Chiều 23.11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) có buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí. Ông Đặng Xuân Phương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Trưởng Đoàn khảo sát và ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – chủ trì buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hà Anh
Đại diện các ban chuyên môn của Tổng LĐLĐVN, lãnh đạo Báo Lao Động, Tạp chí Lao động và Công đoàn tham dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Kiên – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN – cho biết, hiện nay, Tổng LĐLĐVN trực tiếp chỉ đạo, quản lý 2 đơn vị báo chí là Báo Lao Động, Tạp chí Lao động và Công đoàn. Những năm qua, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đảm bảo hoạt động của các cơ quan báo chí trực thuộc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ công tác tư tưởng của Đảng; tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoạt động của tổ chức Công đoàn, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, viên chức, lao động và các tầng lớp nhân dân.
Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí đều được Tổng LĐLĐVN kịp thời quán triệt, cụ thể hoá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phù hợp với hoạt động của các cơ quan báo chí trực thuộc.
“Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN, báo chí Công đoàn luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng thông tin, phản ánh, tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn; phản bác thông tin sai trái, thù địch… được đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao” – ông Nguyễn Mạnh Kiên cho hay.
Ông Nguyễn Mạnh Kiên – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN – báo cáo với Đoàn khảo sát. Ảnh: Hà Anh
Đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và những người làm báo chí, xuất bản Công đoàn đã phát triển về nhiều mặt, hầu hết có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề nghiệp, không ngừng tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhiều năm gần đây, các cơ quan báo chí của Tổng LĐLĐVN không có sai phạm đến mức phải xử lý.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN còn đảm bảo điều kiện cho hoạt động báo chí, thực hiện quy định cơ chế tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, hàng năm, Tổng LĐLĐVN đều phê duyệt nhiệm vụ, phương hướng hoạt động đối với các cơ quan báo chí trực thuộc.
Tại Chỉ thị số 01/CT-TLĐ ngày 6.1.2014 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, xuất bản của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”, Tổng LĐLĐVN giao chỉ tiêu cụ thể về số lượng tin, bài và chỉ tiêu mua, cung cấp báo chí Công đoàn cho từng cấp Công đoàn, đồng thời chi tiết hóa vào quy định chi tiêu tài chính của các cấp công đoàn.
Từ năm 2022, Tổng LĐLĐVN nghiên cứu tổ chức đặt hàng báo chí thực hiện tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn…
Tại buổi làm việc, đại diện Tổng LĐLĐVN cũng nêu một số đề xuất, kiến nghị như, đề xuất với Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016; đề nghị Chính phủ có những chính sách cụ thể và đồng bộ trong việc hỗ trợ hoạt động của các cơ quan báo chí như chính sách hỗ trợ về thuế đối với báo chí; bố trí kinh phí xứng tầm với nhiệm vụ chính trị được giao; cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng cần được xác lập rõ ràng, hướng dẫn cụ thể; cần có cơ chế đặc thù, không nên áp dụng chung cơ chế tài chính của cơ quan báo chí như là đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi báo chí là đơn vị sự nghiệp, nhưng là đơn vị sự nghiệp đặc thù thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản phẩm báo chí là hàng hóa đặc biệt. Đây là những giải pháp quan trọng để không xảy ra tình trạng “thương mại hóa”, “tư nhân hóa” báo chí.
Bước vào giai đoạn 2 của Quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg, Tổng LĐLĐVN đề nghị Bộ Thông tin – Truyền thông chú trọng đến những giải pháp chặt chẽ trong cấp phép hoạt động của các cơ quan báo chí, chuyên trang báo chí song song với hỗ trợ báo chí phát triển đúng hướng; hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; xây dựng đề án phát triển hệ thống các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện quốc gia, có chính sách hỗ trợ và nâng cao thứ hạng, uy tín của các tạp chí khoa học…
Theo laodong.vn