“Nguy cơ rủi ro của dịch bệnh COVID-19 trong lúc tác nghiệp tại những điểm nóng, nhất là ở các khu công nghiệp cũng không khiến các nhà báo lùi bước. Tổ chức Công đoàn và cá nhân tôi rất trân trọng điều đó” – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang xúc động nói như vậy trong cuộc trao đổi với Báo Lao Động nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6).
“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” (theo Chủ tịch Hồ Chí Minh). Trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19, các nhà báo – những chiến sĩ cầm bút – đã cùng tổ chức Công đoàn “chiến đấu” với dịch bệnh, bảo vệ đoàn viên, người lao động như thế nào, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch Nguyễn Đình Khang: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các cơ quan báo chí đã luôn sát cánh với các lực lượng y tế, quân đội và tổ chức Công đoàn… trên “mặt trận” chống dịch. Tại những điểm nóng ở các địa phương có dịch bùng phát như Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, tại một số bệnh viện lớn của Hà Nội phải phong toả… nơi nào phóng viên báo chí cũng kịp thời có mặt, trực tiếp phản ánh, đưa tin chính xác về tình hình dịch bệnh và động viên các lực lượng tuyến đầu đang căng mình không quản ngày đêm phòng, chống dịch.
Tại các địa phương có ca lây nhiễm trong công nhân, lao động, nhiều anh chị em phóng viên đã cùng cán bộ Công đoàn đến tận những khu cách ly để có những bài viết, hình ảnh ghi nhận, phản ánh chân thực những khó khăn của công nhân lao động và sự vất vả, tận tụy của cán bộ Công đoàn trong hỗ trợ người lao động trong vùng dịch. Dù được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ nhưng chính tinh thần dũng cảm, lòng yêu nghề và sự dấn thân đã giúp các phóng viên không lùi bước, chấp nhận những nguy cơ, rủi ro của dịch bệnh COVID-19 để tác nghiệp. Tổ chức Công đoàn và cá nhân tôi rất trân trọng điều đó.
Không chỉ tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường, phóng viên báo chí còn thường xuyên, kịp thời nắm bắt để phản ánh, đưa tin về các chủ trương chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, về hoạt động của các cấp Công đoàn trong chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động trước đại dịch COVID-19. Có thể kể đến như thông tin kịp thời về việc điều chỉnh quy mô, hình thức tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế diễn biến của dịch COVID-19; đưa tin về nội dung Hội nghị trực tuyến giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Liên đoàn Lao động một số tỉnh, thành phố có công nhân, lao động mắc COVID-19 để bàn các giải pháp chăm lo cho đoàn, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; các thông tin về hoạt động thăm hỏi, động viên, chi hỗ trợ đơn vị tuyến đầu chống dịch và đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hỗ trợ cán bộ Công đoàn tham gia công tác chống dịch…
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp được hạch toán kinh phí mua vaccine ngừa COVID-19 cho công nhân, lao động, hoặc kinh phí tài trợ cho Quỹ vaccine vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp để tính thuế thu nhập doanh nghiệp; cho phép sử dụng số kinh phí còn lại của ngân sách Nhà nước chưa thực hiện của gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bổ sung đối tượng công nhân lao động vào danh sách nhóm đối tượng được ưu tiên sớm tiêm vacccine phòng COVID-19 để bảo vệ sức khỏe người lao động, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch tại doanh nghiệp, khu công nghiệp. Những kiến nghị này đã được các báo truyền thông rất tốt với nhiều ý kiến thực tế từ chính người lao động, từ chính cán bộ Công đoàn trong và ngoài vùng dịch.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đã có Lời kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm dành kinh phí mua vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động. Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp căn cứ nguồn tài chính của mình, tham gia hỗ trợ một phần kinh phí cùng doanh nghiệp mua vaccine để kịp thời tiêm phòng dịch cho người lao động. Lời kêu gọi này được báo chí lan tỏa, đã thôi thúc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng như tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân cả nước.
Với hàng trăm bài viết, phóng sự trên báo chí Trung ương, địa phương, báo chí đã giúp truyền tải thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh, về những chủ trương, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến với các cấp Công đoàn sớm nhất để triển khai vào cuộc sống một cách kịp thời, hiệu quả cũng như lan tỏa trong xã hội tinh thần tương trợ với công nhân lao động khó khăn trong vùng dịch.
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của một cơ quan báo chí thì không ít toà soạn báo và các phóng viên chủ động hỗ trợ cho người lao động đang ở trong vùng dịch. Chủ tịch đánh giá việc này như thế nào?
– Mỗi người Việt Nam đều có tinh thần chia sẻ “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Hơn ai hết, phóng viên báo chí đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng các y bác sĩ, chiến sĩ biên phòng lăn lộn để phòng chống dịch; chứng kiến công nhân, người lao động khu nhà trọ rơi nước mắt khi được nhận những thùng mì, túi gạo hỗ trợ cho những ngày tạm ngừng việc vì dịch. Ở đây, không chỉ là trách nhiệm mà còn có lòng trắc ẩn, có lương tâm của người làm báo. Những hành động giúp đỡ, chia sẻ với cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch của các nhà báo trong lúc này càng trân quý.
Khi dịch diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ, động viên, đồng hành và tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động đã phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam và Ban Công đoàn Quốc phòng mở cuộc vận động hỗ trợ cán bộ y tế và bộ đội biên phòng. Và gần đây, với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, nhất là công nhân lao động được tiêm vaccine phòng COVID-19, Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng Lao Động chính thức phát động Chương trình “Vaccine cho công nhân”. Sự hỗ trợ này chính là để bảo vệ lực lượng lao động, đảm bảo sản xuất và chuỗi cung ứng hàng hoá, thúc đẩy quá trình chiến thắng dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Với Báo Lao Động, tôi rất hoan nghênh việc lãnh đạo báo và Công đoàn Báo Lao Động phát động đợt quyên góp ủng hộ Chương trình “Vaccine cho công nhân”. Mỗi cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao mà đã san sẻ, chung tay với đoàn viên, người lao động gặp khó khăn với một tấm lòng nhân ái.
Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đánh giá cao sự nhanh nhạy, kịp thời, chính xác của Báo Lao Động trong việc phát hiện, điều tra những vụ việc được xã hội quan tâm và phần lớn đều có phản hồi tốt. Nhưng, thực sự ấn tượng chính là đợt phản ánh, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong đợt dịch lần thứ 4. Vấn đề này được các phóng viên nhìn nhận từ nhiều góc độ, khách quan. Các bài viết phong phú, phản ánh đời sống công nhân lao động thời dịch bệnh trong các khu nhà trọ, hoạt động của các Tổ an toàn COVID-19, phát hiện những gương cán bộ Công đoàn ngày đêm sát cánh với người lao động trong vùng dịch. Đặc biệt là tuyến bài tuyên truyền, phản ánh cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Qua đó, các bài viết đã động viên lực lượng công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà trọ đi bỏ phiếu, góp phần không nhỏ vào thành công của sự kiện.
Thưa Chủ tịch, thời gian gần đây, các hoạt động của tổ chức Công đoàn đã thu hút sự chú ý của các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài hệ thống Công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục có những hoạt động gì để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động hiệu quả ở lĩnh vực này?
– Đội ngũ công nhân lao động là lực lượng trực tiếp làm ra của cải trong xã hội. Theo quy định của Hiến pháp, Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, mục tiêu của hoạt động Công đoàn hướng về đoàn viên, người lao động. Các báo chí ngoài hệ thống Công đoàn đã nắm bắt rất tốt vấn đề này để có những bài viết khách quan, sinh động về vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phân công Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn là đơn vị đầu mối phối hợp với các báo. Thực tế cho thấy, với việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động cung cấp thông tin một cách kịp thời cho phóng viên đã tạo điều kiện để các báo tuyên truyền tốt hơn. Ngược lại, với việc có nhiều bài viết về hoạt động Công đoàn, Công đoàn các cấp sẽ có được những kinh nghiệm để hoàn thiện hoạt động. Với ý nghĩa đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các phóng viên trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện tin, bài.
Đánh giá về hoạt động báo chí thì cần cả một quá trình nhưng bối cảnh năm 2021 quá đặc biệt bởi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến mọi lực lượng trong xã hội. Trong những thời khắc khó khăn ấy, các phóng viên, nhà báo đã sát cánh với tổ chức Công đoàn để phòng chống dịch và chăm lo cho đoàn viên, người lao động bằng chính ngòi bút và tấm lòng của mình. Tổ chức Công đoàn trân trọng và cảm ơn các đồng chí vì những điều đó.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6) – ngày truyền thống của những người làm báo, thay mặt tổ chức Công đoàn Việt Nam, tôi xin chúc các đồng chí cán bộ, phóng viên các cơ quan, báo chí trong và ngoài hệ thống Công đoàn luôn dồi dào sức khỏe, rèn luyện đạo đức, phẩm chất của người làm báo chân chính, giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Xin cảm ơn Chủ tịch.
Theo congdoan.vn