Qua 3 năm tổ chức, Việt Nam mới có hơn 50 doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn “văn hóa kinh doanh”. Những tưởng số lượng như vậy là ít bởi nước ta đang có tới gần một triệu doanh nghiệp nhưng sự thật thì ngược lại.
Tại cuộc gặp mặt báo chí do Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban tổ chức 248) về Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2024, phóng viên PetroTimes đã đặt vấn đề nêu trên với ông Hồ Anh Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Ban tổ chức 248.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng làm nên những thành công của ngành Dầu khí |
Ông Hồ Anh Tuấn chia sẻ, từ khi có ý tưởng thành lập Ban tổ chức 248, phát động xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam, lãnh đạo Nhà nước ta đã chỉ rõ quan điểm “Thà ít mà tinh chứ không tham nhiều, phổ biến tuyệt đối không làm cho có. Chính vì vậy, bộ tiêu chí đánh giá (chuẩn) về văn hóa kinh doanh Việt Nam luôn đặt ở mức cao, doanh nghiệp phải thực sự đạt đủ các tiêu chí mới được xét tặng. Trong tương lai, chúng tôi cũng có thể bổ sung tiêu chí còn khắt khe hơn”.
Có một chuyện ít người biết rằng, năm 2021 – lần đầu tiên Ban tổ chức 248 xem xét, đánh giá về chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, đã có rất nhiều doanh nghiệp gửi hồ sơ về Ban tổ chức, trong đó có hồ sơ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Cũng phải nói rằng, thời điểm ấy nước ta mới trải qua cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, sự quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp cũng như người dân là mong muốn trở lại cuộc sống bình thường, doanh nghiệp được sớm phục hồi sản xuất nên sự quan tâm về văn hóa kinh doanh cũng không nhiều. Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng mới vượt qua cuộc khủng hoảng kép của đại dịch Covid và giá dầu giảm sâu, ảnh hưởng nặng nề, đồng thời vừa trải qua một giai đoạn bị khủng hoảng niềm tin, tổn thương văn hóa. Bởi vậy, khi nhận được hồ sơ của Petrovietnam đề nghị công nhận đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam đã có không ít những nghi ngờ về việc xây dựng, tái tạo văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn.
Thời điểm này, phóng viên PetroTimes đã liên hệ gặp ông Hồ Anh Tuấn để trao đổi về xây dựng văn hóa kinh doanh trong doanh nghiệp. Ông Tuấn chia sẻ: “Khi ấy, chúng tôi cũng phân vân lắm, hồ sơ của Petrovietnam rất tốt nhưng có nhiều ý kiến nghi ngại nên chúng tôi bắt buộc phải làm rõ. Bởi vậy, chúng tôi đã tìm gặp lãnh đạo Tập đoàn, tổ chức trao đổi với nhiều cán bộ trong Tập đoàn cũng như tự tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin. Sau đó, anh em trong Ban tổ chức 248 cùng ngồi lại để làm rõ, khẳng định một điều là Petrovietnam đã làm “văn hoá kinh doanh” từ lâu, làm thật, làm một cách bài bản và đặc biệt là có hiệu quả cao”.
Ở đây, Petrovietnam đã thực sự quan tâm đến xây dựng văn hóa người Dầu khí cách đây hơn chục năm. Đây là một quá trình dài từ tổng hợp, học tập kinh nghiệm, mời chuyên gia tư vấn quốc tế… để từ đó tìm ra, xây dựng một chuẩn mực văn hoá riêng, hệ thống giá trị cốt lõi phù hợp từ Tập đoàn đến từng đơn vị. Đặc biệt là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những người được Đảng và Nhà nước giao trọng trách quản lý Tập đoàn. Từ đó, thống nhất và xác định rõ tầm quan trọng, giá trị của văn hóa doanh nghiệp, những lợi ích thiết thực mà văn hóa doanh nghiệp đem lại trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Petrovietnam làm công tác văn hóa doanh nghiệp không phải theo kiểu “cờ, đèn, kèn, trống” mà có thể đong đếm được từ những thói quen tốt trong công sở, văn hóa an toàn trong sản xuất, tiết kiệm trong kinh doanh, phối hợp chặt chẽ trong xử lý việc chung, việc chuyên môn…
Các doanh nghiệp trao đổi về xây dựng văn hóa doanh nghiệp |
Với sự quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong lần xét công nhận đầu tiên, căn cứ bộ tiêu chí của Hiệp hội phát triển văn hoá Việt Nam xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã được tôn vinh là 1 trong số 10 “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2021. Tiếp nối kết quả đạt được, trong năm 2022, 2023 đã có 11 đơn vị trong Tập đoàn tiếp tục đạt chuẩn văn hóa kinh doanh (chiếm tỷ lệ 25% tổng số doanh nghiệp được công nhận trên cả nước). Với 12 đơn vị đạt chuẩn, Petrovietnam đã hoàn thành gấp đôi chỉ tiêu theo Nghị quyết 06 của Đảng ủy Khối và về đích trước 2 năm chỉ tiêu đề ra theo Kế hoạch của Đảng ủy Tập đoàn trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Có thể khẳng định rằng xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Petrovietnam có đủ kinh nghiệm, chiều sâu và sức lan toả mạnh. Tuy vậy, cũng phải nhận thấy rằng vẫn còn nhiều khoảng trống để văn hóa Dầu khí tiếp tục lan toả, thấm sâu hơn nữa trong toàn Tập đoàn. Đặc biệt, “văn hóa kinh doanh Việt Nam” không phải là một danh hiệu bắt buộc hay một cấp hàm được phong tặng mà đó là một lợi ích thực sự cho doanh nghiệp, cho chính người lao động và một sự nhìn nhận trung thực của xã hội đối với chính những việc làm mỗi ngày của người Dầu khí Việt Nam.
Thành Công (Tạp chí PetroTimes)
https://petrovietnam.petrotimes.vn/chuyen-chua-biet-ve-van-hoa-petrovietnam-714391.html