Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đồng thuận thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1.7.2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Ảnh minh hoạ Hải Nguyễn
Tuy nhiên, mới đây, 8 Hiệp hội Ngành hàng đã có kiến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1.2023 thay vì 1.7.2022 theo phương án đề xuất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhận định, việc 8 hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu là vấn đề không mới. Vì sau nhiều kỳ họp mà hội đồng đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng, các hiệp hội cũng có động thái này.
Tuy nhiên, cũng thấy rằng, nhiều năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đều quyết định tăng lương trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Trước thông tin 8 hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu, ông Hiểu cho biết, nhiều công nhân lao động, cán bộ công đoàn cơ sở đã có những phản ánh, thậm chí có người bức xúc vì những khó khăn họ đang phải đối mặt.
Ngoài tác động của dịch bệnh còn có sự gia tăng chóng mặt của giá cả. Việc có hàng trăm nghìn người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần thời gian qua cũng là minh chứng cụ thể cho sự khó khăn, cần thiết của người lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu bày tỏ: “Tôi tin rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đưa ra quyết định thật sự sáng suốt vì người lao động, vì doanh nghiệp phát triển bền vững. Việc người lao động được tăng lương chính là yếu tố giúp cho doanh nghiệp có thêm động lực để phát triển. Khi đó người lao động sẽ làm việc đạt năng suất cao, chất lượng tốt hơn”.
Theo ông Hiểu, việc tăng lương tối thiểu vào thời điểm này sẽ là động lực tinh thần rất lớn cho người lao động để khẳng định tiến bộ hài hoà, ổn định quan hệ lao động trong giai đoạn hiện nay.
Cũng trao đổi về thời điểm tăng lương tối thiểu vùng, bà Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội cho hay: “Tôi nghĩ thời điểm tăng lương lúc này quá cần thiết. Do giai đoạn vừa qua ảnh hưởng dịch COVID-19 người lao động đã rất khó khăn. Nay họ lại phải quay cuồng trong cơn bão giá, giá cả tăng rất cao. Bối cảnh này, chúng ta phải nghĩ đến người lao động, doanh nghiệp muốn tồn tại phải có người lao động”.
Theo bà An, người lao động phải đảm bảo được mức sống tối thiểu. Như vậy, họ mới có sức để sản xuất, cống hiến cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng hết sức chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, nhưng không thể không chú tâm đến đời sống của người lao động. Tăng lương tối thiểu từ 1.7.2022 là rất cần thiết, không thể lùi được nữa” – bà An nhấn mạnh.
Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, tất cả 17 thành viên của hội đồng đều bỏ phiếu đồng thuận tăng lương tối thiểu vùng 6%. Tuy nhiên, có 15 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu từ ngày 1.7.2022, hai thành viên còn lại đồng ý tăng lương nhưng thời điểm tăng từ ngày 1.1.2023.
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đồng thuận thông qua phương án tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1.7.2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Với đề xuất trên, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng (nếu được thông qua) sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng; vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng; vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng; vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng.
Theo laodong.vn