09/04/2021 12:09:47

Bản lĩnh của một thuyền trưởng

Trong bất cứ hoàn cảnh nào người dầu khí luôn sống và lao động với phương châm “Bản lĩnh – Trí tuệ – Sáng tạo”. Với phương châm ấy, thuyền trưởng Bùi Phú Cường đã đưa con tàu PTSC Hải Phòng vượt cơn sóng dữ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thuyền trưởng Bùi Phú Cường

Thuyền trưởng Bùi Phú Cường

Anh Bùi Phú Cường, thuyền trưởng tàu PTSC Hải Phòng, thuộc Công ty Tàu dịch vụ Dầu khí (PTSC Marine), tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải Việt Nam với tấm bằng kỹ sư điều khiển tàu biển, trải qua nhiều vị trí ở nhiều hãng tàu. Năm 2009, anh chính thức trở thành thuyền trưởng điều hành tàu dịch vụ cho những đối tác nước ngoài ở tuổi 36.

Trên tàu PTSC Hải Phòng có 14 người Việt và 4 người Malaysia. Hiện tại, tàu làm việc dài hạn tại Malaysia theo hợp đồng giữa PTSC Marine và nhà thầu Repsol. Theo chính sách của nhà thầu Repsol, thuyền viên làm việc trên tàu tối đa không quá 90 ngày. Đầu tháng 3-2020, có hai nhóm sang Malaysia bằng máy bay để tàu đổi ca. Anh Cường cho biết “Cuối năm 2019, dịch Covid-19 đã xuất hiện nhưng không ai nghĩ dịch sẽ bùng phát trên toàn thế giới. Chúng tôi sang Malaysia chưa được bao lâu thì đến ngày 18-3-2020, Chính phủ Malaysia đóng cửa biên giới”.

Trước tình hình dịch diễn biến ngày càng phức tạp, Malaysia trở thành quốc gia Đông Nam Á có nhiều ca nhiễm nhất vào thời điểm đó. PTSC Marine đã thực sự phải đối mặt với thách thức lớn: một mặt phải duy trì hoạt động thường xuyên phục vụ khách hàng, một mặt phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho toàn bộ thuyền viên trên tàu trong bối cảnh tàu vẫn phải tiến hành các công việc cần thiết như tiếp nhận vật tư, trang thiết bị, hàng hóa, lương thực thực phẩm… cũng như đón tiếp đại diện khách hàng, các đoàn đánh giá, đơn vị cung cấp dịch vụ của Malaysia… mỗi khi tàu về bờ. Điều này dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất cao khi phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc với người bản địa. Tất cả thuyền viên trên tàu đều quá ca làm việc không phải là vài tuần mà đã kéo dài hàng tháng trời…

Sau khi Malaysia đóng cửa biên giới, muốn về Việt Nam thì mỗi tháng có duy nhất 1 chuyến bay nhân đạo chở trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, du học sinh không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, khách du lịch bị kẹt lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tâm lý các thuyền viên khá nặng nề và căng thẳng, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc. “Đường về nhà mịt mù, chúng tôi bị kẹt lại trên tàu, kẹt lại ở nước bạn, xa quê hương diệu vợi”, anh Cường kể lại.

Tàu PTSC Hải Phòng

Tàu PTSC Hải Phòng

Tất cả những yếu tố đó khiến việc quản lý, vận hành tàu trở nên rất khó khăn. Là một thuyền trưởng, anh Cường hiểu rõ tàu ở nước ngoài khai thác, vướng mắc nhất là phải đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan chứ không được tự ý ngừng hoạt động khi chưa có quyết định của nhà thầu. Với kinh nghiệm của người đã từng trải qua dịch bệnh SARS năm 2003, khi tàu cập cảng Hongkong (tâm dịch lúc bây giờ), thuyền trưởng Bùi Phú Cường đã áp dụng một số giải pháp để tăng cường phòng chống dịch cho tàu PTSC Hải Phòng tại Malaysia.

Các thuyền viên được yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định kiểm soát di chuyển (MCO) của Malaysia, tuyệt đối không đi vào bờ, bao gồm cả thuyền viên quốc tịch Malaysia; triển khai công tác kiểm tra y tế và bố trí lệch ca ăn uống trên tàu; công tác bảo dưỡng được tăng cường giám sát gắt gao nhằm kịp thời phát hiện những sự cố để khắc phục ngay; động viên tinh thần thuyền viên; vận động, khuyến khích mọi người tích cực tập luyện thể thao, vừa nâng cao sức đề kháng, vừa giúp ổn định tâm lý bởi mọi người đều đã quá ca làm việc 6-9 tháng trong điều kiện lockdown của Malaysia.

Anh Cường tâm sự: “Tập thể thuyền viên tàu PTSC Hải Phòng cũng rất thấu hiểu và thông cảm với những khó khăn mà công ty đang phải đối mặt. Chúng tôi nỗ lực tối đa trong các hoạt động, duy trì tốt tình trạng kỹ thuật tàu. Hơn hết, chúng tôi hạnh phúc, tự hào vì được đứng trong đội ngũ của người lao động dầu khí. Anh em thuyền viên trên tàu đã nhận được sự quan tâm, động viên lớn lao từ ban lãnh đạo công ty với những email thăm hỏi, cổ vũ tinh thần cũng như có chính sách ưu tiên về chế độ tiền lương và phụ cấp biển, cử đại diện đến thăm hỏi người thân của thuyền viên đang ốm đau ở quê nhà… Những điều đó không những tiếp thêm nghị lực và tinh thần mà còn làm ấm lòng người dầu khí xa quê… Khi có lệnh được trở về nhà, 14 người Việt trên tàu PTSC Hải Phòng chia thành 2 nhóm và lần lượt về vào tháng 9 và tháng 11-2020. Tất cả đều áp dụng cách ly ở cả hai nước (Việt Nam, Malaysia). Đến tháng 1-2021 vẫn có trường hợp như thủy thủ trưởng có bố mất gần 2 tháng, bây giờ vẫn đang cách ly ở Bạc Liêu chưa thể về nhà chịu tang”.

Nghề thủy thủ là thế, quanh năm suốt tháng xa nhà, với họ, càng qua nhiều hoàn cảnh khắc nghiệt càng khiến họ trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, để rồi hình thành nên cách ứng xử trong thử thách của người dầu khí, tạo nên nét đẹp trong văn hóa PTSC.

Với vai trò là thuyền trưởng, người đứng đầu một con tàu, anh Bùi Phú Cường luôn tâm niệm cứ làm việc hết mình, nâng cao hiệu quả trong khai thác, vận hành đội tàu PTSC, còn những việc khác – cái gì đến sẽ đến, chỉ cần chủ động trong các giải pháp và bình tĩnh đối mặt. Chính bản lĩnh, sự nhiệt huyết của thuyền trưởng Bùi Phú Cường là nguồn cảm hứng để tập thể thuyền viên, người lao động nâng cao trách nhiệm, hăng say làm việc, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Quanh năm suốt tháng xa nhà, với các thủy thủ, càng trải qua nhiều hoàn cảnh khắc nghiệt càng khiến họ trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, để rồi hình thành nên cách ứng xử trong thử thách của người dầu khí, tạo nên nét đẹp trong văn hóa PTSC.

Thu Phượng