20/07/2017 3:25:09

Kỹ sư Nguyễn Văn Sơn: Sáng tạo từ niềm đam mê nghề nghiệp

Không ngại dấn thân, đam mê công việc, ham học hỏi, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn… là những phẩm chất dễ thấy ở anh Nguyễn Văn Sơn – Quản đốc Xưởng Phụ trợ, Ban Quản lý vận hành sản xuất Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), một cây sáng kiến ở Nhà máy Đạm Cà Mau.

Là con cả trong một gia đình nghèo, đông anh em, từ nhỏ Nguyễn Văn Sơn đã phải luôn nỗ lực không ngừng vượt qua hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư. Nhưng cũng chính từ trong gian khó của cuộc sống, anh đã rèn luyện cho mình một nghị lực, ý chí vươn lên mạnh mẽ và đó trở thành một nhân tố quan trọng giúp anh gặt hái được những thành công trong công việc sau này.

Anh Nguyễn Văn Sơn với hoạt động teamwork và trình bày ý tưởng của mình

Được đào tạo chuyên ngành Công nghệ Hữu cơ – Hoá dầu, năm 2002 bước chân vào ngành Dầu khí anh Sơn tham gia vào công tác triển khai Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Với năng lực và kinh nghiệm được tích lũy từ đây, năm 2011, anh tiếp tục tham gia làm Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, cùng các anh em trong Ban Quản lý Dự án và các nhà thầu tham gia thiết kế, thi công, lắp đặt và chạy thử thành công nhà máy.

Hiện nay, với vai trò là Quản đốc Xưởng Phụ trợ, một trong ba phân xưởng công nghệ chính của Nhà máy Đạm Cà Mau, anh Sơn phụ trách công tác điều hành 70 CBCNV trong phân xưởng để duy trì xưởng hoạt động ổn định, đảm bảo cung cấp sẵn sàng các nguồn phụ trợ phục vụ cho hoạt động sản xuất chung của toàn nhà máy. Bằng ý thức trách nhiệm, sự nhiệt huyết, tận tâm trong công việc, anh luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

và không quên rèn luyện sức khỏe theo tinh thần 7 thói quen

Và với bản tính ham học hỏi, sự năng động, nhạy bén, ý thức làm chủ công nghệ, luôn muốn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề đã giúp anh Sơn có nhiều ý tưởng hợp lý hóa, tiết kiệm chi phí phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị nói chung và hỗ trợ cho chính công việc của mình nói riêng. Đến nay, anh đã có hơn 20 sáng kiến và nhiều giải pháp kỹ thuật được áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đảm bảo an toàn, ổn định cho hoạt động của nhà máy. Với những thành tích đạt được, vừa qua anh vinh dự được nhận Bằng khen lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.

Trong các sáng kiến của mình, anh tâm đắc nhất là sáng kiến “Cải tiến Lò hơi phụ trợ Nhà máy Đạm Cà Mau”, mang lại lợi ích kinh tế gần 80 tỷ đồng/năm, được công nhận là sáng kiến cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Anh còn nhớ khi đó là vào năm 2011, ở giai đoạn đầu đưa Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào chạy thử. Để phục vụ cho công tác này thì Nồi hơi phụ trợ phải chạy đầu tiên để cấp hơi làm công tác thổi rửa, sấy đường ống. Tuy nhiên xảy ra vấn đề là Nồi hơi phụ trợ vận hành trong điều kiện nhiệt cao nhưng sinh hơi không đạt yêu cầu. Trước tình hình này anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu liên quan đến công nghệ lò hơi, kết hợp với các lý thuyết được học từ thời Đại học để tính toán và tìm ra nguyên nhân của vấn đề, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục. Giải pháp anh đưa ra được lãnh đạo cấp trên ủng hộ và được triển khai ứng dụng vào thực tế, đạt được hiệu quả như các tính toán của anh, góp phần quan trọng trong đảm bảo vận hành nhà máy.

Cũng trong thời gian chạy thử Nhà máy Đạm Cà Mau thì hệ thống bồn chứa Ammoniac T40001 bị lỗi thiết kế dẫn đến hoạt động vượt trên áp suất vận hành, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Qua nhiều ngày tìm hiểu, anh Sơn phát hiện nguyên nhân là tuyến ống dẫn ra đuốc nhà máy bị đọng nước bên trong gây tắc ống và anh đã đề xuất giải pháp với lãnh đạo cấp trên cho thông tắc tuyến ống xả ra đuốc để giảm áp bồn và cải tiến lại toàn bộ tuyến ống xả từ các van an toàn của hệ thống bồn chứa Ammoniac để thông với đuốc nhà máy, đưa hệ thống về áp suất vận hành ổn định.

“Phải luôn có những câu hỏi thường trực: “Tại sao như thế? Có thể làm cho nó tốt hơn được không? Làm như thế nào? Khi nào làm? Ai giúp mình thực hiện được vấn đề này? Nếu duy trì tốt 5 câu hỏi này trong công việc thì sẽ luôn nãy sinh ý tưởng sáng kiến trong chính công việc hàng ngày của mình” – anh Sơn chia sẻ về bí quyết để có được nhiều ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Một ý tưởng khác, cũng là một kỷ niệm vui không thể quên với anh Sơn là vào năm 2012, khi Nhà máy Đạm Cà Mau đang trong quá trình chạy thử thì cả 3 bơm nước sông đầu vào đồng thời hỏng không thể cấp nước bổ sung để làm mát cho nhà máy và khả năng dừng nhà máy là 100%. Lúc này anh đã đưa ra ý tưởng thuê bơm hút bùn của dân địa phương và câu ống mềm bơm nước ngoài sông vào để duy trì vận hành nhà máy và đã duy trì được nhà máy vận hành chờ sửa chữa bơm hỏng lắp lại mà không phải dừng nhà máy. “Ý tưởng đó thật điên rồ nhưng đã cứu được Nhà máy trong lúc nguy cấp” – Anh cười nói.

Đúc kết lại những thành quả đạt được, anh Sơn chân thành bộc bạch: “Làm việc gì cũng cần đặt cái tâm của mình vào công việc thì hiệu quả mới cao. Chính vì vậy việc thực hiện sáng kiến cần những con người có tính kiên trì, có tinh thần đam mê nghề nghiệp, có trách nhiệm, ý thức trau dồi, có nền tảng kiến thức và bản lĩnh thực tiễn. Đặc biệt phải có lòng đam mê nghề nghiệp vì đó là động lực rất quan trọng để một người gắn bó và tận tâm với nghề. Có yêu nghề mới có khát vọng vươn cao, tìm kiếm cái mới, sáng tạo, cải tiến trong lao động nhằm đạt hiệu quả công việc cao nhất, còn nếu không sẽ không bao giờ suy nghĩ đến cải tiến tốt hơn mà rất dễ bằng lòng với chữ bình thường”.

Công đoàn PVCFC