Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: Hải Nguyễn
Trình bày Tờ trình Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết quan điểm là lấy đoàn viên công đoàn là trung tâm trong hoạt động chuyển đổi số của công đoàn nhằm bảo vệ các quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Tất cả đoàn viên, cán bộ công chức công đoàn được gắn định danh số để đăng nhập, sử dụng các dịch vụ số hỗ trợ…
Mục tiêu đến năm 2025 là tạo lập dữ liệu số đoàn viên; tối đa các dịch vụ hỗ trợ đoàn viên; gia tăng sự tương tác, các kênh giao tiếp cho đoàn viên; hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ công đoàn các cấp trên môi trường số; nâng cao chất lượng phục vụ đoàn viên của công đoàn; nâng cao năng suất, hiệu quả xử lý công việc của hệ thống công đoàn; xây dựng báo cáo số kịp thời, đa chiều, linh động, chủ động cho lãnh đạo công đoàn các cấp; cập nhật thông tin về đoàn viên sâu sát, chính xác, nhanh chóng hỗ trợ lãnh đạo công đoàn các cấp ra các quyết định chỉ đạo điều hành.
Mục tiêu tổng quát của Đề án Chuyển đổi số của Tổng LĐLĐVN. Ảnh: Minh Tiến
Đối với Đề án, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch đặt vấn đề về sự liên thông dữ liệu của đoàn viên, sự kết nối với căn cước công dân, bảo hiểm xã hội; nâng cao năng lực quản trị; cơ cấu nhân sự; một số nội dung về thủ tục thực hiện Đề án…
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh đây là Đề án rất lớn và là phương tiện để Công đoàn đổi mới tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động. Bởi qua đó, lãnh đạo các cấp có thể tương tác trực tiếp với đoàn viên, đồng thời phương pháp tập hợp, vấn đề chăm lo, bảo vệ đoàn viên, quy trình ra các quyết định cũng được thực hiện theo phương thức mới.
Chủ tịch Nguyễn Đình Khang chỉ đạo Ban chỉ đạo hoàn thiện báo cáo trên cơ sở những nội dung các Ủy viên Đoàn chủ tịch đã góp ý. Chủ tịch cũng đề nghị Đoàn Chủ tịch thông qua Đề án và uỷ quyền cho Thường trực ký, xin ý kiến thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền; sau đó uỷ quyền cho Thường trực ký ban hành Đề án. Tiếp đó tiếp tục thực hiện các thủ tục theo đúng trình tự quy định.
Theo laodong.vn