11/04/2025 10:53:23

Bố cục, kết cấu của Luật Công đoàn năm 2024 có gì mới?

So với Luật Công đoàn năm 2012, Luật Công đoàn năm 2024 đã tăng thêm 4 điều.

Luật Công đoàn năm 2024 chính thức được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, thay thế Luật Công đoàn năm 2012, với 443/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,48% tổng số đại biểu).

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công đoàn năm 2024. Ảnh minh hoạ

Luật Công đoàn năm 2024 gồm 6 chương, 37 điều với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn năm 2012; thể chế hoá Hiến pháp, các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân, đặc biệt là Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý trực tiếp, quan trọng cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Luật Công đoàn năm 2024 có nhiều điểm mới. Trước hết, trên cơ sở kế thừa những thành tựu và nội dung của Luật Công đoàn năm 2012, Luật Công đoàn năm 2024 được bố cục gồm 6 chương, 37 điều (tăng thêm 4 điều so với Luật Công đoàn năm 2012), với bố cục cụ thể như sau:

Luật Công đoàn năm 2024 phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, bối cảnh hội nhập và tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Ảnh: AI

Chương I (Những quy định chung, từ Điều 1 đến Điều 10). Chương này bao gồm các quy định chung về Công đoàn, xác định vị trí pháp lý của Công đoàn Việt Nam; Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích một số từ ngữ; Việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp; Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam; Hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam; Hợp tác quốc tế về công đoàn; Các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Tại Chương II (Quyền, trách nhiệm của Công đoàn và đoàn viên công đoàn, từ Điều 11 đến Điều 22) tập trung làm rõ các quyền và trách nhiệm theo từng lĩnh vực hoạt động của Công đoàn trên cơ sở chức năng của Công đoàn đã được hiến định và xác định, quy định tại Điều 1 của Luật Công đoàn 2024.

Đây cũng là một trong những chương quan trọng nhất của Luật.

Liên đoàn Lao động huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị tuyên truyền Luật Công đoàn 2024 cho gần 100 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch ở các CĐCS trực thuộc. Ảnh: LĐLĐ.

Cụ thể, Chương này quy định về quyền và trách nhiệm của Công đoàn như sau: đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động; Quyền và trách nhiệm của Công đoàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; Quyền trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và kiến nghị xây dựng pháp luật; Quyền và trách nhiệm của Công đoàn tham dự các kỳ họp, phiên họp, cuộc họp và hội nghị liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động; Quyền tham gia kiểm tra, thanh tra hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; Quyền và trách nhiệm giám sát của Công đoàn; Quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của Công đoàn; Trách nhiệm tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở; Quyền và trách nhiệm của Công đoàn đối với người lao động ở nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Đồng thời, Chương này còn quy định về quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn (gồm 12 quyền và 3 nhóm trách nhiệm).

Tại Chương III (Trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động đối với Công đoàn, từ Điều 23 đến Điều 25), trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn; Mối quan hệ giữa Công đoàn với Nhà nước, với người sử dụng lao động; Trách nhiệm của người sử dụng lao động với Công đoàn đã được quy định cụ thể.

Diễn đàn “Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn” trước thềm chính thức diễn ra Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: PV

Trong Chương IV (Bảo đảm hoạt động Công đoàn, từ Điều 26 đến Điều 34), Luật quy định bảo đảm về tổ chức, cán bộ, điều kiện hoạt động, bảo vệ cán bộ công đoàn; Tài chính công đoàn; Miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn; Kiểm tra, thanh tra, giám sát tài chính công đoàn; Công khai tài chính công đoàn…

Các nội dung quy định về giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn, xử lý vi phạm pháp luật về Công đoàn được quy định tại Chương V (từ Điều 35 đến Điều 36), trong đó quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp về quyền công đoàn, xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.

Chương V (Điều khoản thi hành, Điều 37) quy định về hiệu lực thi hành của Luật, thay thế Luật Công đoàn năm 2012 từ ngày 1/7/2025.

Luật Công đoàn năm 2024 chính thức có hiệu lực, có thể nói đã củng cố hành lang pháp lý cho Công đoàn Việt Nam tổ chức thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ hiến định của mình, từ đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển và tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Hà Vy (Tạp chí Lao động và Công đoàn)

https://laodongcongdoan.vn/bo-cuc-ket-cau-cua-luat-cong-doan-nam-2024-co-gi-moi-110687.html?gidzl=RtiSOYN6VJHlPXLZADn_Dsbd5cKqYteoT3T1DZQDB6KaDn4qOuukDY0m56TaXtLY8sfEP31pZbbWBiHzCm