31/10/2021 10:28:29

Chuyện chưa kể về… khoan nước sâu (Kỳ 1)

Có thể nói, yếu tố mang tính quyết định đến thành công của Dự án Biển Đông 01 hôm nay chính là kỹ thuật khoan nước sâu, khoan ở vùng mỏ có địa chất phức tạp với nhiệt độ cao và áp suất cao thuộc hàng hiếm trên thế giới. Xung quanh kỳ tích khoan ở Biển Đông 01 còn rất nhiều câu chuyện thú vị để kể…

Dự án Biển Đông 01 là kết quả trí tuệ của tập thể cán bộ khoa học – kỹ thuật BIENDONG POC và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong các lô dầu khí 05-2 và 05-3. Việc phát triển thành công dự án khai thác khí – condensate Hải Thạch – Mộc Tinh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về khoa học công nghệ, về kinh tế – xã hội, về quản lý và sử dụng nội lực, về chính trị – an ninh – quốc phòng, về cơ sở hạ tầng và hiệu ứng lan tỏa.

Khoa học công nghệ được đánh giá là yếu tố cốt lõi đưa dự án đến thành công. Trong đó, BIENDONG POC và Petrovietnam đã triển khai nghiên cứu, phát triển thành công hàng loạt công trình khoa học công nghệ từ địa chất/địa vật lý, khoan/hoàn thiện giếng khoan đến thiết kế/thi công xây lắp công trình biển cũng như quản lý tối ưu mỏ và vận hành khai thác.

Nhân dịp Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ để khai thác các mỏ khí – condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp, thềm lục địa Việt Nam” của BIENDONG POC đang được xem xét Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ và nhân Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Ngành Dầu khí Việt Nam, Ban biên tập xin giới thiệu lại 02 kỳ bài viết về công tác khoan nước sâu, địa chất phức tạp – một trong những yếu tố mang tính quyết định đối với thành công của Dự án Biển Đông 01.

PV DRILLING V: Kỳ tích của Dầu khí Việt Nam

Nhiều đêm đang ngủ, anh Võ Văn Phúc (SN 1980) – Phó trưởng phòng phụ trách Điều hành Khoan của Công ty TNHH MTV Khoan dầu khí nước sâu (PVD – PVD Deepwater) lại bật dậy để… kiểm tra điện thoại. Đó là một thói quen có từ thời mà giàn tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) PV DRILLING V còn đang khoan cho Dự án Biển Đông 01.

Anh Phúc kể, suốt 5 năm của chiến dịch khoan, gần như đêm nào cũng như thế, anh phải canh điện thoại xem ngoài giàn có chuyện gì báo về hay không để xử lý ngay. Còn ban ngày thì ngày nào cũng họp với ngoài giàn ít nhất 2 lần để cùng nhau bàn bạc, đánh giá, lên kế hoạch, xử lý công việc. Tất cả những điều đó đã trở thành một thói quen, như một phần cuộc sống của anh suốt 5 năm qua.

chuyen chua ke ve khoan nuoc sau ky 1
Thợ khoan đang làm việc

Rồi kể từ khi giàn PV DRILLING V kết thúc thành công rực rỡ chiến dịch khoan cho Biển Đông 01 vào năm 2016 vừa qua, nhịp sống ấy không còn, nhiều lúc Phúc thấy như bị hẫng. Thế nhưng, khi nghĩ về khoảng thời gian 5 năm làm việc đó, đôi lúc anh tự hỏi, bây giờ mà làm lại công việc như vậy thì liệu có đủ sức làm không!? Bởi tuy không trực tiếp làm việc ngoài giàn như nhiều anh em nhưng công việc điều hành trên bờ cũng thuộc hàng áp lực khủng khiếp. Cụ thể là ngoài việc lập kế hoạch làm việc hằng ngày cho anh em trên giàn, điện thoại lúc nào cũng mở 24/24 để tiếp nhận và xử lý thông tin báo về. Anh Phúc không thể để một phút giây lơ là, bởi khi có những sự cố đột ngột mà không xử lý kịp, hậu quả sẽ rất nặng nề…

Lâu nay, hẳn nhiều người đã nghe về Dự án Biển Đông 01 – một kỳ tích của ngành Dầu khí Việt Nam ở Biển Đông. Có thể nói, thành công của dự án đã khẳng định được sức mạnh nội lực của ngành Dầu khí nước ta, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Và để làm nên kỳ tích ấy, không biết bao mồ hôi, công sức và tiền của đã bỏ ra. Bởi đơn giản, nếu dễ làm, dễ hút tài nguyên khí lên bán như một số người vẫn nói thì công ty dầu khí hàng đầu thế giới là BP của Anh đã không phải “bỏ của chạy lấy người” vào năm 2008 sau khi đổ vào dự án này cả tỉ USD trong thời gian dài mà không thể khai thác được gì!

Nói về cái khó ở mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh thì vô vàn, đây là vùng nước sâu 140m, điều kiện địa chất của mỏ phức tạp không chỉ nhất Việt Nam mà còn thuộc hàng hiếm trên thế giới. Nhiệt độ và áp suất giếng ở đây rất cao, nhiệt độ dưới giếng khoảng 120-1700C, còn áp suất khoảng 420 – 530atm. Những loại mỏ khí đốt có áp suất cao và nhiệt độ cao như thế này phải nói là rất hiếm có công ty dầu khí nào dám làm, bởi mức độ nguy hiểm và rủi ro quá lớn. Đó cũng chính là lý do vì sao trong thời gian BP tiến hành khoan thăm dò ở Hải Thạch – Mộc Tinh thì lúc nào cũng bị sự cố, lúc thì bị mất dung dịch khoan trầm trọng, lúc thì bị kẹt cần khoan…

chuyen chua ke ve khoan nuoc sau ky 1
Anh Võ Văn Phúc

Có thể nói, đối với mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh thì khoan là vấn đề quyết định thành bại của dự án. Bởi như đã nói, đây là vùng mỏ có địa chất đặc biệt phức tạp, ngay cả BP đã từng dùng nhiều tàu khoan hiện đại lúc bấy giờ nhưng cũng phải… “bó tay”! Và, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nói chung, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC – chủ dự án) hay Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling – nhà thầu khoan) cũng rất đau đầu về vấn đề này.

Thời điểm 2009, Việt Nam không có một giàn khoan nào có thể đáp ứng điều kiện khoan ở mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh cả. Cho nên có hai phương án được đưa ra là, hoặc là thuê giàn khoan nước ngoài, hoặc là đóng mới một giàn khoan phù hợp. Trên thế giới lúc đó có tổng cộng 7 giàn TAD tương tự như PV DRILLING V hiện tại, song cũng không có một giàn nào đáp ứng được điều kiện nhiệt độ cao, áp suất cao ở Hải Thạch – Mộc Tinh, cho nên nếu thuê về thì cũng phải tiến hành cải hoán mới có thể sử dụng được. Chi phí thuê giàn này mỗi ngày khoảng 500 nghìn USD.

Sau khi lãnh đạo dự án bàn bạc, cân nhắc tỉ mỉ các phương án thì quyết định cuối cùng được đưa ra là đóng mới giàn TAD. Đây là phương án mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu nhất, tính ra thì chi phí chỉ bằng khoảng một nửa so với thuê và cải hoán giàn đã có. Không những thế, việc đóng mới giàn TAD không chỉ để phục vụ riêng cho Dự án Biển Đông 01 rồi cất kho mà đã được được tính đến đường dài sau đó. Cụ thể, PV Drilling đã tính toán đến việc tiếp tục khoan cho một số dự án lớn sau này như: Thiên Ưng, Sao Vàng – Đại Nguyệt… Đây cũng chính là xuất phát điểm của việc ra đời giàn PV DRILLING V.

Giàn PV DRILLING V là thế hệ giàn TAD hiện đại nhất thế giới hiện nay với nhiều thiết bị, công nghệ mới, phức tạp. Có một chi tiết thú vị để minh chứng điều đó là khi phía PV Drilling đặt mua một số thiết bị để đóng giàn thì phía đối tác mới… ngỡ ngàng, ra là trên thế giới lại có những điều kiện khoan đòi hỏi loại thiết bị có yêu cầu cao đến như vậy. Thế là lúc đó họ phải quay lại nghiên cứu và nâng cấp sản phẩm hiện có của mình để đáp ứng được yêu cầu đóng Giàn PV DRILLING V!

Mà cũng chính vì giàn khoan TAD PV DRILLING V hiện đại và phức tạp như thế nên vấn đề vận hành giàn trở thành một thử thách đặc biệt đối với đội ngũ chuyên gia, kỹ sư khoan dầu khí của PV Drilling. Lý do là vì trước đây, các anh vốn chỉ quen thuộc với kiểu giàn tự nâng (jack-up), còn bây giờ là một kiểu giàn hoàn toàn khác, công nghệ rất khác. Vì vậy mà trong thời gian ban đầu, nhiều người rất bỡ ngỡ, chuyện phải thay người, người này vào – người kia ra khỏi dự án gần như là liên tục.

Có những anh em đã nhiều năm kinh nghiệm đi giàn jack-up, tưởng sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng rồi lại không…! Ngay cả với một số chuyên gia nước ngoài cũng rơi vào tình trạng tương tự vì không chịu nổi sức ép, sự khắc nghiệt và khối lượng công việc quá lớn của dự án này. Đơn cử như vị trí giám đốc giàn chỉ làm việc trên bờ nhưng cũng phải thay đến lần thứ 3 trong mấy năm đầu của dự án.

Mà đối với một dự án khó và phức tạp như thế này, cần phải có một đội ngũ chuyên nghiệp gắn bó với dự án xuyên suốt ngay từ đầu. Chính vì vậy mà bên cạnh đội ngũ kỹ sư người Việt, PV Drilling và Biển Đông POC bắt buộc phải thuê nhiều chuyên gia nước ngoài hỗ trợ vận hành giàn trong thời gian đầu. Ban đầu có tất cả 34 chuyên gia nước ngoài, trong đó có cả những người rất am hiểu dự án từ BP sang. Và song song với đó, việc gấp rút đào tạo thế hệ kỹ sư người Việt để đưa vào dự án được Biển Đông POC và PV Drilling ráo riết thực hiện.

Khi nhắc đến giàn TAD thì phải nhắc đến môi trường làm việc đặc biệt mà trên các giàn jack-up không bao giờ gặp phải, đó chính là hiện tượng giàn bị rung lắc liên tục. Giàn TAD là một giàn nửa nổi nửa chìm, được giữ cân bằng bởi các dây neo. Hiểu nôm na thì giàn này giống như một con thuyền đang được neo giữa biển. Vì vậy vào những mùa biển động, thời tiết xấu, sóng gió, mưa bão ập vào giàn sẽ khiến các anh công nhân, kỹ sư bị lắc lư, chao đảo không khác gì trên tàu. Chưa kể, nếu như ở trên tàu thì mọi người còn có thể ngưng làm việc lúc đó, nhưng đối với trên giàn thì không, công việc luôn phải được duy trì liên tục.

chuyen chua ke ve khoan nuoc sau ky 1
Trực trên giàn PV DRILLING V

Do giàn làm việc ở vùng biển cách xa đất liền 340km nên điều kiện thời tiết ở đây khắc nghiệt hơn rất nhiều so với ở các giàn jack-up chỉ cách bờ khoảng 100km. Có những lúc sóng dâng lên cao, đánh trùm lên cả giàn khoan, mang theo cá lên giàn. Có khi đang nằm trên giường, sóng đánh vào giàn hất văng anh em hết xuống sàn, bàn ghế thì chạy qua, chạy lại. Những lúc đó mà làm việc tay chân kiểu phải cầm búa đóng thứ gì đó thì chuyện cứ bị đóng trượt vào tay cũng là dễ hiểu!

Đã có rất nhiều trường hợp anh em kỹ sư bị say sóng phải nằm bẹp sau đó mấy ngày không làm gì nổi! Và cả những người không thể chịu nổi sự khắc nghiệt đó của môi trường làm việc, họ rút lui! Cũng chính vì vậy mà đối với kỹ sư, công nhân viên làm việc trên giàn PV DRILLING V đều có “chế độ say sóng”.

Nhân nói đến chuyện dây neo giàn thì phải nói thêm rằng, đây cũng chính là một khâu đặc biệt quan trọng trong công tác an toàn trên giàn PV DRILLING V. Giàn được cân bằng ổn định bằng 8 chiếc dây neo, mỗi dây chịu tải khoảng 130 tấn trong điều kiện thời tiết bình thường. Người giữ vị trí cân bằng giàn này là các chuyên gia nước ngoài và đây cũng chính là vị trí mà sau khi kết thúc chiến dịch khoan 5 năm cho Biển Đông 01, kỹ sư người Việt chỉ có thể thay thế được 50%. Nói cân bằng giàn thì tưởng đơn giản nhưng kỳ thực để điều khiển và bảo dưỡng 8 cái neo có dây dài hơn 1.300m này là cực kỳ khó. Không chỉ vậy, công việc cần sự chuẩn xác tuyệt đối, bởi chỉ cần chênh nhau một chút là toàn bộ giàn sẽ “có chuyện” ngay. Còn nếu để hỏng neo thì hậu quả không thể tả được bởi khi đó giàn PV DRILLING V sẽ bị trôi đi và có thể sẽ va vào giàn Hải Thạch – Mộc Tinh…!

Trở lại câu chuyện về điều kiện làm việc của các công nhân, kỹ sư trên giàn. Đối với anh em làm việc trên giàn V thường xuyên bị say sóng là vậy, còn những người làm việc bên tháp khoan thì lại có một cái khổ khác, đó là điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nếu không nói là không có bất kỳ điều kiện gì.

Bình thường, giữa giàn V và Platform nối với nhau bằng cầu thang, nhưng khi điều kiện thời tiết không đảm bảo thì bắt buộc thang phải thu về một bên, giữa hai bên hoàn toàn bị chia cắt. Anh em làm việc bên Platform xong cũng không thể quay về khu nhà nghỉ bên giàn V để tắm gội, nghỉ ngơi. Khi đó, họ chỉ còn cách nằm vật vạ bên Platform để chờ đến phiên vào ca. Thức ăn thì được chuyển sang cho họ bằng cần cẩu. Mà tình trạng như vậy đâu chỉ diễn ra trong vài giờ, có khi thời tiết xấu kéo dài đến vài ngày mới hết!

Để phần nào khắc phục tình trạng đó, một là khi có dự báo thời tiết xấu thì trưởng giàn sẽ cho chuyển số lượng người tối thiểu của cả hai ca làm việc sang hẳn bên Platform để tiện việc thay ca. Đồng thời chủ động lắp một container để anh em có chỗ nằm nghỉ ngơi sau ca làm việc… Bên nào cũng có cái khó khăn, vất vả riêng là vậy!

PV DRILLING V – Thế hệ giàn TAD hiện đại nhất thế giới

chuyen chua ke ve khoan nuoc sau ky 1
Giàn PV DRILLING V

Giàn TAD (Tender Assist Drilling)PV DRILLING V là giàn khoan đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ cao để khoan các giếng khoan nhiệt độ cao, áp suất cao (HPHT). Công suất thiết bị chống phun (BOP) được thiết kế với áp suất làm việc lên đến 15.000psi (tương đương 1.020 atm), đây là những thách thức lớn của công nghệ khoan dầu khí hiện nay. Một điểm đặc biệt nữa là giàn khoan PV DRILLING V của PV Drilling là giàn khoan TAD đầu tiên trên thế giới có tải trọng của tháp khoan thiết kế lên đến 1.500.000lbs nên có thể thực hiện được các giếng khoan đến độ sâu 30.000 ft (tương đương 9.100m) với độ sâu mực nước biển có thể hoạt động lên đến 4.000ft (1.200m).

“Khủng long biển”

chuyen chua ke ve khoan nuoc sau ky 1

Các mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn, thuộc thềm lục địa Việt Nam, cách Vũng Tàu khoảng 320km về phía Đông Nam. Khi được PVN thực hiện giai đoạn phát triển mỏ thì có một tên chung là Dự án Biển Đông 1. Dự án gồm 3 giàn chính: Giàn khai thác Hải Thạch (HT1), giàn khai thác Mộc Tinh (MT1) và giàn xử lý trung tâm đặt ở mỏ Hải Thạch (PQP-HT).

Đến thời điểm hiện tại, giàn PQP-HT và giàn Mộc Tinh là công trình biển lớn nhất của PVN được xây dựng trong thời gian liên tục từ năm 2010 đến 2013. Giàn Công nghệ Trung tâm PQP-HT còn được mệnh danh là “khủng long biển”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Lê Trúc