng, tình trạng ngập nước cao, nên xác suất khoan được giếng mới có sản lượng tốt kế bên là rất thấp, trong khi chi phí mỗi một giếng khoan lên đến khoảng 11-12 triệu USD. Khoan thất bại, đồng nghĩa sẽ mất từng đó tiền mỗi giếng.

Chính vì vậy, việc bảo vệ chiến dịch khoan này của Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs trước các đối tác – nhà đầu tư vô cùng gian nan bởi những đòi hỏi rất cao. Anh Hoàng Ngọc Đông – Trưởng phòng Địa chất công nghệ mỏ của Hoàng Long – Hoàn Vũ cho biết: Để có đủ cơ sở dữ liệu thuyết phục được nhà đầu tư, cả đội ngũ gồm các chuyên gia, kỹ sư kỹ thuật khoan, nhà địa chất, địa vật lý, công nghệ mỏ của Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs đã dày công nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khoa học, tỉ mỉ nhất để từ đó xác định vị trí giếng khoan và thiết kế giếng khoan tối ưu.

Chuyện

Anh Hoàng Ngọc Đông – Trưởng phòng Địa chất Công nghệ mỏ

Nhưng, ngoài những luận cứ khoa học, sự tin tưởng của đối tác đối với năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ nhân sự người Việt ở Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs cũng là điều quan trọng khiến họ đồng ý tiếp tục đầu tư. Bởi cho dù có khảo sát, đánh giá, mô phỏng thế nào thì xác suất thành công vẫn là một ẩn số, kiểu “ăn cơm dương gian nói chuyện âm phủ”. Ai dám chắc chắn được ở độ sâu 4.000m dưới đáy biển sẽ như thế nào? Vì vậy, anh Đông khẳng định: Thành công của chiến dịch khoan lần này cũng một phần nhờ may mắn.

2. Nói về kết quả của chiến dịch khoan phát triển mỏ Tê Giác Trắng năm 2021 của Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs, có thể khẳng định ngay là “đáng kinh ngạc” và là kỷ lục, được ghi nhận trong các công ty điều hành dầu khí chung tại Việt Nam. 4 giếng khoan gồm: TGT-H4-34P, TGT-12XPST, TGT-H1-33P, TGT-4PST1 đều thành công cả với lưu lượng rất tốt, tổng cộng khoảng 8.800 thùng/ngày, vượt khoảng 50% so với dự tính ban đầu. Đây là điều “xưa nay hiếm” đối với các giếng khoan phát triển mỏ ở giai đoạn cuối, còn so với khoan thăm dò thì có lẽ là chưa từng có tiền lệ.

Thêm nữa, chiến dịch khoan đã đạt an toàn tuyệt đối, vượt tiến độ 54 ngày, tiết kiệm khoảng 20 triệu USD do chi phí khoan thực tế mỗi giếng chỉ khoảng 8 triệu USD, thấp nhất từ trước đến nay.

Đặc biệt, thành công của Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs lần này là “thành công kép” khi dòng dầu khai thác sớm lại rơi vào đúng thời điểm giá dầu thế giới phục hồi tích cực. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ riêng với công ty, với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) mà còn góp phần vào sự ổn định kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19 thông qua đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Có nhiều điều làm nên kỳ tích của chiến dịch khoan của Hoàng Long – Hoàn Vũ, song thành công đó càng có ý nghĩa trong bối cảnh đặc biệt lúc bắt đầu chiến dịch khoan vào giữa tháng 7/2021. Đây vốn là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở phía Nam, nhất là TP HCM, TP Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Các địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, mọi hoạt động gần như ngừng trệ, chuỗi cung logistics bị đứt gãy, tác động rất lớn, là một thử thách đối với chiến dịch khoan của Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs.

Chuyện

Thực hiện các biện pháp an toàn khi đổi ca trong thời gian đại dịch Covid-19

Anh Nguyễn Hoàng Nghĩa – Phụ trách khoan phía Việt Nam trong Liên doanh cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên công tác điều hành và kiểm soát hoạt động thi công khoan không thể tiến hành trực tiếp như trước đây. Và để đối phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs đã phải triển khai các chiến lược chưa từng có tiền lệ để phù hợp với tình hình sản xuất.

Một là, tổ chức họp sản xuất trực tuyến hằng ngày với các công ty dịch vụ nhằm cập nhật tình hình sản xuất và điều hành sản xuất đảm bảo an toàn hiệu quả; Thường xuyên tiến hành các buổi tọa đàm trực tuyến về công việc để đưa ra các giải pháp kỹ thuật, tối ưu chi phí, giảm thời gian thi công kịp thời; Thay đổi kế hoạch công việc hằng tuần như các chiến dịch trước bằng cách đưa ra dự báo 2 tuần để đảm bảo công tác cách ly người trước khi ra biển an toàn, ngăn chặn Covid-19 xâm nhập ra công trình biển.

Hai là, tổ chức các nhóm làm việc “3 tại chỗ”; người đi biển được giữ lại ở Vũng Tàu chờ đi biển và cách ly; Lịch đổi ca được kéo dài lên tới 45 ngày để đảm bảo sản xuất và hạn chế tiếp xúc trên bờ; Nhóm kỹ sư điều hành sản xuất làm việc online 24/24, nhóm logistics và kiểm tra chất lượng hàng hóa được bố trí theo ca phù hợp tình hình dịch bệnh diễn biến hàng ngày, hàng giờ.

Cuối cùng, Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs đã vượt qua tất cả. Đó là nhờ tinh thần đoàn kết, kỷ cương, mỗi cá nhân chịu trách nhiệm đối với các công việc được phân công; là sự thống nhất và đồng lòng trong công tác quản trị điều hành từ trên xuống dưới, từ trong bờ đến giàn khoan ngoài biển, là sự hỗ trợ động viên kịp thời của các cấp, các phòng ban trong công ty. Bên cạnh đó, do đánh giá được mức độ khó khăn trong công tác thi công trong điều kiện mỏ hiện nay, Petrovietnam và PVEP đã điều động các kỹ sư giỏi đến hỗ trợ và làm việc trực tiếp với đội ngũ của Hoàng Long – Hoàn Vũ. “Chính những kinh nghiệm thực tiễn của họ đã góp phần không nhỏ vào thành công của chiến dịch khoan lần này”, anh Nguyễn Hoàng Nghĩa cho biết.

Chuyện

Người lao động vui mừng chụp ảnh kỷ niệm khi kết thúc chiến dịch khoan

Có một ý nghĩa đặc biệt từ kỳ tích của chiến dịch khoan lần này của Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs, đó là góp phần xóa bỏ những quan điểm cũ về địa chất giếng khoan; trở thành bài học kinh nghiệm cho việc triển khai các chiến dịch khoan sau này, không chỉ cho riêng mỏ Tê Giác Trắng. Đồng thời, qua đây cũng một lần nữa khẳng định được sức mạnh nội lực của nhân sự dầu khí Việt Nam trong việc tự chủ thực hiện các dự án liên quan đến địa chất công nghệ mỏ, điều hành thi công khoan, điều mà những năm trước luôn cần phải có chuyên gia nước ngoài giữ những vị trí quan trọng…

Như vậy, tròn 10 năm kể từ khi dòng dầu đầu tiên của mỏ Tê Giác Trắng được đưa vào khai thác thương mại, đến nay, Hoàng Long – Hoàn Vũ JOCs đã vận hành mỏ an toàn và đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho đất nước, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước.

Thành công nào cũng đến từ nhiều yếu tố, song anh em thực hiện chiến dịch khoan của Hoàng Long – Hoàn Vũ có chia sẻ rằng: Quan trọng nhất là yếu tố con người, sự đồng thuận, quyết tâm của đội ngũ nhân sự và cả những luồng gió mới từ các cấp lãnh đạo thổi vào. Tất cả khiến họ thêm yên tâm, tự tin trên hành trình vận hành và phát triển mỏ Tê Giác Trắng trong giai đoạn tới, cho đến cuối đời mỏ.

Lê Trúc