Ngày 19.8, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến kết nối các điểm cầu của các chuyên gia và lãnh đạo trung tâm công đoàn ở một số quốc gia trên thế giới.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Hùng
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải và ông Patuan Samosir, Trưởng ban Tổ chức và Dự án của Tổng Công đoàn Quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ITUC-AP) đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Văn phòng ILO tại Việt Nam và các lãnh đạo từ các trung tâm công đoàn quốc gia: Đại hội Công đoàn Singapore (NTUC), Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc (FKTU), Liên hiệp Công đoàn Thịnh vượng Indonesia (KSBSI) và Tổng Công đoàn Thụy Điển (LO Thụy Điển), cùng 50 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương và LĐLĐ tỉnh, thành phố.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Quang Hùng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải chia sẻ với các đại biểu công đoàn quốc tế về quá trình hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong thời gian qua.
Theo ông Trần Thanh Hải, được thành lập vào ngày 28.7.1929, trải qua 93 năm phát triển, Tổng LĐLĐVN hiện có gần 11 triệu đoàn viên tại hơn 135 nghìn công đoàn cơ sở. Tổng LĐLĐVN đang tập trung thực hiện mục tiêu đề ra tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động” và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, các cấp công đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn; thực hiện tốt vai trò đại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia, trong 5 năm qua, mức lương tối thiểu ở Việt Nam đã tăng hơn 60%.
Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công tác đối thoại xã hội thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được chú trọng với độ bao phủ rộng hơn, chất lượng được nâng lên, thỏa ước có nhiều doanh nghiệp tham gia được triển khai, nhân rộng ra nhiều ngành, địa phương.
Hoạt động tư vấn pháp luật, đại diện, khởi kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động được quan tâm thực hiện. Công tác an toàn vệ sinh lao động, công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát tiếp tục được duy trì, tăng cường.
Hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn có nhiều đổi mới, được triển khai với quy mô lớn, diện rộng, thiết thực, kịp thời. Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động như Tết Sum vầy, Phúc lợi đoàn viên, Mái ấm Công đoàn… tiếp tục được phát triển, hoàn thiện.
Đặc biệt là các chính sách chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVD-19 từ nguồn tài chính công đoàn được ban hành đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời. Công tác phát triển đoàn viên xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh được chú trọng, triển khai nhiều giải pháp mới, đạt được một số kết quả quan trọng.
“Hiện nay, các cấp Công đoàn Việt Nam đang tập trung chuẩn bị các công việc để triển khai tổ chức đại hội công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13, nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2023. Đây là Đại hội hết sức quan trọng hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đại hội sẽ quyết định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong 5 năm tới” – ông Trần Thanh Hải cho hay.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN đánh giá, Hội thảo hôm nay là diễn đàn quan trọng để chúng ta nhận diện đầy đủ hơn về tình hình phong trào công nhân, công đoàn trong khu vực, kinh nghiệm quốc tế liên quan đến quy định pháp luật về quyền lao động, quyền công đoàn trong một số lĩnh vực cụ thể như: quyền đại diện đối thoại, thương lượng tại doanh nghiệp; vai trò đoàn viên đối với hoạt động công đoàn; sự hình thành trung tâm công đoàn quốc gia mới; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và thực tiễn triển khai hoạt động công đoàn, phát triển đoàn viên.
“Đây là nguồn tham khảo hữu ích, có ý nghĩa giúp Công đoàn Việt Nam nghiên cứu nhằm tăng cường vai trò đại diện, bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Tôi đề nghị các đại biểu Việt Nam tập trung lắng nghe, tích cực tham gia trao đổi, thảo luận để tranh thủ nắm bắt những thông tin, kinh nghiệm từ các báo cáo viên quốc tế” – ông Trần Thanh Hải phát biểu chỉ đạo.
Nhân dịp này, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, ông Trần Thanh Hải đã trân trọng cảm ơn sự hợp tác, giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè quốc tế đã dành cho Công đoàn Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là Tổng Công đoàn Quốc tế, Tổng Công đoàn Quốc tế Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Tổ chức Lao động Quốc tế, các công đoàn quốc gia và hy vọng rằng trong hành trình sắp tới, Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác, tình cảm đoàn kết từ các tổ chức công đoàn anh em, bạn bè quốc tế…
Theo laodong.vn