Bất chấp cái nắng nóng 38-40 độ, hôm nay cán bộ, công nhân viên Nhà máy Nhiệt điện Thái bình 2 đã khẩn trương thực hiện hàng loạt các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, như: cắt tỉa, chằng chống cây cối; di chuyển đồ đạc vào nơi an toàn; chằng buộc mái tôn, các cửa kính, cửa sổ…
Ban Giám đốc Nhà máy tổ chức cuộc họp khẩn nhằm triển khai các giải pháp sẵn sàng, kịp thời ứng phó với cơn bão Yagi. |
Sáng 5/9, Ban Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm triển khai các giải pháp sẵn sàng, kịp thời ứng phó với “siêu bão” Yagi, được dự báo có gió giật cấp 16, 17.
Với tinh thần chủ động chống bão, từ ngày 4/9 nhiều cán bộ nhà máy đã tiến hành phát quang những cành lá mục, có nguy cơ gãy đổ.
Trong cái nắng như thiêu như đốt, các đội viên Đội Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khẩn trương di chuyển các tài liệu, thiết bị quan trọng về nơi an toàn.
Để đối phó với siêu bão, ông Vũ Kiều Khánh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính đề xuất phương án “4 tại chỗ”, tập trung các cán bộ trực “xuyên bão” tại khu nhà điều hành và được Lãnh đạo nhà máy đồng ý.
Ngay trong ngày 5/9, Ban giám đốc Nhà máy đã thành lập Đội Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn gồm hơn 100 cán bộ, công nhân viên thuộc các phòng chức năng và các phân xưởng trực thuộc.
Toàn thể Ban lãnh đạo, cán bộ công nhân viên nhà máy đều khẩn trương, chủ động ứng phó với siêu bão.
Chống bão như chống giặc
Phó Giám đốc Nguyễn Văn Chung, chủ trì cuộc họp. |
Với tinh thần “chống bão như chống giặc”, ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Nhà máy đã yêu cầu các phòng, ban chức năng khẩn trương thực hiện các công việc cụ thể như sau:
Thông báo tới các nhà thầu đang thực hiện công tác BDSC định kỳ cũng như đang thực hiện cung cấp than, dầu, đá vôi… duy trì trực ban, trực 24/24h, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão, để kịp thời ứng phó;
Thông báo ngay cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng của các tàu thuyền đang hoạt động trên vị trí, đường đi, và diễn biến của cơn bão để phòng tránh, thoát ra không đi vào vùng nguy hiểm của bão;
Kích hoạt ngay kế hoạch, quy trình ứng phó với bão gần, chuẩn bị các phương án ứng phó bảo đảm an toàn cho người, và bảo vệ tài sản của đơn vị, sẵn sàng tham gia ứng phó, hỗ trợ các đơn vị khác khi được yêu cầu;
Thực hiện chế độ báo cáo trong tình hình khẩn cấp theo quy định của Chi nhánh, Tập đoàn…
Minh Tiến – Trần Trung (Tạp chí PetroTimes)