TS Văn Đức Tờng (bìa trái) đứng trước giàn PV DRILLING-11 trên sa mạc Sahara (Algeria)
Về Vietsovpetro, làm trưởng phòng cơ khí và cai quản 10 giàn khoan của Nga nhưng các giàn này hư liên tục, nhờ hư nhiều, suốt ngày tháo lắp nên ông thuộc bài hết. TS Tờng cho rằng, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, các giàn khoan của Mỹ vẫn ưu việt hơn các giàn khoan của Nga. Tuy nhiên, nhiều người Nga khá bảo thủ, luôn cho rằng giàn khoan của họ tốt để dễ bán thiết bị. Sau chuyến đi Mỹ năm 1994, ông quyết định mua thiết bị của Mỹ, Pháp thay cho toàn bộ thiết bị của Nga, những việc làm đó của ông cũng gây nên không ít sự mích lòng.
Ngồi nhẩm tính, tất cả những giàn khoan cố định ở Vietsovpetro khoan ở mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng mà ông từng tham gia lắp ráp từ khâu đầu đến khâu cuối, đến nay, Vietsovpetro khai thác hơn 210 triệu tấn dầu và khoan gần 400 giếng. Quả là kỳ tích của Liên doanh Việt – Nga và cũng là kỳ tích của ngành Dầu khí Việt Nam khi mà chỉ cách đây 30 năm, đất nước thiếu dầu khí một cách trầm trọng.
Ông có những kỷ niệm trong nghề không bao giờ quên, mà là nhiều kỷ niệm rất cay đắng. Khi tham gia đi mua giàn Cửu Long cho Vietsovpetro vào năm 1993, chỉ vì chờ cơ chế quyết định tập thể, họp hành của Liên doanh mà trong thời gian từ chiều hôm nay đến trưa hôm sau chúng ta bị đắt mất 5 triệu USD. Đó là bài học rất đắng trong quá trình làm việc với các nước tư bản.
Vào năm 1994, sau khi Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam, lần đầu tiên trong ngành Dầu khí có người đi Mỹ là TS Tờng. Trong đoàn có 5 người, 2 người trong Tập đoàn, 2 chuyên gia Việt – Xô và TS Văn Đức Tờng. Mục đích chính của chuyến đi là kiểm tra thiết bị để đem về lắp vào giàn khoan Tam Đảo-01, có giá trị 1,5 triệu USD/thiết bị. Có rất nhiều chuyện vui, hài hước trong chuyến đi mà không thể kể hết. Các kỹ sư Việt Nam quá choáng ngợp trước sự phát triển và hiện đại của Mỹ, ngay cái khóa thẻ từ ở khách sạn cũng chưa một lần sử dụng. Lúc gặp nhau trao đổi công việc, TS Tờng còn dí dỏm pha trò: “Hôm nay, các ông đại tư bản đón các ông đại cộng sản”.
Năm 2002, khi thành lập Tổng Công ty Khoan (sau này là Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí – PV Drilling), cần đóng giàn khoan tự nâng mới. Lúc đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Nhậm gọi điện cho Giám đốc Đỗ Văn Khạnh và bảo: “Đồng chí Tờng là người có chuyên môn hàng đầu về lĩnh vực giàn khoan. Nhờ Khạnh nói Tờng có thể rời Vietsovpetro để về PV Drilling làm giàn khoan được không”. Thời điểm này, TS Tờng đang là Trưởng phòng Cơ khí – Năng lượng – Tự động hóa phụ trách 12 giàn khoan cùng với hệ thống máy móc khổng lồ của Vietsovpetro.
Sau đó, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Nhậm gọi cho đồng chí Nguyễn Văn Tuyến – Bí thư Đảng ủy và đồng chí Trần Lê Đông – Tổng giám đốc Vietsovpetro thuyết phục để cho đồng chí Tờng đi đóng giàn khoan với PVD. “Anh Tuyến và anh Đông hỏi: Tổng giám đốc Nhậm nói vậy thì ý anh Tờng sao. Lúc này, PVD đang rất cần người và tôi là người nắm chắc việc đóng các giàn khoan, cũng như hiểu rất cặn kẽ về nó”. TS Tờng đồng ý rời Vietsovpetro trong khi 99% bạn bè và đồng nghiệp can ngăn, chỉ có vợ ông là không phản đối. Mọi người căn ngan vì có lý do của nó, lương của ông ở Vietsovpetro lúc đó là 1.300USD/tháng, còn về PV Drilling chỉ còn 5 triệu đồng/tháng (khoảng 300USD/tháng). Thu nhập bị giảm đi rất nhiều, chưa kể Vietsovpetro đang là nơi rất ổn định.
Lãnh đạo Petrovietnam và PV Drilling đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm giàn khoan nước sâu PV DRILLING V tại nhà máy Keppel Fels, Singapore (tháng 10/2011).
Hiện giàn PV DRILLING V đang khoan cho Biển Đông có hiệu suất cao nhất trong các giàn của PVD đang hoạt động. TS Tờng chia sẻ, giàn PV DRILLING I đóng với giá rẻ và cho thuê đến 230.000USD/ngày (năm 2007-2008), đến thời điểm này, giàn PV DRILLING I đã khấu hao hết rồi. Còn giàn PV DRILLING V, khoan có giá 235.000USD/ngày cho Biển Đông. Còn giàn PV DRILLING II và PV DRILLING III (tháng 9-2009) khi mua giá đã cao, đến 210 triệu USD/giàn, trong khi giá cho thuê lại rẻ, giá trị cho thuê chỉ bằng 60% giàn PV DRILLING I. Còn hành trình làm giàn PV DRILLING-11 cũng rất gian nan sau 6 tháng ở Trung Quốc, khi đóng xong tại Công ty HONGHUA Ltd, trọng lượng nặng hơn 2.000 tấn, rồi từ vùng Thành Đô (Tứ Xuyên) giàn được tháo rời, đóng vào hơn 300 mã hàng, chuyên chở bằng xe lửa đến cảng Thượng Hải mất 10 ngày. Từ Thượng Hải lai dắt qua Đại Tây Dương đến Tây Bắc Phi mất đến 1 tháng. Từ cảng chở giàn khoan về sa mạc Sahara mất 1 tháng nữa. Thật là vô cùng vất vả. TS Tờng bảo: “Mình mua giàn PV DRILLING-11 này rẻ, tổng cộng thiết bị khoan và cần khoan chỉ trên 25 triệu USD”. Hiện tại giàn PV DRILLING-11 đang mang chuông đi đánh xứ người, khoan lấy thương hiệu PV Drilling ở Algeria.
Hồi tưởng quãng thời gian đã qua, TS Tờng vẫn nhớ những ngày đầu về PV Drilling, tất cả đội ngũ chỉ có 180 người, còn giờ đây chỉ riêng PVD Offshore đã 1.000 người. “Trong sự nghiệp dầu khí, làm việc với nhiều lãnh đạo thì anh Khạnh là người mà tôi nể nhất. Anh ấy rất biết dùng người. Có thể nói, anh Khạnh có tính quyết đoán cao, không sợ mích lòng ai nhưng những người có tính cách như vậy rất dễ bị vùi dập”. Trong sự nghiệp dầu khí của mình, ông đã ba lần được cấp trên đề nghị làm Tổng giám đốc nhưng đều từ chối. Tôi thắc mắc vì sao lại từ chối. Với giọng nói chân thành ông chia sẻ: “Tôi chỉ giỏi về kỹ thuật, tính lại rất thẳng, trong khi làm tổng giám đốc thì phải giỏi ngoại giao, giỏi quản lý tài chính, nhân sự và các mối quan hệ xã hội khá phức tạp khác, mà tôi không giỏi các món này nên tôi chỉ làm chuyên môn thôi”.
Hỏi về sự khác nhau giữa giàn khoan trên biển và giàn khoan trên đất liền thì TS Tờng phân tích rất tỉ mỉ. Giàn khoan ngoài biển là tổ hợp của nhiều công trình, có sân bay nối với đất liền, có khách sạn, có hệ thống hàng hải, hệ thống bảo vệ giàn, hệ thống định vị hàng hải qua hệ thống vệ tinh. Chưa kể, điều kiện làm việc của giàn khoan trên biển phức tạp hơn nhiều lần so với giàn trên đất liền; sóng, gió, quá trình ăn mòn cũng nhanh hơn và số người làm việc giàn khoan nhiều hàng chục lần. Bên cạnh đó, công suất máy phát điện, khối lượng sắt thép, giá cả đóng giàn cao gấp 10 lần giàn trên bờ. Nếu giàn khoan trên đất liền tốn khoảng 20 triệu USD thì giàn khoan trên biển phải trên 200 triệu USD; vì thế tiền thuê giàn khoan trên biển cũng cao gấp 10 lần. Thời gian đóng giàn khoan trên biển mất ít nhất 24 tháng, trong khi giàn khoan trên đất liền chỉ mất 4-6 tháng. Ví như giàn khoan tự nâng PV DRILLING I, riêng phần dây điện tổng chiều dài hơn 298km, bằng chiều dài từ Hà Nội vào TP Vinh (Nghệ An); khối lượng sắt thép 13 nghìn tấn; diện tích bề mặt thép để sơn cũng gấp 10 lần giàn khoan trên đất liền.
TS Văn Đức Tờng (thứ 5, hàng đứng, bìa phải) cùng ban lãnh đạo PV Drilling và người lao động trên giàn PV DRILLING V tại Singapore
Hiện nay, nhân lực khoan PV Drilling, đặc biệt là tại PVD Offshore đang dần thay thế nhiều chuyên gia nước ngoài. TS Tờng cho rằng, nếu khi mới thành lập, trong những năm đầu, các chức danh chủ yếu quan trọng ta phải thuê chuyên gia nước ngoài, thì nay các kỹ sư, công nhân người Việt Nam theo học việc, thạo việc đang thay thế dần những vị trí quan trọng. Cũng giống như Vietsovpetro trước đây, từ đầu chủ yếu là chuyên gia, kỹ sư, công nhân người Nga, sau đó tỷ lệ người Nga – người Việt là 50/50, đến giờ thì người Việt chiếm đến 90% trong Liên doanh, còn người Nga chỉ chiếm 10%. Khi tôi thắc mắc về việc vẫn còn nhiều chức danh mà người Việt vẫn chưa thể thay thế trên các giàn khoan, thì được TS Tờng phân tích, đúng là trên thực tế vẫn còn các chuyên gia nước ngoài phụ trách các chức danh giàn trưởng, giàn phó, đốc công, trưởng điện, trưởng cơ khí và lương rất cao, 25.000-40.000USD/tháng chưa kể thuế, bảo hiểm… trong khi lương kỹ sư của ta chỉ bằng 1/10 con số đó.
Kỹ sư người Việt chưa thể thay thế các chức danh đó trên giàn khoan, theo ông vì nhiều lẽ, thứ nhất, kỹ sư Việt còn rất trẻ, chưa đủ kinh nghiệm và năng lực quản lý giàn, chưa đủ trình độ tiếng Anh đàm thoại để sửa chữa giàn khoan khi có sự cố qua hệ thống định vị vệ tinh E-HAW với nhà cung cấp thiết bị. Công việc này, đòi hỏi phải cực kỳ giỏi tiếng Anh. Bên cạnh đó, máy móc, công nghệ khoan thay đổi liên tục nên chúng ta không cập nhật nhanh bằng các chuyên gia phương Tây. Do đó, để thay thế 100% các chức danh trên giàn khoan là người Việt thì không hề đơn giản. Ngay Vietsovpetro, có nhiều vị trí sau 30 năm vẫn là các chuyên gia, kỹ sư người Nga đảm nhiệm. Nhưng trong hơn 10 năm phát triển, PV Drilling đã dần thay thế khá nhiều, riêng giàn PV DRILLING I, sau 7 năm hoạt động, từ việc thuê 25 người thì đến thời điểm này chỉ còn 7 chuyên gia nước ngoài; riêng giàn khoan PVD 11 ở châu Phi thì người Việt mình đảm nhận hầu hết các chức danh quan trọng trên giàn khoan sau 7 năm vận hành. Trong quá trình làm việc, ông nhận thấy rằng, các kỹ sư, công nhân Việt Nam tiếp thu nhanh, tuy nhiên mức độ chênh lệch lương bổng quá cao giữa một kỹ sư Việt Nam và một kỹ sư người nước ngoài cũng là vấn đề không chỉ ở PV Drilling mà Tập đoàn cần xem xét để điều chỉnh cho hợp lý.
Để thành công trong nghề khoan, theo ông việc đầu tiên phải siêng năng, chịu khó lăn lộn để biết việc, phải đi thực tế thường xuyên, khi thiết bị hư hỏng thì phải tháo lắp, sửa chữa, phải làm nhiều thì mới nâng tay nghề lên; đi làm thực tế trên giàn khoan là điều kiện rất quan trọng để nâng cao tay nghề chứ nếu đọc bản vẽ thì như cưỡi ngựa xem hoa. Và đó cũng là kinh nghiệm ông truyền lại thế hệ trẻ ở PV Drilling. Thứ nữa, nên bỏ qua tư tưởng cần nhiều tiền lương, nếu chỉ chạy theo tiền lương thì khó giữ được chuyên môn lâu được, dễ bỏ nghề khoan mà theo nghề khác.
Học 9 năm về nghề khoan và kết cấu giàn khoan với 34 năm lăn lộn trong nghề nên ông hiểu mỗi loại giàn khó chỗ nào và dễ chỗ nào. Trong bao nhiêu năm qua, ông vẫn liên tục vừa học vừa làm nghề nên ông nắm rất chi tiết mỗi giàn tại sao? từ đâu? và như thế nào? Ông bảo: “Nếu người bán giàn khoan chỉ cần có mẹo nhỏ nói khoảng hở tối đa khi vận hành giàn cách mặt biển 50 feet khoan thăm dò mà người đi mua giàn không nắm chi tiết này là sẽ chịu thiệt. Vì trên thực tế, khoảng cách thực tế tối thiểu là 75 feet. Nếu ngắn quá thì khi giàn tiếp cận với các chân đế công nghệ, cần cẩu không với tới tàu, các xuồng cứu sinh không hạ xuống biển được, các vòi tiếp nước, nguyên nhiên liệu hóa chất không làm việc được. Nên mình không rành là vừa mất tiền vừa mất thời gian…”. Còn hàng trăm chi tiết, hàng trăm bài học mà ông chiêm nghiệm, đúc kết được trong quá trình hành nghề sẽ là kho tư liệu quý cho các bạn trẻ học hỏi.
Gặp ông vào một ngày giữa tháng 5 tại TP biển Vũng Tàu nắng đẹp thì ông bảo: “Tuần sau tôi lại đi Singapore đóng giàn mới PV DRILLING VI”. Đã đến tuổi lục tuần nhưng xem ra tình yêu của ông với những giàn khoan chưa hề giảm. Đúng là ông đã yêu các giàn khoan bằng tất cả tấm lòng, trách nhiệm của mình. Và tình yêu đó giờ càng sâu đậm hơn.