Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 24 (khoá XII), khi bàn về những chỉ tiêu của tổ chức Công đoàn, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị cần có giải pháp cụ thể gắn với tình hình thực tế cho từng vấn đề.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu được giao năm 2021 của Công đoàn, có 8 nhóm đạt và vượt. Nhưng cũng còn 3 chỉ tiêu không đạt, gồm: thành lập công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên: 1107, đạt 65%; có 2.082 doanh nghiệp nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (đạt 88,6% chỉ tiêu); có 4.905 doanh nghiệp đăng ký qua một tài khoản của Công đoàn Việt Nam, đạt 30% chỉ tiêu.
Trong quá trình thảo luận, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đề nghị các uỷ viên Đoàn Chủ tịch đưa ra giải pháp cụ thể. Ví dụ, đối với tình trạng giãn cách, không lấy được ý kiến của người lao động để thực hiện thương lượng, ký mới Thoả ước lao động tập thể; không kiểm tra, giám sát được thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang nêu rõ cần có giải pháp cụ thể, cách làm mới linh hoạt để khắc phục tình trạng này, tránh nêu lý do chung chung là dịch bệnh.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu có sự cụ thể trong các hoạt động, giải pháp để các chính sách của Công đoàn nhanh chóng đi vào cuộc sống. Ảnh: Hải Nguyễn
Thực tế có những doanh nghiệp đã sử dụng hình thức đối thoại khác thay cho đối thoại định kỳ – đó là đối thoại trong phạm vi nhóm nhỏ. Cách làm này sẽ khắc phục được việc không lấy được ý kiến của người lao động do dịch bệnh…
Yêu cầu về tính cụ thể còn được thể hiện trong yêu cầu đóng góp ý kiến cho Tờ trình Về việc ban hành Quyết định thay thế Quyết định thay thế 2606 và 3022/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lần thứ 4, từ 27.4.2021.
Sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện, cách chính sách theo Quyết định nói trên đã phát huy kết quả nhất định, góp phần chăm lo, động viên, chia sẻ kịp thời với lực lượng tuyến đầu chống dịch, đoàn viên người lao động bị F0, F1, F2, gặp khó khăn ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, góp phần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn là cơ quan đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, tình hình phòng chống dịch đã thay đổi theo diễn biến dịch bệnh nên chính sách cũng cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Tính cụ thể trong hoạt động, giải pháp là yếu tố quan trọng để chính sách, nhất là chính sách hỗ trợ người lao động nhanh chóng đi vào cuộc sống (ảnh minh hoạ). Ảnh: Kiều Vũ
Đối với vấn đề ban hành Quyết định thay thế Quyết định thay thế 2606 và 3022/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lần thứ 4, từ 27.4.2021, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết do tình hình dịch thay đổi nên các chính sách của Công đoàn cần sửa đổi kịp thời để chính sách đi vào cuộc sống nhanh nhất. Do đó, yêu cầu các uỷ viên Đoàn Chủ tịch cần thảo luận, đóng góp cụ thể về thời điểm, đối tượng sao cho dễ thực hiện, dễ kiểm tra, kể cả việc xác nhận hồ sơ.
Theo laodong.vn