Trước diễn biến đại dịch COVID-19 phức tạp trong nước và các quốc gia láng giềng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng như các đơn vị thành viên đã và đang chủ động thắt chặt, tăng cường các giải pháp ứng phó dịch bệnh, chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công” với mục tiêu cao nhất đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngày 12/5, Petrovietnam phối hợp với Bộ Y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho người lao động. |
Chủ động, quyết liệt với chủ trương “nhiều vòng – nhiều lớp”
Hiện, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, cũng như bùng phát mạnh ở các quốc gia Châu Á, đặc biệt là các nước có đường biên giới chung với nước ta. Trong nước đã bắt đầu xuất hiện những chùm ca bệnh lây nhiễm COVID-19 bùng phát trong cộng đồng; từ cuối tháng 4 đến nay, ghi nhận gần 600 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại các gần 30 tỉnh thành trong cả nước…
Nhận thức tình hình dịch bệnh tác động rất lớn đến mọi hoạt động, với kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19, các đơn vị trong toàn Tập đoàn đang theo dõi rất chặt chẽ, kích hoạt các giải pháp ứng phó theo các kịch bản khác nhau, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Tại cuộc họp giao ban trực tuyến tại 8 điểm cầu trong cả nước với lãnh đạo các đơn vị thành viên, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chỉ đạo rõ: Trước những diễn biến mới tình hình dịch bệnh, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tập trung đánh giá các rủi ro, biến động của tình hình dịch bệnh để cập nhật, triển khai các giải pháp ứng phó, nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì nhịp độ SXKD, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, lãnh đạo Tập đoàn liên tiếp ban hành các chỉ thị yêu cầu các đơn vị, đoàn thể trong toàn Tập đoàn tập trung rà soát cơ sở vật chất, nhân lực, điều kiện, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, đảm bảo phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe CBCNV, người lao động, đặc biệt tại các địa điểm tập trung đông người như giàn khoan, nhà máy, công trường; Yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống dịch, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống; căn cứ vào đặc điểm sản xuất kinh doanh bố trí, sắp xếp, hình thức làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến đảm bảo an toàn, thông suốt mọi hoạt động SXKD; tăng cường các hình thức họp trực tuyến; tập trung tuyên truyền, phổ biến tới CBCNV thực hiện nghiêm yêu cầu 5K theo đúng quy định. Ngoài ra, các ban ứng cứu tình huống khẩn cấp của Tập đoàn và các đơn vị phải tổ chức ứng trực 24/7, chủ động liên lạc, báo cáo khẩn cấp khi có ca nhiễm để Tập đoàn có biện pháp chỉ đạo xử lý.
CBCNV Nhà máy Đạm Phú Mỹ đeo khẩu trang trong suốt quá trình tiến hành bảo dưỡng tổng thể. |
Thực hiện nghiêm túc các chỉ thị từ Tập đoàn, các đơn vị trực thuộc Petrovietnam đã và đang triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái chủ động, kiểm soát tình hình. Tại Vietsovpetro, đơn vị đã siết chặt thực hiện việc khai báo, xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho các đối tượng CBCNV, đối tác, nhân viên nhà thầu… trước khi ra công trình biển trong các trường hợp là người đi đến/trở về từ các tỉnh, thành có ca nhiễm COVID-19 trong vòng 14 ngày tính đến ngày đi biển. Tương tự, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng yêu cầu các đơn vị/dự án chủ động rà soát, kiểm tra, đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tại nơi làm việc và các công trình dầu khí ngoài khơi; chuẩn bị sẵn sàng các phương án huy động nhân sự thích hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động SXKD. PVEP cũng đã triển khai gói dịch vụ tư vấn/hỗ trợ y tế và an ninh an toàn cho cán bộ biệt phái tại dự án Algeria. Bên cạnh đó, trong trường hợp diễn biến xấu, Vietsovpetro và PVEP cũng sẵn sàng triển khai các giải pháp, quy trình ứng phó, thành lập và huấn luyện các đội phản ứng nhanh để thực hiện công tác khử trùng, dịch tễ, thay ca, tiếp tục duy trì sản xuất.
Người lao động trên các công trình khí. |
Đối với các dự án, công trình khí của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), các yêu cầu, chỉ thị phòng chống dịch bệnh được tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo nhịp độ lao động. PV GAS cũng đẩy mạnh tuyên truyền, đề cao cảnh giác, nỗ lực tập trung cho công tác PHÒNG để giảm bớt hậu quả của giai đoạn CHỐNG.
Tại khu vực miền Trung, sau khi Đà Nẵng, Quảng Ngãi có ca nhiễm COVID-19, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nhanh chóng kích hoạt Tình huống khẩn cấp phòng chống dịch cấp 1. BSR chủ động phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ngãi tiến hành lấy mẫu hàu họng và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 138 người lao động trực tiếp sản xuất. Mục đích của đợt xét nghiệm PCR này là sàng lọc nhân sự có thời gian nghỉ lễ hoặc có di chuyển đến các địa điểm mà ca nhiễm COVID-19. Chiều ngày 9/5, 138 nhân sự được xét nghiệm của BSR có kết quả âm tính. Sau khi có kết quả âm tính, các nhân sự này mới được phép đến NMLD Dung Quất làm việc. BSR cũng bố trí phòng ở cho khoảng 200 nhân sự trực tiếp vận hành NMLD Dung Quất để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp; xây dựng kế hoạch nhập/lưu trữ hàng hóa thực phẩm đảm bảo cho ít nhất 30 ngày trong trường hợp Quảng Ngãi có dịch bệnh bùng phát nhanh và hàng hóa không được lưu thông.
BSR tiến hành xét nghiệm PCR cho nhân sự trực tiếp sản xuất. |
Đối với Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – PVFCCo) đang trong quá trình bảo dưỡng tổng thể, có sự tham gia của một số chuyên gia đến từ nước ngoài, các biện pháp phòng chống dịch “nhiều vòng, nhiều lớp” được thực hiện nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Bên cạnh các biện pháp chung vẫn được thực hiện từ khi xuất hiện dịch COVID-19, PVFCCo triển khai các biện pháp phòng chống dịch cho từng chuyên gia. Các chuyên gia được bố trí phòng làm việc riêng, theo dõi y tế hàng ngày, hạn chế tiếp xúc, chủ yếu giao tiếp qua bộ đàm, điện thoại. Khi các chuyên gia ra hiện trường làm việc, bộ phận liên quan sẽ thông báo tới toàn thể CBCNV và nhà thầu làm việc tại khu vực trên, ghi nhật ký lịch trình, bố trí người giám sát và lập danh sách những người tiếp xúc, gửi y tế nhà máy hàng ngày để cùng theo dõi.
Tại PV Power, PVDrilling, PTSC, PVCFC, BIENDONG POC, Sông Hậu 01… cũng đưa ra nguyên tắc “nhiều vòng, nhiều lớp” để có thể kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, hạn chế thấp nhất các nguy cơ. Các công xưởng do hoạt động sản xuất ngày đêm, nhân sự ra vào liên tục nên các biện pháp phòng chống dịch càng được thực hiện nghiêm ngặt…
Đến nay, có thể khẳng định, công tác phòng chống dịch COVID-19 được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong toàn Tập đoàn. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn Tập đoàn không có trường hợp nào nhiễm COVID-19.
Có cả sự hy sinh thầm lặng
Dịch bệnh đã mang đến những thử thách khả năng chống chịu, đem tới muôn vàn khó khăn cho nền kinh tế và đời sống xã hội. Nhưng không vì thế mà người Việt Nam chúng ta nản lòng, ngược lại, chính những khó khăn đó đã tạo động lực to lớn để cả xã hội thích ứng, chuyển động. Những người lao động Dầu khí cũng không ngoại lệ. Người lao động Dầu khí hiện diện trên khắp các lục địa, vùng biển, từ sa mạc Sahara, Qatar đến Nga, Peru, Malaysia, Camphuchia… Việc đổi ca cho người lao động ở các tổ hợp ngoài biển, cũng như ở nước ngoài rất khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người lao động. Do đó, Ban lãnh đạo Petrovietnam đã đặc biệt lưu ý các đơn vị cần động viên, đôn đốc người phụ trách các dự án ở nước ngoài, nhân sự công tác ngoài khơi, không chỉ bảo đảm gìn giữ an toàn trước dịch bệnh mà còn đảm bảo an toàn lao động, tránh để yếu tố tâm lý ảnh hưởng xấu đến người lao động, đến hoạt động SXKD cũng như công tác phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh ứng phó đại dịch, Tập đoàn vẫn tổ chức chương trình Nghĩa tình người Dầu khí, chia sẻ với người nghèo trên khắp cả nước. |
Trong năm 2020, những tháng đầu năm 2021, hàng nghìn người lao động Dầu khí đã và đang bị kẹt lại ở nước ngoài. Điển hình như những cán bộ biệt phái của PVEP, hàng năm trời không đổi ca, làm việc và sinh hoạt tại khu mỏ nằm giữa sa mạc Sahara đầy khắc nghiệt, những thuyền viên trên các con tàu của PVTrans kẹt trên các vùng biển quốc tế, tàu PTSC Hải Phòng bị kẹt lại nhiều tháng trời tại Malaysia khi đất nước này đóng cửa biên giới… Trong đó, không ít hoàn cảnh mang những nỗi niềm không dễ sẻ chia, đó là những người chồng xa vợ, người cha xa gia đình, thậm chí có những người con không kịp về nhìn cha mẹ già lần cuối. Họ đã phải nén đau thương, tự mình vượt qua những ngày tháng khó khăn nơi xứ người xa lạ, tiếp tục công việc và hoàn thành nhiệm vụ được giao!
Những lúc này, sự quan tâm, động viên từ ban lãnh đạo các đơn vị bằng những cuộc trò chuyện qua điện thoại trực tuyến, email thăm hỏi, cổ vũ tinh thần, bằng chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp, bằng những lần thăm hỏi người thân của CBNV, người lao động ở quê nhà, đã không chỉ tiếp thêm nghị lực, tinh thần, còn làm ấm lòng người dầu khí xa quê…
Có thể nói, nếu trong những điều kiện thuận lợi bình thường, người lao động Dầu khí luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thì trong hoàn cảnh bất định, đầy khó khăn như hiện nay, người Dầu khí càng thể hiện bản lĩnh cũng như ý chí, nghị lực của mình. Trong các nhà máy, xí nghiệp, trên các giàn khai thác ngoài khơi hay trong đất liền là sự kiên nhẫn, đoàn kết, hy sinh, sẻ chia, chung lòng cùng vượt khó. Họ nỗ lực ngày đêm để làm việc, bởi nhiều người trong số họ giờ đây phải đảm nhận thêm phần việc của đồng nghiệp do thực hiện biện pháp giãn cách phòng chống dịch! Đó là câu chuyện anh Lê Bá Tuấn, hiện đang làm việc cho dự án khai thác dầu khí của Tập đoàn/PVEP tại Algeria, là một trường hợp điển hình. Anh đã không thể trở về Việt Nam kể từ tháng 2/2020, ngày đi cũng là thời điểm bùng phát dịch COVID đợt 1, anh hy vọng chậm vài ca làm việc rồi sẽ được về thăm nhà. Thế nhưng, diễn biến nghiêm trọng tại châu Âu và một số nước Bắc Phi, trong đó có Algeria, đã khiến tình hình thay đổi, các nước dừng bay quốc tế, một số nước đóng cửa biên giới. Anh Tuấn và tất cả anh em Việt Nam tại dự án đều không về được. Bế tắc kéo dài, may sao, đến tháng 7/2020, Chính phủ bố trí được chuyến bay giải cứu công dân xuất phát từ Pháp, vì vậy anh em dự án mới có cơ hội trở về. Ngặt nỗi, số chỗ ngồi có hạn, là lãnh đạo, lại nhiều tuổi nhất, từng nhiều năm công tác xa nhà, anh Tuấn đã ở lại, nhường cơ hội cho anh em trẻ hơn dù lòng anh đau đáu khi nghĩ đến gia đình vợ ốm, cha già đã gần đất xa trời. Đó cũng là cơ hội duy nhất để đưa người Việt ở Algeria trở về trong cuộc giải cứu công dân của Chính phủ. Đó cũng là sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều người Dầu khí trong đại dịch!
Mặc dù chúng ta hiện “cơ bản kiểm soát được tình hình”, nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, nguy cơ dịch bệnh rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn. Thủ tướng cũng nói rằng Việt Nam cần chuyển trạng thái chống dịch từ “phòng ngự sang chủ động tấn công”. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiêm vắc xin phòng chống COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn, sức khoẻ cho CBCNV trong thời điểm dịch diễn biến khó lường, chủ động chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công”, Petrovietnam đã làm việc với Bộ Y tế tiến hành triển khai tiêm vắc xin cho CBCNV bắt đầu từ Cơ quan Tập đoàn, Petrovietnam cũng là một trong những đơn vị kinh tế đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vắc xin cho CBCNV.
Đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều dự án, công trình, tòa nhà, văn phòng của Petrovietnam và các đơn vị thành viên nằm trên địa bàn có ca mắc COVID-19, nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ các vùng dịch vào Việt Nam để tham gia các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng. Dù vậy, mọi hoạt động SXKD của Petrovietnam luôn được đảm bảo thông suốt, an toàn tuyệt đối. Kết quả đó không chỉ thể hiện sự quyết liệt, chủ động của Ban lãnh đạo Petrovietnam trong công tác chỉ đạo xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó dịch bệnh, mà còn thể hiện tinh thần nghiêm túc, sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, có cả sự hy sinh của toàn thể người lao động Dầu khí, trong mọi hoàn cảnh đều tận tâm, tận lực phấn đấu hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ được giao. Đó chính là bản lĩnh, văn hóa của Petrovietnam./.
Nhóm P.V