11/06/2024 3:16:41

Chào tháng Sáu – ngàn lời tri ân gủi tới những người thủy thủ

Tháng Sáu về, xin chào những người thuỷ thủ! Xin được nói lời tri ân tới những người con của biển đã cùng người lao động của nhiều ngành nghề tạo ra sức mạnh kinh tế và đóng góp một phần lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Tháng Sáu về, có ngày 25 – ngày được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) chọn là “Ngày Thuyền viên – Day of Seafarer” như một sự tôn vinh người đi biển, công nhận đầy đủ và sự biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp, sự hy sinh, cống hiến lớn lao của những người thủy thủ đối với xã hội toàn cầu.

Tháng Sáu về, chúc những người thủy thủ luôn được mạnh khỏe, bình an, bình yên trên những hải trình khắp năm châu bốn biển và chúng tôi – những người làm công tác thuyền viên, giám sát an toàn/kỹ thuật vẫn luôn dõi theo, đồng hành cùng các anh, bất kể thời gian!

Chúng tôi hiểu và xin được chia sẻ sự vất vả của các anh khi trên hải trình thường xuyên phải đối mặt với sự cô đơn, hiểm nguy bởi những ngày biển động, thời tiết bất ưng như bão, lốc, sóng thần…, thậm chí có thể phải đi qua vùng cướp biển, giao tranh…

Và trên hết, các anh phải thường xuyên xa gia đình, vợ, con, không có điều kiện để làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha và cũng không thể chăm sóc phụng dưỡng chu đáo đấng sinh thành, nhưng các anh đã rất cố gắng, nỗ lực hết mình để vận hành tàu an toàn, lưu chuyển hàng hóa đi muôn nơi trong điều kiện thật sự khắc nghiệt.

Tôi đã từng nghe anh em thuyền viên chia sẻ rằng, đôi khi sau ca trực, từ boong tàu dõi mắt xa xăm ra mặt biển phẳng lặng như tờ, trời xanh, trong vắt không một gợn mây và tuyệt nhiên không có bóng một tàu, thậm chí đến một tàu cá của ngư dân cũng không có. Những lúc đó cảm giác thèm đến cồn cào, đến khát khao, trông ngóng bóng một con tàu bất kỳ hay chỉ là thấp thoáng cái bóng tàu cá của ngư dân hoặc một cánh chim hải âu, hay một đàn cá biển đùa giỡn bơi theo tàu… Bởi vì, những hình ảnh đó gợi cho những người đi biển dấu ấn của đất liền, quê hương.

Chúng tôi cũng thấu hiểu nghề đi biển là một nghề đặc thù, các anh thường xuyên phải vắng nhà vào mỗi độ Tết đến Xuân về. Giấu kín trong lòng nỗi nhớ nhung đất liền, các đã anh cùng nhau chuẩn bị những món ăn mang hương vị Tết quê nhà và đón khoảnh khắc giao thừa giữa đại dương mênh mông. Những hình ảnh đậm chất Xuân quê hương được các anh gửi về đất liền với biết bao cảm xúc: bàn thờ Tổ quốc với hình ảnh Bác Hồ cùng lá cờ đỏ sao vàng đặt trang trọng; những chiếc bánh chưng được gói bằng bao xác rắn (đựng gạo); hoa tươi bày bàn thờ là những bông hoa ớt nhỏ xinh, các anh còn bắt “sắt thép nở hoa” thành những cành đào, cành mai thế rực rỡ… và hơn cả là những nụ cười vui vẻ, hạnh phúc của các anh từ muôn trùng khơi gửi về đất liền, những clip giọng hát các anh hòa với tiếng sóng biển, ca ngợi tình yêu, quê hương đất nước.

Xin cám ơn các anh, những người thủy thủ đã và đang miệt mài cống hiến!

Chào mừng “Ngày Thuyền viên – Day of Seafarer” – giữa biển cả mênh mông, từ phong trào rèn luyện thân thể nâng cao sức khoẻ hàng ngày trên tàu, cùng định hướng của tổ chức Công đoàn, Ban chỉ huy các tàu căn cứ vào lịch hoạt động khai thác tàu, kế hoạch xếp/dỡ hàng, công tác bảo quản bảo dưỡng trên tàu và các công việc khác có liên quan để không ảnh hưởng đến an toàn hàng hải, đã tạo sân chơi, môi trường sinh hoạt giải trí lành mạnh cho anh em thuyền viên sau những giờ làm việc mệt nhọc, bằng hoạt động thi đấu các môn thể thao và trao thưởng như vật tay, bóng bàn, cờ tướng,cờ vua, kéo co.

Đặc biệt, các tàu còn tổ chức cuộc thi cho toàn thể thuyền viên mặc bộ quần áo chữa cháy (fireman outfit), mặc đồ chống mất nhiệt (immersion suit) như một dịp tập dượt công tác huấn luyện an toàn cho thuyền viên. Giải thưởng sẽ dành cho những thuyền viên có thời gian thao tác nhanh nhất trong khung thời gian quy định.

Mỗi một hoạt động được triển khai xuống tàu gửi gắm biết bao ân tình, là lời tri ân đến đội ngũ thủy thủ, cũng là cơ hội để kết nối, thấu hiểu và làm sâu sắc thêm tình đoàn kết giữa tàu và bờ.

Tản văn tháng Sáu – xin mạo muội viết mấy dòng về nghề thủy thủ, tôi cũng không biết diễn tả như thế nào cho hết sự vất vả, hy sinh của các anh! Nghề thủy thủ được xếp vào hàng các nghề nguy hiểm bởi người làm nghề luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro khi lênh đênh trên biển, có khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Công việc đòi hỏi sức khỏe, trình độ, lòng dũng cảm, sự hy sinh. Mong rằng những cảm xúc đong đầy và tình cảm của đất liền sẽ luôn là nguồn khích lệ tinh thần các anh vượt sóng vươn xa, làm cầu nối cho những chuyến hàng đi khắp năm châu!

Ngành vận tải biển biết ơn các anh biết bao vì đã dám dấn thân và chọn nghề thủy thủ, đã dũng cảm đối mặt với mọi hiểm nguy!

Xin cám ơn các anh, những người thủy thủ – những người con của biển!

Kiều Anh