26/10/2023 4:09:56

Chương trình “Một triệu sáng kiến” tôn vinh sức sáng tạo của người lao động PV Drilling

Sáng kiến “Thiết kế hệ thống bôi trơn cưỡng bức cho Fairleader tời neo giàn tiếp trợ TAD – PV DRILLING V” của Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh tại chương trình tổng kết “1 triệu sáng kiến, nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Thành quả này một lần nữa minh chứng cho sức sáng tạo của người lao động PV Drilling.

Sáng kiến “Thiết kế hệ thống bôi trơn cưỡng bức cho Fairleader tời neo giàn tiếp trợ TAD – PV DRILLING V” của nhóm tác giả Đinh Quang Nhựt – Phó Tổng giám đốc PV Drilling kiêm Giám đốc Xí nghiệp Điều hành Khoan (XNĐHK); Đặng Trung Du – Trưởng phòng Cơ điện Bảo dưỡng XN ĐHK và các kỹ sư thuộc phòng Cơ điện bảo dưỡng, phòng Điều hành khoan XN ĐHK đã được áp dụng trên giàn khoan TAD – PV DRILLING V của Tổng công ty PV Drilling từ tháng 1/2022. Sáng kiến này đã làm lợi cho tổng công ty cả về lợi ích kinh tế và uy tín thương hiệu trên thị trường khoan quốc tế.

Chương trình “Một triệu sáng kiến” tôn vinh sức sáng tạo của người lao động PV Drilling

Ông Đặng Trung Du – Trưởng phòng Cơ điện Bảo dưỡng XN ĐHK, đại diện nhóm tác giả nhận giải thưởng.

Ngày 24/9/2019, PV Drilling chính thức ký kết hợp đồng cung cấp giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm TAD – PV DRILLING V cho khách hàng Brunei Shell Petroleum (BSP) tại thị trường Brunei. Đây là hợp đồng có thời hạn khoan dài nhất của PV Drilling (6 năm chắc chắn và 4 năm gia hạn) và là hợp đồng đầu tiên của giàn TAD tại nước ngoài. Sau thời gian ngủ đông (cold-stack) từ cuối năm 2016, giàn TAD đã chính thức hoàn thành công tác tái khởi động vào tháng 4/2021 và chuẩn bị lên đường cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại Brunei.

Về cấu tạo, giàn TAD – PV DRILLING V được trang bị 8 tời neo, giúp giàn duy trì ổn định vị trí cũng như hỗ trợ giàn trong quá trình di chuyển trên biển. Ở mỗi góc của giàn TAD được lắp đặt 2 tời kéo, 2 tời chứa cáp và 2 fairleader. Mỗi tời kéo, tời chứa cáp có hệ thống điều khiển độc lập, trạm điều khiển được bố trí gần vị trí tời neo và một hệ thống giám sát chung ở phòng điều khiển trung tâm. Còn fairleader là một bộ phận rất quan trọng của hệ thống tời neo, có chức năng dẫn hướng cho cáp neo theo các góc độ yêu cầu trong quá trình di chuyển giàn. Ngoài ra, fairleader còn phải đáp ứng yêu cầu về chịu được tải trọng lớn với ma sát thấp giữa fairleader và cáp neo trong quá trình làm việc để tránh làm hư hỏng cáp neo.

Chương trình “Một triệu sáng kiến” tôn vinh sức sáng tạo của người lao động PV Drilling

Giàn khoan TAD – PV DRILLING V hiện đang khoan cho khách hàng BSP tại Brunei.

Khoảng đầu tháng 11/2021, giàn TAD – PV DRILLING V đã di chuyển gần đến vị trí khoan của khách hàng. Tại đây, khi giàn bắt đầu thả 8 dây neo để tiếp cận platform và cố định vị trí thì đội ngũ vận hành phát hiện bộ phận dẫn hướng của cả 8 dây neo đều không thể quay được. Khi đó, quá trình thả neo buộc phải dừng lại để báo cáo lãnh đạo tìm phương án xử lý sự cố.

Thời điểm này, nhà sản xuất tời neo Brohl Đức đã đưa ra một số giải pháp xử lý sự cố nhưng không thành công. Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lực lượng lao động của họ làm việc ở nhà, cùng với sự chênh lệch múi giờ dẫn đến thông tin liên lạc hai chiều thường bị chậm, trong khi công tác xử lý sự cố cần được thực hiện nhanh để giàn TAD tiến hành khoan theo kế hoạch.

Không thể thụ động chờ nhà sản xuất, Ban Giám đốc XN ĐHK, đặc biệt là Giám đốc Đinh Quang Nhựt đã chỉ đạo quyết liệt Phòng Cơ điện Bảo dưỡng và Phòng Điều hành khoan phối hợp nghiên cứu phương án khả thi. Trong nhiều giải pháp được đề xuất, giải pháp bôi trơn cưỡng bức cho fairleader tời neo có tính khả thi cao và phù hợp thực tế nhất. Đây cũng là giải pháp ít tốn kém nhất do phần lớn các vật tư để thực hiện công việc có sẵn trên giàn và toàn bộ các công việc cần làm thì đội ngũ lao động trên giàn có thể thực hiện được.

Tuy vậy, từ ý tưởng đến thực tiễn, đội ngũ kỹ sư của XN ĐHK cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do vị trí của bộ phận dẫn hướng nằm ở 4 chân giàn nên nhóm sáng kiến phải lắp giàn giáo để có không gian làm việc, nhân sự tham gia cũng rất hạn chế, tư thế khoan ngang, mũi khoan nhỏ chỉ có đường kính 5/16′ tương đương 8mm, trong khi đó chiều sâu cần khoan là 120mm, nếu người thực hiện công việc không tập trung cao độ rất dễ làm gãy mũi khoan…

Chương trình “Một triệu sáng kiến” tôn vinh sức sáng tạo của người lao động PV Drilling

Giấy chứng nhận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho nhóm tác giả.

Được sự tin tưởng tuyệt đối, sự động viên, khuyến khích của ban lãnh đạo PV Drilling, sau khoảng 2 tuần, toàn bộ sự cố đã được nhóm kỹ sư XN ĐHK giải quyết xong, mang lại cho PV Drilling rất nhiều lợi ích, đặc biệt là giữ gìn uy tín của nhà thầu khoan Việt Nam đối với khách hàng lớn BSP. Nhờ sáng kiến này, giàn TAD – PV DRILLING V đã kịp thời cung cấp dịch vụ khoan đúng kế hoạch, góp phần bảo đảm được lợi ích lâu dài của khách hàng và thực hiện cam kết đưa giàn vào hoạt động với tất cả các thiết bị ở trạng thái làm việc tốt nhất. Tiếp theo là lợi ích về kinh tế, PV Drilling không phải kéo giàn quay lại Keppel Fels Shipyard ở Singapore để xử lý sự cố với tổng thời gian di chuyển, xử lý sự cố và quay về Brunei dự kiến khoảng 50 ngày, chưa kể không phải tốn chi phí để mua sắm thiết bị mới. Tổng số tiền làm lợi của sáng kiến ước tính là 1.596.555 đô la Mỹ, tương đương 37 tỉ đồng.

Từ các lợi ích kể trên cho thấy “Thiết kế hệ thống bôi trơn cưỡng bức cho Fairleader tời neo giàn tiếp trợ TAD” của PV Drilling xứng đáng là một trong 11 sáng kiến của ngành Dầu khí được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh trong chương trình “1 triệu sáng kiến…” là phần thưởng rất xứng đáng. Thành quả này đã phản ánh tinh thần sáng tạo, chịu khó, dám nghĩ dám làm của ban lãnh đạo và NLĐ PV Drilling. Ngay từ khi thành lập, PV Drilling luôn quan tâm thúc đẩy CBCNV phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong toàn tổng công ty. Để đẩy mạnh công tác này, tổng công ty đã thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích, hỗ trợ CBCNV-NLĐ tích cực nghiên cứu, cho ra đời các công trình, sản phẩm dịch vụ thiết thực, có hiệu quả đặc biệt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng năng suất lao động và giảm thời gian, chi phí sản xuất trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như hoàn thiện năng lực cung cấp dịch vụ của tổng công ty. Ban lãnh đạo PV Drilling xác định rằng, chỉ có chính mình thực hiện công tác cải tiến kỹ thuật mới có thể giảm tối đa giá thành dịch vụ, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Chương trình “Một triệu sáng kiến” tôn vinh sức sáng tạo của người lao động PV Drilling

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tuyên dương 11 sáng kiến của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Thời gian qua, hưởng ứng phong trào sáng kiến sáng chế (SKSC) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam, phong trào SKSC ở PV Drilling như được tiếp thêm sức mạnh. Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Tổng công ty và Công đoàn Tổng công ty đã luôn sát sao, hướng dẫn cụ thể cho người lao động phát triển những ý tưởng để thành sáng kiến hữu ích áp dụng vào hoạt động sản xuất. Đặc biệt, ban lãnh đạo tổng công ty luôn động viên kịp thời cả về vật chất và tinh thần đối với những tập thể và cá nhân có sáng kiến được áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị.

Chắc chắn rằng, thành quả sáng kiến của ông Đinh Quang Nhựt – Phó Tổng giám đốc PV Drilling kiêm Giám đốc XN ĐHK và nhóm tác giả sẽ lan tỏa đến tất cả đoàn viên công đoàn PV Drilling, tạo động lực để CBCNV-NLĐ cùng tham gia vào phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động. Những đóng góp của các cá nhân, đại diện nhóm tác giả không chỉ được tôn vinh trong chương trình “1 triệu sáng kiến” mà quan trọng hơn là đóng góp vào nỗ lực vượt qua “khủng hoảng kép”, đồng thời góp phần khẳng định vị thế, giá trị thương hiệu của PV Drilling nói riêng và ngành Dầu khí Việt Nam nói chung.

P.V