02/08/2023 2:03:35

Chuyển đổi số ở Petrovietnam: Ứng dụng từ quản trị đến điều hành

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng đối với Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên. Công tác số hóa và ứng dụng công nghệ số đã được triển khai sâu rộng từ công tác quản trị đến điều hành nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động…

Hiệu quả từ chuyển đổi số

Petrovietnam xác định chuyển đổi số là 1 trong 10 nhóm giải pháp Chiến lược phát triển Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là “chìa khóa” để Tập đoàn thực hiện dịch chuyển mô hình kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong lĩnh vực hoạt động, góp phần xây dựng nền kinh tế số, nền kinh tế xanh. Do đó, ngay từ năm 2020, Petrovietnam đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Tập đoàn, đứng đầu là Tổng giám đốc Tập đoàn để chỉ đạo toàn diện công tác chuyển đổi số của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Đồng thời xây dựng chiến lược chuyển đổi số hướng tới các mục tiêu tối ưu hoạt động bộ máy quản trị và vận hành; tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trên toàn chuỗi giá trị năng lượng; đón đầu xu hướng dịch chuyển năng lượng trong khu vực và trên thế giới…

Petrovietnam đã xây dựng tầm nhìn số và lộ trình chuyển đổi số cho Công ty mẹ Tập đoàn gồm 32 sáng kiến số thuộc 4 chương trình thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026 và hướng tới mức độ trưởng thành số nâng cao vào năm 2026; ban hành Nghị quyết số 184-NQ/ĐU về thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Petrovietnam đến năm 2025, định hướng 2030…

capture.png

Lễ ký kết Hợp đồng tư vấn xây dựng chiến lược chuyển đổi số Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tháng 4/2021

Tập đoàn đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan đến 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi, trong đó cơ sở dữ liệu E&P làm nền tảng; Triển khai xây dựng các nền tảng ứng dụng để nâng cao công tác quản trị điều hành của Tập đoàn; Triển khai đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và các giải pháp bảo mật để đáp ứng yêu cầu của công tác chuyển đổi số.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay Petrovietnam đã ứng dụng và triển khai Hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) để quản lý và tối ưu vận hành, ngày 19/7/2023 dự án đã đạt 76%. Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, việc kịp thời đưa hệ thống ERP vào vận hành ổn định, hiệu quả sẽ góp phần tích cực giúp Petrovietnam hoàn thành mục tiêu quản trị. Tập đoàn quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án, đưa vào vận hành toàn bộ các module trong tháng 12/2023.

006.png

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi họp “Cập nhật công tác triển khai Hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP)”.

Bên cạnh Công ty mẹ, các đơn vị thành viên của Petrovietnam cũng tích cực triển khai và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số để tối ưu hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh. Điển hình như Liên doanh Dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro), đã triển khai hệ thống ERP, Trung tâm giám sát vận hành SVODKA VSP, thu thập và truyền dữ liệu công nghệ từ công trình biển vào bờ trong thời gian thực… qua đó, nâng cao hiệu quả thăm dò và khai thác dầu khí cũng như tối ưu hóa quản trị, tiết giảm chi phí hoạt động, giảm giá thành khai thác.

02(1).jpg

Các đơn vị thành viên của Petrovietnam cũng tích cực triển khai và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Không chỉ có Vietsovpetro, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) cũng trang bị trung tâm giám sát trực tuyến vận hành các nhà máy điện PV Power, hệ thống nhật ký vận hành điện tử các nhà máy điện (e-logbook)… giúp nâng cao hiệu suất máy móc, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế đồng thời kiểm soát công tác an ninh, bảo vệ môi trường.

Hay ở Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đã triển khai hệ thống ERP, hệ thống quản lý hoạt động sản xuất EPMS cùng nhiều ứng dụng như 2Nông, CRM-omni, Anh hai Ca Mau… giúp PVCFC thực hiện tốt việc chăm sóc khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh của Phân bón Cà Mau trên thị trường, quản trị các hoạt động Marketing/bán hàng một cách bài bản, hiệu quả.

Vẫn còn đó những khó khăn…

Mặc dù đã đạt được những kết quả thiết thực nhờ chuyển đổi số, tuy nhiên Petrovietnam vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ. Đơn cử như quy định về Danh mục bí mật Nhà nước trong ngành Dầu khí đang là rào cản trong việc áp dụng ứng dụng Cloud; hiện Petrovietnam còn thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; khối lượng công việc chuyển đổi số lớn và còn khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số…

Để vượt qua khó khăn, Tập đoàn đã chú trọng công tác truyền thông, đào tạo kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn thể cán bộ nhân viên, người lao động. Petrovietnam đã tổ chức 12 khóa đào tạo chuyển đối số, với 576 lượt cán bộ tham dự; ra mắt ấn phẩm “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Chuyển đổi số” nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về định hướng và lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số tại Petrovietnam để toàn thể người lao động cập nhật thống nhất hành động…

001(1).jpg

Petrovietnam ra mắt 2 ấn phẩm “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Chuyển đổi số” và “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Chuyển dịch năng lượng”

Năm 2023, nhằm đạt mục tiêu “Tăng tốc chuyển đổi số”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo đưa nội dung văn hóa số vào Đề án tái tạo văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam, tạo nền tảng thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong toàn Tập đoàn; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu Tập đoàn; số hóa và cải tiến quy trình nghiệp vụ.

“Chuyển đổi số gắn với vai trò người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải tiên phong tham gia chuyển đổi số để từ đó đưa ra các giải pháp tích hợp cùng công nghệ số với các hoạt động doanh nghiệp nhằm thay đổi phương thức, cách thức, mô hình kinh doanh một cách tổng thể, toàn diện”.

Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Petrovietnam

Mặt khác, Petrovietnam sẽ tập trung kiện toàn năng lực, cơ cấu tổ chức thực hiện chuyển đổi số; triển khai công tác đào tạo về chuyển đổi số (cơ bản và nâng cao) cho toàn bộ cán bộ nhân viên; tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác chuyển đổi số và cập nhật các công nghệ mới; tích cực hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước có kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi số để đề xuất tư vấn, hỗ trợ cho công tác chuyển đổi số của Petrovietnam. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các đối tác có tên tuổi trên thị trường cả trong và ngoài nước có năng lực, kinh nghiệm về chuyển đổi số như ký thỏa thuận hợp tác với Viettel, Microsoft…; tổ chức học tập, trao đổi nghiệp vụ về chuyển đổi số với một số cơ quan quản lý Nhà nước…

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường