Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Nam Dương
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Lê Thị Kim Thúy – Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM – cho rằng cần tiếp tục kế thừa các nội dung của Điều lệ vì vẫn đang phù hợp thực tiễn, tuy nhiên cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung.
Cụ thể, cần đổi mới về tổ chức theo hướng CNLĐ ở đâu, CĐ ở đó để thuận lợi trong quản lý, nắm bắt tình hình, kịp thời bảo vệ quyền lợi, chăm lo cho NLĐ gặp khó khăn như trong dịch COVID-19 vừa qua.
Điều lệ cần quy định rõ hơn về quyền lợi của đoàn viên CĐ để thấy sự khác biệt thiết thực, cụ thể giữa người tham gia CĐ và người chưa tham gia, để dễ vận động NLĐ tham gia vào tổ chức CĐ.
Cán bộ Công đoàn tham gia hội nghị đánh giá tình hình thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Ảnh: Nam Dương
Cần nhân rộng hình thức bầu cử trực tiếp đối với chủ tịch CĐCS, tạo điều kiện để đoàn viên thực sự có cơ hội lựa chọn ra thủ lĩnh của mình.
Cần bổ sung cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ CĐCS để họ yên tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ. Hoạt động CĐ cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là đối với cấp cơ sở, cần giảm bớt các quy trình, thủ tục trong việc kết nạp đoàn viên, thành lập CĐCS, tổ chức đại hội, hội nghị…
Bổ sung quy trình, thủ tục khi đoàn viên xin ra khỏi tổ chức CĐ vì hiện nay chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể nên CĐCS còn lúng túng khi gặp trường hợp này.
Bà Trương Thị Minh Dung – Chủ tịch LĐLĐ quận 1 – phát biểu ý kiến. Ảnh: Nam Dương
Có phương án xử lý đối với các CĐCS chuyển đi địa phương khác nhưng không báo cho CĐ cấp trên trực tiếp, các CĐCS ngưng hoạt động do doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc ngưng hoạt động trong thời gian dài, nhiều năm không thực hiện đóng kinh phí, đoàn phí CĐ hoặc CĐCS còn dưới 5 đoàn viên nhưng không kết nạp thêm được đoàn viên, hoặc CĐCS đã hết nhiệm kỳ nhưng không tổ chức đại hội theo quy định dù đã được kéo dài nhiệm kỳ và đã được CĐ cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn…
Ông Nguyễn Văn Chí – Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh – cho rằng cần có quy định miễn nhiệm với cán bộ CĐ khi không còn uy tín với đoàn viên nhưng chưa tới mức độ vi phạm pháp luật thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy trình đột xuất.
Bà Trương Thị Minh Dung – Chủ tịch LĐLĐ quận 1 – cũng đồng tình cần có biện pháp miễn nhiệm khi cán bộ CĐ, nhất là chủ tịch nếu mất tín nhiệm với đoàn viên để bảo đảm uy tín của tổ chức. Đồng thời cho rằng đặc thù TPHCM có nhiều lao động tự do và tổ chức CĐ đang vận động, tập hợp vào tổ chức nên cần xem xét về việc thu đoàn phí của những đối tượng này.
Đại diện CĐCS Công ty Lạc Tỷ đề xuất cần có quy định số lượng cán bộ CĐ tương ứng với số lượng đoàn viên, CNLĐ trong doanh nghiệp. Ảnh: Nam Dương
Một số ý kiến cho rằng cần có quy định để người được kết nạp vào tổ chức CĐ Việt Nam thấy được tự hào hoặc tiếc nuối khi bị khai trừ, chứ không chỉ phải vào CĐ cho có. Cần quy định số lượng cán bộ CĐ phải tương ứng với số lượng đoàn viên tránh dàn đều; thu phí đoàn viên thống nhất căn cứ trên mức lương cơ sở; cần có quy định tổ chức đại hội CĐ các cấp theo hình thức trực tuyến trong tình hình đặc biệt như dịch COVID-19 vừa qua.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả từ thực tiễn hoạt động của tổ chức CĐ TPHCM. Đồng thời, lưu ý tổ chức CĐ thành phố tiếp tục suy nghĩ, kiến nghị, đóng góp có cơ sở khoa học gắn với thực tiễn để xây dựng Điều lệ trong thời gian tới đáp ứng được các yêu cầu trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế.
Theo laodong.vn