Ngày 20.12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Toạ đàm lấy ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài hệ thống Công đoàn để đóng góp ý kiến xây dựng Quy chế Giải thưởng dành riêng cho nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương chủ trì.
Toạ đàm diễn ra sáng 20.12. Ảnh: Linh Nguyên
Tham gia có các chuyên gia đến từ Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các ban, đơn vị, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố và công đoàn ngành Trung ương.
Theo Phó Chủ tịch Thái Thu Xương, ngay từ năm 1989, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức lao động, từ năm 1992 đã thành lập Quỹ hỗ trợ Tài năng sáng tạo nữ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Qua rất nhiều lần trao thưởng đã ghi nhận, tôn vinh biểu dương nữ công nhân viên chức lao động tiêu biểu, qua đó đã tạo ra nhiều dấu ấn của hoạt động nữ công công đoàn các cấp và khẳng định công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động Công đoàn.
Tuy nhiên, qua một thời gian dài triển khai, cũng đã bộc lộ những hạn chế, số nội dung trong Quy chế của Quỹ Tài năng sáng tạo nữ không còn phù hợp với văn bản pháp luật hiện hành và phong trào nữ công nhân viên chức lao động.
Từ thực tế cơ sở, các đại biểu tập trung trao đổi về sự cần thiết và mục đích xây dựng giải thưởng dành riêng cho nữ công nhân viên chức lao động; tên gọi của giải thưởng, đối tượng xét trao giải, tiêu chí trao giải thưởng; hội đồng xét chọn giải thưởng, kinh phí khen thưởng, thời gian tổ chức trao thưởng; tính phù hợp của Quy chế so với các quy định chung hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ – Công đoàn Dệt May Việt Nam. Ảnh: Linh Nguyên
Với kinh nghiệm tổ chức Giải thưởng Nguyễn Thị Sen những năm qua, bà Nguyễn Thị Thuỷ, Công đoàn Dệt May Việt Nam chia sẻ do ngành có số lượng lớn lao động trực tiếp nên Giải thưởng có những tiêu chí chung và tiêu chí cụ thể, ví dụ mỗi cá nhân chỉ được duy nhất 1 lần và chỉ xét 10 người/năm.
Góp ý vào Quy chế Giải thưởng, bà Thuỷ đề xuất tên Giải thưởng nên gắn nhân vật cụ thể để dễ nhớ và có tính lan toả; không nên khống chế độ tuổi; không nên giới hạn chức danh tổ trưởng hay quản đốc khi xét Giải thưởng nhưng có trường hợp nữ lao động trực tiếp có nhiều thành tích nhưng chưa có chức danh…
Bà Bùi Thị Thanh Giang, Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội. Ảnh: Linh Nguyên
Cùng quan điểm với bà Thuỷ, bà Bùi Thị Thanh Giang, Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cho rằng tên Giải thưởng cần có sự lan toả. Bà Giang đề nghị nên duy trì 2 năm xét tặng 1 lần vì nếu 5 năm xét 1 lần, với số lượng mỗi lần không quá 20 cá nhân thì chia bình quân các tỉnh, thành phố, ngành Trung ương phải mất 20 năm mới được 1 cá nhân được xét trao Giải thưởng…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải, dù danh hiệu gì thì cũng phải đảm bảo tạo được động lực phấn đấu mới cho nữ công nhân viên chức lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực phân tích sự cống hiến lớn nhất của phụ nữ trong quá khứ, hiện tại và tương lai chính là việc làm. Điều này có nghĩa cũng là nữ công nhân viên chức lao động nhưng người được xét thưởng là người khẳng định được bản thân trong công việc đang làm.
Theo laodong.vn