23/08/2021 2:46:13

Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 2)

Những chuyến khảo sát được tiến hành để chuẩn bị cho việc triển khai công tác thăm dò dầu khí ra ngoài khơi vịnh Bắc Bộ bằng tàu địa chấn đầu tiên Bình Minh và cũng là chuẩn bị các giếng khoan dầu khí sâu đến 5.000m đầu tiên của nước ta.

Nhìn xuyên lòng đất

Phương pháp đo địa chấn phản xạ đã thành thục, đã mang lại những hiệu quả bất ngờ. Song vẫn còn nhược điểm, chỉ lần sâu vào lòng đất chưa tới 3.500m. Trong địa vật lý có nhiều phương pháp có thể dùng để khắc phục nhược điểm này. Địa chấn khúc xạ liên kết, có thể nghiên cứu sâu đến tầng móng trầm tích Đệ Tam.

Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 2)

Phát nổ đầu tiên tại làng Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên, ngày 25/6/1962

Thế là một cuộc thí nghiệm mới lại bắt đầu. Lý thuyết thì đã học rồi, còn thực tiễn còn nhiều bỡ ngỡ. Ngày đi làm, tối về bên đèn dầu, lần dở những tài liệu ngoại quốc, mong tìm ra phương thức thực tế áp dụng. Lúc bấy giờ Việt Nam chưa có loại máy này. Về nguyên lý chung, sóng địa chấn có tần số thấp hơn sóng phản xạ, xuyên rất sâu vào lòng đất. Cuối cùng, tôi chủ trì dự án cùng đồng nghiệp huy động những trí tuệ địa vật lý Việt Nam, có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, đã cải tiến máy địa chấn phản xạ thành máy khúc xạ. Kỹ sư điện tử Bùi Xuân Toại đã giúp chúng tôi nhiều trong công việc này.

Đó là cải tiến theo hướng hạ tần số của máy thu sóng và máy khuyếch đại tín hiệu địa chấn. Việc làm này cũng không phức tạp lắm song trong điều kiện Việt Nam lúc bấy giờ thật sự khó khăn vì thiếu các phương tiện kỹ thuật và phụ tùng cần thiết. Qua nhiều đêm suy nghĩ, tôi đề xuất mài mỏng và cho axít ăn mòn các lò xo lá díp trong máy thu và lắp thêm tụ điện trong các máy khuyếch địa chấn phản xạ, còn phải cải tiến cách truyền xung nổ qua vô tuyến để đánh dấu thời gian nổ. Kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho các thông số thu ghi đạt yêu cầu. Thử nghiệm thực tế ở Phủ Cừ cho kết quả đầu tiên rất tốt, hơn cả dự kiến. Chưa thỏa mãn, lượng thuốc nổ trong đo khúc xạ không phải chỉ là hàng kilôgam mà lên đến trên một tấn, phải khoan trên 40 giếng nạp mìn, lại phải cải tiến máy bắn mìn sao cho cùng một lúc đồng thời nổ 40 kíp nổ.

Phương án địa chấn khúc xạ cho toàn Tam giác châu thổ sông Hồng được xây dựng, các tuyến khảo sát dài hàng trăm kilômet, rải từ Nam Định đến Quảng Ninh, từ Tiền Hải đến Gia Lâm. Mỗi lần rải dây máy dài đến 5 km. Thu sóng tại Thái Bình mà nổ mìn từ Phố Viềng – Nam Định và Quảng Yên – Quảng Ninh xa đến trăm cây số. Như con vạc ăn đêm, công việc thu nổ địa chấn khúc xạ chỉ làm về đêm, khi mọi người đã say giấc nồng. Thỉnh thoảng cũng không tránh khỏi nhiễu loạn do “hoạt động về đêm” của con người. Công việc rất phức tạp và khá vất vả, nhưng bên cạnh chúng tôi đã có các học trò vừa là bạn đồng nghiệp thân thiết rất thông minh tháo vát như Nguyễn Chí Liễn, Mai Thanh Tân, Võ Long, Phạm Đình Phàng tận tình giúp đỡ để vượt qua khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua trong thời gian ấy. Nhớ lại lần đo sóng tại Phố Viềng – Nam Định, chiều hôm đó chúng tôi vừa thu dọn di dời xong thiết bị và hệ thống thu phát vô tuyến thì máy bay Mỹ đến ném bom đúng vị trí đặt máy đào xới tung cả một vùng, rất may mắn người và thiết bị đã được di dời từ tối hôm trước.

Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 2)

Cùng với chuyên gia Mactưnov và Riaboi bên xác bom Mỹ tại Phố Viềng – Nam Định, năm 1966

Từ năm 1969, công việc này được anh Nguyễn Trí Liễn và anh Võ Long tiếp tục và hoàn thành tốt đẹp. Phương án địa chấn khúc xạ đã vẽ được các mặt cắt địa chấn sâu, khảo sát được đáy trầm tích Đệ Tam ở vùng chung quanh Trũng sông Hồng.

Nghĩ lại càng thấy việc bắt đầu của công tác địa vật lý thật khó khăn và gian truân, đời người tìm kiếm dầu khí như cánh chim trời, bay đến mọi nơi, đâu cũng hóa đất lành, đâu cũng hẹn ngày trở lại. Hồi ấy tinh thần thật hăng hái nhiệt tình, lòng người thật tốt lại bao dung nhân hậu cao đẹp thánh thiện đến thế. Chính nhờ những điều đó mà chúng tôi đã vượt qua được gian nan ban đầu để có các kết quả đóng góp vào những thành tựu của ngành Dầu khí ngày hôm nay.

Ra biển

Câu chuyện ngày đầu đi tìm dầu khí (Kỳ 2)

Bình Minh – tàu thăm dò địa chấn đầu tiên ở vịnh Bắc Bộ

Với kết quả nghiên cứu dầu khí ở Đồng bằng Sông Hồng, các nhà địa chất – địa vật lý nhận định rằng, theo hướng ra biển thì triển vọng dầu khí tốt hơn trong đất liền. Theo lệnh của Tổng cục Địa chất mùa hè năm 1968, Đoàn 36 cử đoàn khảo sát vùng ven biển Vịnh Bắc Bộ dọc theo các tỉnh Nam Định, Thái Bình. Đoàn gồm các kỹ sư, kỹ thuật viên địa vật lý và trắc địa. Nhiệm vụ của đoàn là khảo sát các điều kiện địa dư, vật lý biển, địa chất khu vực các đảo Cồn Đen, Cồn Lu, Cồn Thông, Cồn Thủ để lập phương án thăm dò địa vật lý.

Do thiếu thốn về kinh phí và phương tiện tàu thuyền, đoàn chúng tôi phải đi theo các thuyền đánh cá, làm việc sinh hoạt cùng với ngư dân. Ban ngày chúng tôi tham gia kéo lưới bắt cá kết hợp khảo sát đo đạt chiều sâu biển, theo dõi quy luật và cường độ sóng gió và thủy triều, vẽ bản đồ các đảo. Biết được mục đích công việc của chúng tôi là khảo sát thăm dò dầu khí, người dân ở vùng biển Thái Thụy – Thái Bình rất phấn khởi và hết sức nhiệt tình giúp đỡ. Khi chuẩn bị chuyến đi biển, bà con khuyên chúng tôi không cần đem theo nhiều thứ, chỉ cần gạo muối, một số gia vị, rau thơm, bếp dầu, vài bộ áo quần cộc và… rượu quốc lủi. Quả thực làm việc trên biển hàng tuần mà chúng tôi không cần gì thêm ngoài những thứ mang theo. Bù lại những ngày nắng gắt và nước biển mặn chát làm cho ai nấy đều đen xạm thì các bữa ăn trên thuyền thật xôm, chúng tôi được ăn những con cá ngon tươi nhất vừa mới bắt được, thôi thì đủ các món cá nấu, cá mướn và đặc biệt là món gỏi cá. Thật thú vị, buổi tối nghỉ lại trên thuyền hoặc ghé vào bờ đảo gần đó để nhâm nhí chén rượu với cá nướng, rồi ngủ lại trên bãi cát với trăng sao, gió mát rượi và tiếng sóng rì rào.

Những câu chuyện kể của bà con đi biển thật hấp dẫn về phong tục tập quán và cách làm ăn sinh sống của ngư dân vùng biển. Qua đó chúng tôi thu thập được nhiều tư liệu cần thiết về biển như thời tiết, sóng gió, thủy triều… mà không tìm thấy được trong sách vở. Chuyện kể rằng có tên “Cồn Đen” vì những người đánh cá cởi trần suốt ngày nắng gió làm da đen sạm; có tên “Cồn Lu” vì vùng này có nhiều tôm cua, nhiều trai gái, đàn ông, đàn bà lặn lội bắt cua cáy mà không mặc quần (quần quấn trên đầu để đỡ ướt và chả có ai nhòm ngó). Còn cát tên “Cồn Thủ”, “Cồn Thông” là các đảo hình thành trên địa đầu cửa Ba Lạt của sông Hồng, trước đây có các cây thông và phi lao mọc. Cũng có câu chuyện buồn như là cách đó hơn 50 năm, trong một đêm sóng thần cao hơn 10 mét đã nhấn chìm mấy xã ven biển huyện Thái Thụy, nhà cửa trôi dạt tan nát, nhiều người chết và mất tích, ngày nay cả khu vực này có một ngày để tang chung.

Đợt khảo sát này đã cho đoàn rất nhiều tư liệu quý giá để vạch ra được phương án tiến ra biển, khởi đầu cho việc thăm dò dầu khí ở vùng biển phía Bắc nước ta. Nhìn các tư liệu thu được, ông già thuyền trưởng có câu khen ngợi “các anh trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.

Những chuyến khảo sát tương tự như vậy đã chuẩn bị cho việc triển khai công tác thăm dò dầu khí ra ngoài khơi vịnh Bắc Bộ bằng tàu địa chấn đầu tiên Bình Minh, chuẩn bị các giếng khoan dầu khí sâu đến 5.000 m đầu tiên của nước ta.

TSKH. Trương Minh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam