22/09/2014 4:17:37

Cán bộ công đoàn phải nhiệt huyết và sáng tạo

Sáng 17/9 tại Hà Nội, Công đoàn Công ty Mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức Khóa học đào tạo Kỹ năng và Nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn lần thứ I. Dự khai giảng khóa học có đồng chí Chu Thành Ngọc – Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Công ty Mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và hơn 30 học viên gồm các cán bộ công đoàn chuyên trách của Công ty Mẹ, tổ trưởng hoặc tổ phó các tổ Công đoàn đang công tác tại Tập đoàn và Báo Năng lượng Mới.

Khóa đào tạo diễn ra trong 3 ngày: 17,18,19/9 và đã triển khai 3 nội dung chính, đó là: Kỹ năng lập và thực hiện kế hoạch hoạt động của tổ Công đoàn; Kỹ năng chuẩn bị và chủ trì cuộc họp/ hội nghị; Kỹ năng Thiết kế, tổ chức hoạt động của tập thể.

Mắt xích của công đoàn cơ sở

Nói đến vai trò vị trí tổ công đoàn, đồng chí Chu Thành Ngọc- Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Công ty Mẹ- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh: “Tổ công đoàn là trung tâm đoàn kết để giải quyết mọi công việc giữa người lao động và người sử dụng lao động, giữa những người lao động với người lao động; là cầu nối giữa cấp ủy với chính quyền, với các bộ phận chuyên môn, cán bộ công nhân viên, đảng viên, đoàn viên; chuyển tải những ý tưởng, chủ trương, chính sách, những vấn đề cần phổ biến. Tổ công đoàn có mạnh thì công đoàn cơ sở mới vững mạnh”.

Tổ công đoàn là mắt xích của Công đoàn cơ sở, nơi trực tiếp tuyên truyền phát triển đoàn viên, nơi tổ chức cho đoàn viên, người lao động hoạt động nhằm thực hiện đường lối chủ trương của Đảng và các nghị quyết của Công đoàn cấp trên, là nơi thực hiện trực tiếp chức năng công đoàn, góp phần xây dựng đội ngũ giai cấp công nhân vững mạnh về mọi mặt.

Toàn cảnh khóa học

Giảng viên Nguyễn Đình Tuấn đã bắt đầu bài giảng bằng việc tổ chức các trò chơi mang tính tập thể, đội nhóm, không khí lớp học vui vẻ với những tiếng cười của các công đoàn viên. Tinh thần học tập trong lớp sôi nổi hào hứng hơn với việc các nhóm tự đặt tên nhóm của mình, những tên nhóm: “Biển đông”; “Kết đoàn”, “Cầu vồng”, “Bắc Đẩu” “4G1T” đều mang ý nghĩa, màu sắc riêng, mỗi nhóm có 6 thành viên. Điều đặc biệt, trong số hơn 30 học viên tham dự, có anh Tạ Đức Công và chị Tạ Thị Thanh Thủy là một cặp vợ chồng, anh chị đều là tổ trưởng tổ công đoàn của ban Khí và ban Chế biến dầu khí của PVN, thế nhưng trong lớp học, anh chị tự tách mình ra trở thành 2 thành viên của 2 đội nhóm khác nhau, cùng tranh tài trong các trò chơi, thi đua trong các hoạt động tập thể.

“Người làm dâu trăm họ”

Cán bộ công đoàn được gắn với các hoạt động “bưng, bê, kê, đặt, dầu, đèn, kèn, trống”. Bởi vậy, bài học đầu tiên đối với các nhóm là mô tả, chia sẻ những những khó khăn của người tổ trưởng tổ công đoàn trong quá trình hoạt động ở đơn vị mình. Họ cùng nhau viết ra những khó khăn trên trang giấy lớn, cùng có những phút giây thảo luận với các thành viên trong nhóm. Đó là những khó khăn về: tư tưởng không thống nhất, nhiều ý kiến đa chiều của các công đoàn viên, khó khăn về thời gian, sự chênh lệch độ tuổi, kinh nghiệm, chưa sáng tạo trong hoạt động… Phần lớn các khó khăn đều dựa trên yếu tố con người. Bởi vậy, làm công tác công đoàn đôi khi khó hơn cả việc làm chuyên môn, nhất là việc thực hiện được tốt 3 chức năng của công đoàn.

Tất cả các công đoàn viên đã nghe Thu Hường- báo Năng lượng Mới chia sẻ câu chuyện có thật: đó là việc một phóng viên nam đi tăng cường trong điều kiện công việc rất gấp gáp, vợ của phóng viên thì đang mang bầu và sắp đến ngày sinh nở. Trước những lo lắng, trăn trở trong suy nghĩ của phóng viên, tổ công đoàn đã động viên phóng viên lên đường hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong quá trình phóng viên đi công tác, tổ công đoàn đã đến gia đình động viên tinh thần, giúp đỡ gia đình để vợ của phóng viên yên tâm sinh nở, không ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe. Ban lãnh đạo cũng đã động viên và biểu dương tinh thần của phóng viên trước tập thể, nhất là đối với các công đoàn viên.

Để tổ công đoàn vững mạnh thì yếu tố quan trọng là tổ trưởng tổ công đoàn-người “đầu tầu” phải thực sự tiên phong, giỏi và gương mẫu trong lao động. Những yếu tố cần thiết để trở thành tổ trưởng tổ công đoàn lý tưởng được các đội “thống kê”, đó là: sự nhiệt tình, am hiểu về chính sách chế độ liên quan đến người lao động, năng động, sáng tạo, chủ động, tự tin, biết cách động viên, chia sẻ tâm tư nguyện vọng với người lao động, có trách nhiệm đặt quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo vệ các công đoàn viên, nắm vững nghiệp vụ công đoàn, là người biết xây dựng kế hoạch chương trình hoạt động.”

Người làm công tác công đoàn được ví giống như “người làm dâu trăm họ”, hội tụ đủ về kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ công đoàn, uy tín trong các phòng ban. Trước một tập thể với mỗi người có chuyên môn nghiệp vụ khác nhau, tính cách khác nhau, việc hoạt động công đoàn là rất khó. Bởi vậy, cán bộ công đoàn phải có sự nhiệt huyết, đam mê, sáng tạo thì công việc mới hoàn thành và hiệu quả.

Hoạt động nhóm

Nói như giảng viên Phan Văn Sơn: tổ trưởng tổ công đoàn không phải là người ngồi “đút chân gầm bàn, người “ôm lý thuyết” “photo và gửi” mà phải là người trực tiếp ”cùng ăn, cùng ở, cùng bàn”. Công đoàn phải tập trung dưới nhà máy, phân xưởng, công trường… nơi có đông đảo người lao động đang hết mình cống hiến. Bởi vậy, tổ trưởng tổ công đoàn phải đến tận nơi, nắm được tâm tư, nguyện vọng, giúp đỡ các đoàn viên, người lao động giải quyết những vướng mắc trong cuộc sống, động viên họ phát triển bản thân để thích ứng với sự thay đổi môi trường làm việc; phản ánh kịp thời những nguyện vọng bức xúc lên công đoàn cấp trên, phải cập nhật liên tục, giữ mối liên hệ mật thiết để các đoàn viên người lao động, coi đó là tổ ấm của mình. Đồng thời, là người phổ biến các chế độ, chính sách, những quyền lợi liên quan như: chế độ tiền lương, định mức lao động, quy chế chia lương, tiền thưởng… cho người lao động nắm rõ. Để từ đó người lao động hiểu và hưởng ứng phong trào thi đua lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, yêu cầu sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Việc nhất thiết phải làm

Việc kết nạp đoàn viên công đoàn được coi là việc vô cùng quan trọng, phải tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động thấy được vai trò, tầm quan trọng, hiểu rõ mục đích của tổ chức, quyền và nghĩa vụ, để họ tự nguyện xin gia nhập tổ chức công đoàn. Mỗi tổ công đoàn phải biết phân công đoàn viên hoạt động phù hợp với khả năng, điều kiện của từng người. Duy trì sinh hoạt tổ công đoàn theo định kỳ, thực hiện chế độ báo cáo, thu tiền đoàn phí theo quy định.

Sự phát triển của đội ngũ người lao động là cơ sở xã hội để xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quan hệ lao động đa dạng và phức tạp. Trào lưu dân chủ hóa xã hội ngày càng phát triển, nhiều tổ chức xã hội ra đời. Vì vậy việc tuyên truyền, thu hút, tập hợp người lao động vào tổ chức công đoàn là cần thiết. Đoàn viên, công đoàn là “gốc” của tổ chức, đoàn viên có mạnh thì tổ chức mới mạnh.

Trong kỹ năng lập kế hoạch hoạt động của tổ công đoàn, tất cả các học viên (chia theo đội) đã chơi trò chơi “xây cầu bằng báo”. Việc xây dựng một chiếc cầu bằng báo dựa trên các vật liệu có sẵn như dây và băng dính, đảm bảo nhanh trong vòng 5 phút, chai nước có thể lăn qua lại, trở thành việc không hề dễ dàng thực hiện đối với mỗi đội. Qua đó, nâng cao ý nghĩa trong việc sáng tạo, lập kế hoạch hoạt động phong trào, phát huy được tinh thần trách nhiệm và khả năng phối hợp của cán bộ công đoàn và đoàn viên khi tổ chức bất kỳ hoạt động nào trong đơn vị. Lời khuyên đưa ra là hãy sử dụng công cụ 6Ws (why, what, who, how, where, when) và phương pháp Smart (Specific, Measurable, Attainable, Result-oriented, Time-bound) để lập một kế hoạch hoạt động cho tổ công đoàn.

Việc cụ thể hóa nội dung xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh đến từng tổ, từng bộ phận, thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm để tổ chức công đoàn ngày càng phát triển bền vững, xứng đáng là chỗ dựa tinh thần tin cậy nhất cho các đoàn viên, người lao động trong các đơn vị.

Những kỹ năng, nghiệp vụ công đoàn được đào tạo trong khóa học giúp cho tổ trưởng, tổ phó công đoàn hoàn thiện hơn trong việc trang bị kiến thức, trong việc quy tụ, tập hợp các đoàn viên, người lao động thành một tổ chức có tinh thần đoàn kết cao, biết yêu thương đùm bọc, bảo vệ nhau, tạo thành một “tổ ấm” trưởng thành vững mạnh.

Phương Hạnh