Trước diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 6, ngày 23/9, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã ban hành Chỉ thị số 3307/CT-BSR nhằm chủ động triển khai phương án ứng phó.
Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi và thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 07 giờ ngày 23/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách bờ biển Phú Yên – Bình Định khoảng 285km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 500km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50 – 60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây-Tây Bắc, tốc độ 15 – 20km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 23/9, vị trí tâm ATNĐ/bão cách bờ biển Bình Định khoảng 130km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định và suy yếu dần thành ATNĐ. Đến 07 giờ ngày 24/9, vị trí ATNĐ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 – 50km/giờ), giật cấp 8.
Lãnh đạo Công ty thường xuyên kiểm tra công tác vận hành NMLD Dung Quất trong mùa mưa bão |
Trước diễn biến của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 6, ngày 23/9, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã ban hành Chỉ thị số 3307/CT-BSR nhằm chủ động triển khai phương án ứng phó.
Tổng Giám đốc BSR yêu cầu các Ban chức năng, toàn bộ CBCNV và các đơn vị thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị dự phòng và lực lượng cần thiết để thực hiện các biện pháp, sẵn sàng đối phó, tham gia ứng cứu sự cố do ATNĐ/bão có thể gây ra. Tổ chức tốt hệ thống theo dõi chặt chẽ thông tin về diễn biến của ATNĐ/bão, thông tin chỉ huy, đảm bảo sự chỉ đạo thường xuyên liên tục, thống nhất, kịp thời và đạt hiệu quả cao.
Giao cho Giám đốc Nhà máy – Phó Ban chỉ đạo thường trực/Trưởng Ban chỉ huy Tình huống khẩn cấp (THKC) BSR tổ chức triển khai công tác phòng chống ATNĐ/bão theo quy định. Yêu cầu Lãnh đạo các Ban chức năng, các thành viên của Ban chỉ đạo/Chỉ huy THKC của Công ty tham dự đầy đủ. Các Trưởng Ban chức năng có kế hoạch sắp xếp, bố trí Lãnh đạo Ban và các CBCNV chủ động các công việc liên quan phòng chống lụt ATNĐ/bão tại Ban/Phòng/Bộ phận mình phụ trách, trực sẵn sàng tham gia ứng phó với ATNĐ/bão.
Ban ATMT duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có yêu cầu; kiểm tra và phối hợp thu gom các vật thể dễ tác động bởi gió lớn bên trong Nhà máy; thu gom rác thải/kiểm tra thông tắc hệ thống mương thoát nước; tổ chức kiểm tra các khu vực và đóng đường các vị trí có nguy cơ sạt lở,… Phối hợp với lực lượng an ninh tăng cường công tác tuần tra kiểm soát các vị trí (nhất là vào ban đêm) nhằm phát hiện những hành vi lợi dụng mưa ATNĐ/bão để trộm cắp, phá hoại tài sản Nhà máy; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ, thiết bị phục vụ cho công tác bảo vệ.
Ban BDSC tổ chức dọn dẹp khu vực tập kết của Nhà thầu tại khu vực lán trại tạm, khắc phục các hạng mục hư hỏng có mối nguy tác động bởi gió ATNĐ/bão, các hạng mục chưa thể khắc phục phải có giải pháp tạm để đảm bảo an toàn.
Ban VHSX kiểm tra, rà soát nhu cầu vật tư, hóa phẩm xúc tác phục vụ cho công tác vận hành trước khi ATNĐ/bão đổ bộ. Chủ động và thường xuyên kiểm tra các thiết bị, máy móc, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cống thoát nước, các hạng mục công trình tại các khu vực Nhà máy để có biện pháp ứng phó, khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra để đảm bảo an toàn cho công tác vận hành Nhà máy. Đối với công trình Cảng xuất sản phẩm, Ban VHSX căn cứ vào tình hình diễn biến thời tiết, phối hợp với Ban QLCB và Ban ATMT chủ động xem xét việc chằng buộc cố định các cần xuất sản phẩm để hạn chế ảnh hưởng do gió, ATNĐ/bão gây ra.
Ban QLCB có phương án neo cột tàu thuyền tại Bến cảng số 1, đưa các ca nô về vị trí an toàn trước khi ATNĐ/bão vào. Thông báo cho các tàu thuyền của các Nhà thầu, đối tác biết về tình hình diễn biến của ATNĐ/bão để có phương án neo đậu, trú ATNĐ/bão an toàn, theo dõi tình hình diễn biến ATNĐ/bão. Xem xét đánh giá có giải pháp để kiểm soát mối nguy vật thể/tàu trôi dạt trong ATNĐ/bão ảnh hưởng đến Cảng xuất/nhập.
Ban CNTT tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc và có kế hoạch bố trí nhân sự trực ATNĐ/bão 24/24 giờ nhằm đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác vận hành/bảo dưỡng của Nhà máy. Ban QLVT kiểm tra các kho chứa, đảm bảo hàng hóa lưu chứa trong kho (đặc biệt các hóa chất kị nước) không bị ảnh hưởng/tác động bởi mưa lớn. Các Ban/Phòng/Bộ phận khác và toàn thể CBCNV triển khai rà soát tình trạng các hạng mục, công trình, tài sản, hồ sơ, tài liệu… do Ban/Phòng/Bộ phận mình quản lý để đảm bảo hạn chế tối thiểu thiệt hại do mưa ATNĐ/bão gây ra.
Văn phòng đã triển khai nạo vét cống rãnh thoát nước trước khi ATNĐ/bão vào |
Văn phòng Công ty tiếp tục kiểm tra cắt tỉa các cây xanh có nguy cơ ngã đổ và các hạng mục tại khu vực hành chính, các hạng mục hư hỏng chưa thể khắc phục kịp thời phải có giải pháp tạm thời để đảm bảo an toàn. Tổ chức kiểm tra các tòa nhà làm việc tại Trụ sở Công ty, Khu nhà hành chính Nhà máy, văn phòng phân xưởng PP, khu nhà ở của CBCNV… đảm bảo các phòng làm việc đóng chặt cửa sổ, che chắn,… đảm bảo không có nước vô trong phòng.
Đối với các đơn vị thành viên BSR-BF và PVBuilding theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn ATNĐ/bão, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Phân công cán bộ trực ATNĐ/bão 24/24 giờ tại công trường Nhà máy, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị phương án đối phó với ATNĐ/bão. Triển khai kiểm tra điều kiện an toàn tại các công trình/Nhà máy/Văn phòng/Khu nhà tập thể CBCNV. Tổ chức che chắn, chằng buộc các thiết bị dễ bay, rơi, ngã đổ….
Trước diễn biến phức tạp của ATNĐ/bão, Tổng Giám đốc BSR yêu cầu các Phó Tổng Giám đốc, Ban Giám đốc Nhà máy, Lãnh đạo các ban chuyên môn và toàn thể CBCNV không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống ATNĐ/bão song hành cùng công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho Nhà máy vận hành.
P.V