03/03/2022 9:26:08

Ăn ngủ cùng F0, vì sao có người không bị lây nhiễm?

Một trong những nguyên nhân khiến một số người không mắc Covid-19 dù tiếp xúc với F0, được chỉ ra là do họ đã có sẵn “đội quân bảo vệ” từ những lần bị cảm lạnh trước đó.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Đại học Hoàng gia London (Anh) đã cung cấp những bằng chứng đầu tiên về vai trò bảo vệ của các tế bào T (tế bào miễn dịch) chống lại các loại virus corona gây bệnh cảm cúm thông thường, trong việc giúp chúng ta giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, các tế bào T chống lại các loại virus corona khác có thể nhận ra SARS-CoV-2. Tuy nhiên, phải đến công trình khoa học này, chúng ta mới có hiểu được cách các tế bào T này ảnh hưởng đến khả năng bị lây nhiễm khi một người tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

Ăn ngủ cùng F0, vì sao có người không bị lây nhiễm? - 1

Một trong những nguyên nhân khiến một số người không mắc Covid-19 dù tiếp xúc với F0 được chỉ ra là do họ đã có sẵn “đội quân bảo vệ” từ những lần bị cảm lạnh trước đó (Ảnh minh họa).

Tiến sĩ Rhia Kundu, Viện Tim & Phổi Quốc gia của Hoàng gia Anh cũng là tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ: “Tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 không phải lúc nào cũng dẫn đến việc bị lây nhiễm và chúng tôi rất muốn hiểu tại sao. Chúng tôi phát hiện ra rằng, nồng độ cao của các tế bào T tồn tại từ trước, được tạo ra bởi cơ thể khi bị nhiễm các loại virus corona khác ở người, có thể bảo vệ cơ thể chống lại sự lây nhiễm Covid-19”.

Nghiên cứu được bắt đầu từ tháng 9 năm 2020 khi hầu hết người dân ở Anh chưa bị nhiễm bệnh, cũng như chưa được tiêm vaccine Covid-19.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên 52 người bị phơi nhiễm SARS-CoV-2, do họ sống với bệnh nhân Covid-19 (đã được khẳng định bằng xét nghiệm PCR).

Những người tham gia nghiên cứu đã được làm xét nghiệm PCR ngay từ đầu và xét nghiệm lại vào thời điểm 4 và 7 ngày sau, để xác định xem họ có bị lây nhiễm hay không.

Mẫu máu của 52 người tham gia được lấy trong vòng 1-6 ngày kể từ khi họ phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu phân tích mức độ tế bào T tồn tại từ trước do nhiễm các loại virus corona gây cảm lạnh thông thường. Những tế bào T này vốn cũng có khả năng nhận dạng chéo các protein của virus SARS-CoV-2.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ở 26 người không bị lây nhiễm có nồng độ các tế bào T này cao hơn đáng kể so với 26 người bị lây nhiễm.

Nghiên cứu chỉ ra, các tế bào T này nhắm mục tiêu vào các protein bên trong của virus SARS-CoV-2, thay vì protein gai trên bề mặt của virus, để bảo vệ chống lại sự lây nhiễm.

“Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng rõ ràng nhất cho đến nay rằng, các tế bào T chống lại virus corona gây bệnh cảm lạnh thông thường đóng vai trò bảo vệ chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2”, Giáo sư Ajit Lalvani, một thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Các vaccine hiện tại không tạo ra đáp ứng miễn dịch đối với các protein bên trong này. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cùng với các loại vaccine Covid-19 nhắm vào protein gai hiện có, các protein bên trong virus có thể là mục tiêu cho các thế hệ vaccine mới. Các loại vaccine này được kỳ vọng đem lại hiệu quả miễn dịch trong thời gian dài. Lý do là bởi các đáp ứng của tế bào T sẽ tồn tại lâu hơn các đáp ứng kháng thể (vốn chỉ tồn tại vài tháng sau khi tiêm vaccine).

“Các protein gai dưới áp lực đáp ứng miễn dịch từ các kháng thể được sinh ra sau khi tiêm vaccine sẽ thúc đẩy sự tiến hóa của các đột biến né vaccine. Ngược lại, các protein bên trong virus được nhắm bởi các tế bào T mà chúng tôi đang nghiên cứu ít có khả năng đột biến hơn nhiều”, GS Ajit Lalvani nói.

Theo Dân trí