Chẳng có con đường nào là bằng phẳng, điều quan trọng là chúng ta có đủ bản lĩnh để bước tới, nỗ lực tiến về phía trước với mục tiêu hướng đích hay không mà thôi. Chuyện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tay ngang đi làm điện, gánh vác thêm phần trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo mục tiêu “điện đi trước một bước” theo “tiếng gọi” của nền kinh tế, trước yêu cầu phát triển của đất nước vì thế là điều rất đáng trân trọng.
Lịch sử ngành Điện Việt Nam chắc chắn sẽ dành nhiều trang viết để nói về sự tham gia của Petrovietnam vào lĩnh vực sản xuất điện cũng như nỗ lực đưa NMNĐ Thái Bình 2. Không nhắc sao được khi mà Petrovietnam đi làm điện vào đúng thời điểm đất nước cam go nhất về việc đảm bảo cung ứng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi đó cũng không đủ “lực” để gồng gánh sứ mệnh này, trong khi các thành phần kinh tế khác thì hoặc không có tiềm lực, hoặc là không đủ bản lĩnh để bước chân vào một lĩnh vực mới, giá điện lại thấp, không đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Còn Dự án NMNĐ Thái Bình 2 là dự án có nhiều biến cố, gian truân, có lúc tưởng chừng phải đắp chiếu, không thể gượng dậy, nhưng nay đã về đích.
NMNĐ Thái Bình 2 trước ngày khánh thành |
Hẳn chúng ta còn nhớ, vào những năm 2000, khi quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng với tốc độ cao, tăng trưởng nhu cầu điện nhiều năm liên tiếp ở mức trên 10%, có thời điểm lên tới gần 20%. Tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra trên diện rộng, không chỉ ở khu vực nông thôn mà cả ở những thành phố lớn. Việc cung cấp điện cho hoạt động sản xuất cũng gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều khu vực không đảm bảo phụ tải, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Áp lực đầu tư, phát triển hệ thống điện, đặc biệt là các nguồn điện mới là rất lớn. Việc Petrovietnam theo “tiếng gọi” của nền kinh tế, với trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước, sẵn sàng san sẻ nguồn lực, cả về tài chính lẫn con người, để đi làm điện vì thế có ý nghĩa thật sự lớn lao. Như một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam từng khẳng định, chính sự vào cuộc, chung tay gánh vác của Petrovietnam trong việc phát triển hệ thống điện đã góp phần quan trọng giúp ngành điện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “đi trước một bước”.
Người Dầu khí đi làm điện vì thế là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ nhu cầu phát triển của đất nước, của nền kinh tế và cũng là nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó. Bởi nếu ví nền kinh tế là một “cơ thể sống” thì điện chính là “máu”, là “nguồn sống” của nền kinh tế. Vậy nên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Đảng, Nhà nước đặt ra đối với ngành điện là “phải đi trước một bước”. Đi trước để tạo nền tảng, tiền đề cho các ngành, lĩnh vực khác hay nói đúng hơn là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cho quá trình tăng trưởng, phát triển của “cơ thể” nền kinh tế. Thiếu điện đồng nghĩa với nguy cơ nền kinh tế bị đình trệ, đất nước chậm phát triển, không thể lớn mạnh được.
Đáp lại niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thực hiện sứ mệnh người Dầu khí đi làm điện, Petrovietnam đã dồn lực triển khai và đưa vào vận hành một loạt các dự án lớn, nằm ở những khu vực “nhạy cảm” nhất về cung ứng điện năng như nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, các nhà máy thủy điện Hủa Na, Đắkđring, nhiệt điện Vũng Áng 1, Sông Hậu 1, và mới nhất là NMNĐ Thái Bình 2, qua đó góp phần giải quyết một cách căn bản bài toán đảm bảo cung ứng điện đủ điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ khánh thành NMNĐ Sông Hậu 1 vào tháng 7/2022 đã khẳng định, Petrovietnam có đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thông qua các dự án nhiệt điện trọng điểm mà Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 là minh chứng mới nhất; bảo đảm một trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành những nước đứng đầu ASEAN trong cung cấp nguồn điện, phục vụ đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng NMNĐ Thái Bình 2. |
Cũng xin nói thêm rằng, trong 3 trụ cột của ngành Năng lượng thì Petrovietnam được xem là “người anh cả”, là nòng cốt, chủ lực, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Không chỉ sản xuất điện, Petrovietnam hiện còn đang cung cấp nhiều mặt hàng chiến lược, là đầu vào cho các ngành, lĩnh vực khác, đáp ứng các nhu cầu phát triển của nền kinh tế, có thể kể đến là các mặt hàng xăng dầu, khí đốt.
Trong số các sản phẩm năng lượng hiện nay, mặt hàng xăng dầu chỉ xếp sau mặt hàng điện về mức độ “nhạy cảm” đối với các hoạt động của nền kinh tế. Nếu ví điện là “máu” nuôi sống “cơ thể” là nền kinh tế, là đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh thì xăng dầu cũng là thứ “thức ăn” không thể thiếu để “cơ thể” đó “sống, vận động được”. Điều này đã được chứng minh trong những năm gần đây khi thị trường xăng dầu biến động mạnh, có thời điểm xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ tạo nên nhiều tác động tiêu cực đối với các hoạt động sản xuất. Xăng dầu vì thế là mặt hàng chiến lược, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các nguồn năng lượng quốc gia, nền tảng phát triển bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hay như mặt hàng khí cũng vậy. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm từ khí để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của nhân dân thì nhiều sản phẩm khí còn là nguyên liệu, nhiên liệu cho các ngành, lĩnh vực sản xuất khác của nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất điện, phân đạm… Bên cạnh việc cung cấp trung bình hàng năm trên 20 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia, những năm qua, Petrovietnam đã đảm cung cấp đủ khí cho sản xuất điện, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng thường xuyên hoạt động ở công suất cao để cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ hạng mục cảng nhận than Dự án NMNĐ Thái Bình 2 |
Thành công không đến một cách dễ dàng, có thử thách, có chông gai mới giúp chúng ta trưởng thành hơn, bản lĩnh, ý chí, khát vọng chinh phục thử thách mới được tôi rèn. Những bỡ ngỡ, những thiếu xót, kể cả vấp ngã là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta sẽ đứng dậy, nỗ lực, quyết tâm bước tiếp trên con đường đó như thế nào mà thôi. Con đường đi làm điện của người Dầu khí cũng vậy, cũng lắm gập ghềnh, chông gai mà Dự án NMNĐ Thái Bình 2 là một ví dụ điển hình. Dự án có tổng công suất 1.200 MW, quy mô công suất lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm nhà máy sẽ cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, những khó khăn, thách thức đến từ vấn đề tài chính, sai lầm của một số cá nhân Tổng thầu dự án, nhiều vấn đề nội bộ và biến động của ngành Dầu khí khiến dự án rơi vào bế tắc, đình trệ trong hơn 10 năm. Nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về khả năng tiếp triển khai, hoàn thành Dự án. Nhiều dấu hỏi về năng lực, trách nhiệm của Petrovietnam cũng được đặt ra. Không ngại khó, với bản lĩnh đã được tôi rèn và ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, trước Nhà nước và trước Nhân dân, người Dầu khí vẫn vững tin tiến về phía trước, khẳng định, cam kết với lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành Dự án trong thời gian sớm nhất.
Trong bối cảnh “virus sợ trách nhiệm” đang lan rộng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, là lực cản cho sự phát triển thì đây thực sự là “làn gió lạ” với nhiều người. Hẳn người Dầu khí, đặc biệt là tập thể lãnh đạo Petrovietnam phải có bản lĩnh phi thường như thế nào thì mới dám khẳng định như vậy. Để bạn đọc hình dung về những khó khăn, thách thức mà Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã phải đối diện, đã phải trải qua, xin được điểm lại một số nét như sau:
Kéo dài từ năm 2012, Dự án gặp nhiều vấn đề về pháp lý, bản thân Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC (nay là PETROCONs) và các nhà thầu gặp nhiều biến cố, dẫn đến thay đổi về nhân sự từ lãnh đạo, cán bộ quản lý và người lao động. Dự đoán tình hình về cuối dự án sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn tài chính và nhân sự từ Tổng thầu, Ban QLDA đã tổ chức hàng trăm cuộc họp, tổng hợp ý kiến, giải trình và kiến nghị tháo gỡ khó khăn lên các cấp nhưng hầu hết đều gặp phải những vướng mắc về cơ chế, pháp luật. Ban đầu, kiến nghị gồm hàng chục vấn đề cần tháo gỡ, sau dần rút lại chỉ còn 1 kiến nghị là xin phép để Petrovietnam sử dụng vốn của mình hoàn thành dự án.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng luôn bám sát, tổ chức giao ban hàng tuần để trực tiếp xem xét, cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của Dự án NMNĐ Thái Bình 2 |
Trong suốt hai năm 2017-2018, hàng chục đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh, kiểm tra dự án, đưa ra nhiều kết luận khác nhau khiến tâm lý cán bộ công nhân viên luôn căng thẳng. Đỉnh điểm, hơn 40 cán bộ dày dạn kinh nghiệm với gần chục năm công tác tại dự án đã đồng loạt xin nghỉ việc.
Khó khăn chồng chất khó khăn. Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến việc huy động chuyên gia nước ngoài của nhà thầu chế tạo thiết bị công nghệ độc quyền, nhà thầu chạy thử cũng như việc cung cấp nhân lực, vật tư… đều bị đình trệ, ách tắc dài ngày. Mặt khác, giá cả vật liệu, vật tư tăng đột biến làm ảnh hưởng tiến độ nhiều hạng mục, gây phát sinh các chi phí.
“Trong khó khăn càng phải vững vàng, trước thử thách càng phải bản lĩnh”. Câu nói này đã khái quát lên tất cả những phẩm chất quý giá nhất của người Dầu khí. Không cam tâm trước biết bao tâm huyết, công sức, thậm chí là cả mồ hôi và máu của anh em “nằm yên” như vậy, Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch, công bố ngay tại dự án với nội dung “Tập thể Thường vụ Đảng ủy, HĐTV và Ban Tổng Giám đốc thống nhất ý chí, huy động cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất các nguồn lực của toàn Tập đoàn, quyết tâm thực hiện hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trong thời gian sớm nhất”. Đây không chỉ là lời hiệu triệu mà thực sự là điểm tựa cho dự án chuyển động trở lại, là cơ sở để lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét giải quyết các vướng mắc về cơ chế. Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ cơ chế, cho phép Petrovietnam được sử dụng nguồn vốn của Chủ đầu tư để sớm hoàn thành dự án, quyết không gây tổn thất cho đất nước. Để có cơ sở khoa học, xây dựng phương án tái khởi động dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi triển khai, Petrovietnam đã tổ chức đánh giá tổng thể thực trạng của dự án bao gồm: Tình trạng kỹ thuật, mô hình tài chính, năng lực nhà thầu cũng như các đơn vị hỗ trợ trong ngành và năng lực pháp lý, quản trị dự án. Từ các phân tích, đánh giá trên, kết hợp tổng kết bài học kinh nghiệm quản lý các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí, Petrovietnam đã cam kết hồi sinh dự án.
Thái Bình 2 như người “em út” trong đại gia đình Petrovietnam mà ở đó bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, ý chí, khát vọng vươn lên của người Dầu khí được phát huy cao độ. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, chung tay tháo gỡ khó khăn cho Thái Bình 2, hàng trăm lượt cán bộ, kỹ sư giàu kinh nghiệm tại các dự án, công trình, nhà máy, xí nghiệp trong toàn Petrovietnam đã được cắt cử, tình nguyện đến công trường. Chấp nhận cuộc sống xa gia đình, tạm rời bỏ những tiện nghi đủ đầy của cuộc sống, vượt qua cả các áp lực về mặt tinh thần, họ đến với nắng, gió và cả những hoài nghi, chỉ trích của dư luận để đến với Thái Bình 2. Phần công việc tại đơn vị của họ cũng được đồng nghiệp chia sẻ gánh vác. Một người làm việc của 2 để Thái Bình 2 có thêm nhân sự duy trì, từ chủ đầu tư, tổng thầu đến các nhà thầu tham gia dự án gom góp từng đồng để làm dự án, những người lao động chân chính nỗ lực bám trụ tự động viên lẫn nhau để hoàn thành từng hạng mục nhỏ nhất với mục đích chung là đưa dự án về đích.
Công đoàn các cấp trong toàn Tập đoàn cũng san sẻ một phần kinh phí, người lao động toàn Tập đoàn cũng gom góp hỗ trợ nhiều ngày lương để có thêm phần chăm lo cho những người lao động dầu khí tại Dự án Thái Bình 2. Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các lãnh đạo cao nhất Tập đoàn thường xuyên xuống công trường đốc thúc tiến độ, tháo gỡ từng khó khăn và đặc biệt là động viên cán bộ, công nhân viên. Tổng Giám đốc Tập đoàn, Ban chỉ đạo dự án tổ chức giao ban hằng tuần trên công trường, đưa ra giải pháp đột phá nhằm hỗ trợ dòng tiền cho Dự án và Tổng thầu…
Tất cả những điều đó người Dầu khí làm chỉ vì một mục tiêu duy nhất là đưa NNMNĐ Thái Bình 2 về đích. Và thành quả hôm nay, ngày 27/4, Petrovietnam đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành NMNĐ Thái Bình 2 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Đây là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa đối với Petrovietnam khi nó không chỉ là sự khẳng định bản lĩnh, khát vọng cống hiến, vượt thử thách của người Dầu khí mà còn là sự khẳng định đầy trách nhiệm trước sứ mệnh đảm bảo an ninh năng lượng, mà cụ thể ở đây là đảm bảo cung ứng điện, mà Đảng, Nhà nước đã tin tưởng giao phó cho người Dầu khí.
Thanh Ngọc