06/06/2017 9:31:23

Điểm báo ngày 05/6/2017

Từ 02/6 đến 05/6/2017, trên các báo in, báo điện tử có một số tin, bài viết về hoạt động của ngành Dầu khí Việt Nam, gồm các nội dung sau:

TT Tên tin, bài báo Cơ quan báo chí Tên tác giả
1. Hợp tác phát triển các Nhà máy điện tuốc bin khí sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (và một số báo khác) Hiền Hòa
2. Khai thác trên 13,28 triệu tấn dầu thô để đảm bảo tăng trưởng 6,7% Dân Trí; Đấu Thầu Bích Diệp
3. Công bố Top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2017: 3 công ty trong ngành Dầu khí lọt Top 50 Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam H.H
4. Lọc hóa dầu Bình Sơn tự tin IPO Đấu Thầu Kim Ngân
5. Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Đổi mới hình thức tuyên truyền Công Thương Phương Tâm
6. PVFCCo: Trách nhiệm xã hội của thương hiệu lớn Tài nguyên & Môi trường Sông Thương
7. Bộ đội Biên phòng Cà Mau ký kết bảo vệ công trình dầu khí trên biển Biên Phòng Lê Khoa

Hợp tác phát triển các Nhà máy điện tuốc bin khí sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn General Electric Internaltional đã ký Biên bản Ghi nhớ về việc hợp tác phát triển nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Miền Trung I và Miền Trung II sử dụng khí từ Mỏ Cá Voi Xanh.

Mỏ khí Cá Voi Xanh được phát hiện và được tuyên bố thương mại vào tháng 8/2015, là dự án khí lớn nhất tại Việt Nam cho tới nay, với trữ lượng thu hồi khoảng 150 tỷ m3 (tương đương với 5,4 Tcf). Dự kiến, Dự án Nhà máy điện Miền Trung I và Miền Trung II sẽ lần lượt được đưa vào vận hành vào năm 2023 và 2024.

Qua việc ký Biên bản ghi nhớ lần này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mong muốn GE, với năng lực chuyên môn và kinh nghiệm về phát triển năng lượng toàn cầu, sẽ nỗ lực cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đưa ra các giải pháp công nghệ tốt nhất cho Dự án, nhằm đảm bảo hiệu suất cao, sử dụng hiệu quả nhiên liệu đầu vào và đạt các yêu cầu về giảm phát thải./. (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 02/6, tác giả Hiền Hòa; Tài Nguyên & Môi Trường 3/6, mục kinh tế, tác giả PV; Đại Đoàn Kết 2/6, mục kinh tế).

Khai thác trên 13,28 triệu tấn dầu thô để đảm bảo tăng trưởng 6,7%

Khẳng định Chính phủ kiên định đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Thủ tướng yêu cầu PVN triển khai các giải pháp kỹ thuật phấn đấu mục tiêu sản lượng khai thác dầu thô trong nước đạt trên 13,28 triệu tấn, song phải trên cơ sở hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn khai thác mỏ và bảo vệ môi trường.

Khu vực công nghiệp và xây dựng phấn đấu tăng trưởng 7,91%

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 24 giao các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Tại chỉ thị này, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2017 là khoảng 6,7%. Trong đó, dự kiến tăng trưởng của khu vực nông nghiệp là 3,05% (tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ USD). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,91%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19%.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 6 này, các bộ, ngành, địa phương phải có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình xây dựng và kế hoạch tổ chức triển khai các giải pháp sẽ thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2017; định kỳ hàng tháng có báo cáo tình hình và kết quả thực đẩy tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công Thương phải báo cáo về kết quả rà soát các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ đang tồn đọng, các dự án, doanh nghiệp còn vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách, đề xuất phương án xử lý theo thẩm quyền để sớm tái khởi động, nâng cao hiệu quả các dự án, doanh nghiệp này trong năm 2017.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn trong công tác tiêu thụ các loại khoáng sản tồn đọng, có giá trị.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phải hoàn chỉnh phương án giá điện năm 2017, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, báo cáo kết quả rà soát các biện pháp hàng rào kỹ thuật áp dụng để kiểm soát nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

Bên cạnh đó, đề xuất ban hành các quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa phù hợp với các cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.

Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô năm 2017, triển khai các giải pháp kỹ thuật phấn đấu mục tiêu sản lượng khai thác dầu thô trong nước đạt trên 13,28 triệu tấn trên cơ sở hiệu quả kinh tế, đảm bảo an toàn khai thác mỏ và bảo vệ môi trường.

Bất động sản: Không để xảy ra đầu cơ, tăng giá bất hợp lý

Bộ Xây dựng triển khai giải pháp theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản; chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.

Chỉ thị lưu ý “không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm tính công khai, minh bạch của thị trường”; tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thông thoáng cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở; đề xuất phương án và kế hoạch cải tạo các khu chung cư cũ tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao đề xuất phương án ứng phó, đề xuất giải pháp đàm phán đối với khả năng thay đổi chính sách của Mỹ áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu tôm, cá tra của Việt Nam, đảm bảo mục tiêu giữ được thị trường xuất khẩu quan trọng này. Đồng thời, Bộ cũng phải chủ động đề xuất và triển khai các giải pháp duy trì, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước được giao xây dựng phương án cụ thể phấn đấu thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với diễn biến lạm phát, kết quả xử lý nợ xấu và yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 là trên 18%. Ngành ngân hàng cũng được giao phải theo dõi sát diễn biến của tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao để có những đánh giá, giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Bộ Tài chính triển khai rà soát và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thu chi ngân sách, tránh tình trạng thất thu và lạm thu, thực hiện triệt để tiết kiệm chi. Bộ xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý chặt chẽ việc phát hành và sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm trong việc thí điểm sử dụng mạng dùng chung để quản lý hóa đơn và thuế ngoài quốc doanh.

Bên cạnh giải pháp đẩy nhanh đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn được giao xây dựng các giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); phấn đấu mục tiêu tỷ trọng tổng đầu tư toàn xã hội trên GDP đạt 34-35%. (Dân Trí 3/6, mục kinh doanh, tác giả Bích Diệp; Đấu Thầu 3/6, mục thời sự đưa lại tin).

Công bố Top 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2017: 3 công ty trong ngành Dầu khí lọt Top 50

Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất (Top 50) năm 2017 do Forbes Việt Nam vừa công bố ghi nhận sự có mặt của 3 công ty trong ngành Dầu khí gồm: Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã chứng khoán: GAS), Công ty Cổ phần PVI (PVI), Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2).

Đây là lần thứ 5 Forbes công bố danh sách này tại Việt Nam. Theo thống kê của Forbes, 50 công ty trong danh sách năm nay chiếm trên 60% giá trị vốn hóa của hai sàn HSX và HNX, tương đương tỷ lệ năm trước. Tuy nhiên, do chất lượng hàng hóa được nâng cao, các công ty quy mô lớn niêm yết ngày càng nhiều, tổng doanh thu của các công ty trong danh sách đạt gần 735.000 tỷ đồng, tăng 55%. Tổng lợi nhuận của các công ty đạt gần 79.500 tỷ, tăng 49% so với danh sách năm trước.

So với 4 lần thực hiện trước đây, danh sách năm 2017 xuất hiện nhiều tên tuổi mới là những doanh nghiệp đang có vị trí hàng đầu ở nhiều ngành nghề trong nền kinh tế với giá trị vốn hóa hàng tỷ đô la Mỹ.

Mặc dù ngành Dầu khí được đánh giá chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh nhưng cũng ghi nhận 3 đại diện lọt vào Top 50 này là: GAS, PVI và NT2. Trong đó, GAS là một trong những doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận đứng vào hàng cao nhất trong Top 50 nhiều năm qua.

Cùng với GAS (đứng đầu mảng kinh doanh Tiện ích), các tên tuổi lớn tiếp tục được vinh danh trong Top 50 còn có: Tập đoàn Vingroup (Bất động sản), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Tài chính), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (Thực phẩm), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Vật liệu)… (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 02/6, tác giả H.H; Công Thương 5/6, tr9, tác giả Phạm Sơn).

Lọc hóa dầu Bình Sơn tự tin IPO

Ngày 31/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1938/QĐ-BCT về việc xác định giá trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để cổ phần hóa.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31/12/2015 là 72.879.914.663.162 đồng (bảy mươi hai ngàn tám trăm bảy mươi chín tỷ, chín trăm mười bốn triệu, sáu trăm sáu mươi ba ngàn, một trăm sáu mươi hai đồng), tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn thực hiện các công việc tiếp theo để cổ phần hóa. Đây là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.

Ngày 6/11/2015, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra Quyết định số 2665/QĐ-DKVN về việc cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Việc triển khai cổ phần hóa BSR là thực hiện chủ trương của Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP.

Công ty BSR, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhiều năm qua là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Sản phẩm chính gồm: Propylene, polypropylene, khí hóa lỏng, xăng RON 92 và 95, xăng E5/E10, nhiên liệu phản lực JET A1, dầu hỏa, dầu Diesel, dầu nhiên liệu và lưu huỳnh.

Sản lượng sản xuất lũy kế của BSR từ khi Nhà máy đi vào hoạt động đến tháng 5 năm 2017 đạt khoảng 47 triệu tấn với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD. Trong đó, lũy  kế số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư (3 tỷ USD). Trong 3 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67 %; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROA) đạt 4,81 %. Hệ số bảo toàn vốn là 1,091 (>1 thể hiện việc bảo toàn và phát triển vốn).

Cho dù giá dầu biến động nhưng BSR vẫn giữ vững hoạt động có hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu rất cao qua các năm. Cụ thể, năm 2015 là 21% (lợi nhuận sau thuế là 6.000 tỷ đồng) và năm 2016 là 14% (lợi nhuận sau thuế là 5.000 tỷ đồng), đây là những tín hiệu cực kỳ lạc quan để BSR cổ phần hóa thành công.

Dự kiến BSR sẽ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý IV năm nay và sẽ chào bán khoảng 5 – 6% cổ phần, còn lại chào bán cho các nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục đầu tư phát triển phân khúc hóa dầu và chế biến sâu nhằm mang lại hiệu quả cao trong tương lai. (Đấu Thầu 2/6, mục doanh nghiệp, tác giả Kim Ngân; Lao Động & Xã Hội 3/6, tr11, tác giả Đông Hải).

Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Đổi mới hình thức tuyên truyền

Nhằm nâng cao hiểu biết về các chính sách pháp luật, hoạt động công đoàn… cho người lao động, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu hoạt động Công đoàn Dầu khí Việt Nam” lần thứ nhất năm 2017.

Cuộc thi “Tìm hiểu hoạt động Công đoàn Dầu khí Việt Nam” sẽ chính thức diễn ra vào ngày 17/4/2017 với 4 chủ đề gồm “Chính sách & Pháp luật”, “Tổ chức đại hội Công đoàn các cấp”, “Công tác tuyên giáo và an toàn vệ sinh lao động” và “Bình đẳng giới”. Cuộc thi sẽ được tổ chức theo hình thức online qua mạng internet, sử dụng phần mềm chuyên biệt, mỗi ngày thi 5 câu. Thi trong 10 ngày, tổng 50 câu.

Chủ đề “Chính sách & Pháp luật” sẽ được tổ chức từ 17-28/4/2017, thời gian thi trong ngày, mỗi cán bộ công nhân viên lao động được tham gia trả lời 1 lần trong ngày. Các câu hỏi trong chủ đề xoay quanh các nội dung việc làm, hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động… Qua 10 ngày thi sôi nổi, phần thi đầu tiên “Chính sách và pháp luật” đã tạo được hiệu ứng tích cực và có ý nghĩa dành cho cán bộ, nhân viên lao động trong các ngày làm việc. Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo cán bộ, công nhân viên – lao động đến từ các công đoàn trực thuộc Công đoàn dầu khí Việt Nam. Và kết quả đứng đầu về số lượng đoàn viên, người lao động tham gia và trả lời đúng cả 5 câu hỏi trong các ngày thi là Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), tiếp đó là Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcombank), Tổng công ty Thăm Dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Ngoài ra, các đơn vị như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), Vietsovpetro (VSP), Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau , hay Công đoàn Công ty mẹ Tập đoàn cũng là các đơn vị có số lượt người tham gia dự thi đông đảo.

Theo Ban tổ chức, cuộc thi nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền chế độ chính sách pháp luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế, Luật Công đoàn và Điều lệ Công đoàn Việt Nam; hiểu rõ vấn đề bình đẳng giới, công tác an toàn vệ sinh lao động… Qua đó góp phần vận động cán bộ công nhân viên chức lao động sống làm việc theo pháp luật.

Đồng thời, thông qua cuộc thi, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội VI Công đoàn Dầu khí Việt Nam và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, công nhân viên chức lao động về những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn trong các hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, góp phần tạo sự chuyển biến trong công tác vận động, tập hợp đông đảo công nhân viên chức lao động vào tổ chức công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh và phát triển. (Công Thương 5/6, tr7, tác giả Phương Tâm).

PVFCCo: Trách nhiệm xã hội của thương hiệu lớn

Xác định trách nhiệm xã hội là thước đo giá trị thương hiệu, chính vì vậy, trong những năm qua, PVFCCo luôn chú trọng và tự nguyện thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.

Để có được thương hiệu lớn như ngày hôm nay, ngay từ khi mới đi vào vận hành, PVFCCo đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường tiên tiến theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 14001:2004. Cùng với đó, PVFCCo còn đánh giá rủi ro và tác động môi trường từ các hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng các biện pháp ngăn ngừa và kế hoạch ứng phó tình huống khẩn cấp; áp dụng các biện pháp cải tiến nhằm giảm thiểu lượng bụi và khí thải; thiết lập chương trình quản lý năng lượng nhằm tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về quản lý năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Nhằm thu hồi lượng CO2 trong khói thải nhà máy để làm nguyên liệu sản xuất phân đạm, PVFCCo đã triển khai Dự án “Đầu tư xây dựng công trình sản xuất CO2 từ khói thải Primary Reformer tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ”. Nhờ đó, sản lượng urê của Nhà máy tăng thêm và giảm được lượng khí CO2 phát thải vào không khí.

Trách nhiệm xã hội có vai trò quyết định trong xây dựng và giữ vững thương hiệu, PVFCCo đã đồng hành cùng Hội đồng trách nhiệm ngành hóa chất Việt Nam (VRCC) và là đơn vị thực hiện đầy đủ các quy phạm của Hội. Đối với việc quản lý phân phối sản phẩm, do đặc thù của đơn vị sản xuất kinh doanh hóa chất, phân bón nên PVFCCo đã xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 từ rất sớm. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống phân phối và quản lý chất lượng sản phẩm tại tất cả các đại lý, PVFCCo còn tổ chức các hoạt động hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến cho nông dân, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, triển khai các mô hình trình diễn…, hướng tới mục tiêu giúp nông dân sử dụng phân bón, vật tư nông nghiệp một cách khoa học, hợp lý, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Cùng với đó, PVFCCo quan tâm và triển khai hiệu quả các quy phạm bảo vệ sức khỏe và an toàn trong quá trình sản xuất. Chẳng hạn như đối với quy phạm an toàn trong sản xuất, nhà máy thực hiện đủ công tác bảo dưỡng theo các khuyến cáo vận hành của nhà sản xuất máy móc, thiết bị và cơ sở đánh giá tình trạng thực tế thiết bị nhằm đảm bảo máy móc vận hành an toàn, không phát sinh sự cố gây ảnh hưởng sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên và cộng đồng dân cư.

Đặc biệt về ngăn ngừa ô nhiễm, PVFCCo thực hiện các công tác bảo vệ môi trường theo đúng yêu cầu của pháp luật, cam kết của Tổng Công ty, chính sách an toàn – sức khỏe – môi trường để ngăn ngừa ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tổng Công ty.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là thực hiện các hoạt động mang tính nhân đạo mà còn bao gồm trách nhiệm bảo đảm tăng trưởng kinh tế hiệu quả song hành bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh, chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên giá trị của thương hiệu phân bón Phú Mỹ của PVFCCo.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ được hãng Haldor Topsoe trao Chứng chỉ vận hành xuất sác cho Xưởng sản xuất NH3 của Nhà máy vì đã hoạt động an toàn, ổn định, liên tục trong 279 ngày đêm không ngừng nghỉ, từ ngày 21/9/2015 đến 27/6/2016. (Tài Nguyên & Môi Trường 2/6, tr14, tác giả Sông Thương).

Bộ đội Biên phòng Cà Mau ký kết bảo vệ công trình dầu khí trên biển

Ngày 2-6, Công ty khí Cà Mau và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau tổ chức sơ kết một năm thực hiện kế hoạch phối hợp bảo vệ công trình đường ống dẫn khí trên biển và ký kết kế hoạch phối hợp năm 2017.

Trên cơ sở quy chế phối hợp giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thời gian qua, Công ty Khí Cà Mau và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã xây dựng kế hoạch phối hợp bảo vệ an ninh, an toàn công trình đường ống dẫn khí trên biển.

Trong năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, Công ty Khí Cà Mau đã phối hợp Bộ đội Biên phòng Cà Mau tổ chức 9 đợt tuyên truyền bảo vệ an ninh, an toàn công trình đường ống dẫn khí trên biển, thu hút gần 600 chủ tàu, thuyền trưởng tham gia; cấp phát trên 3.000 tờ rơi cho các chủ tàu đánh cá; cài đặt tọa độ vị trí đường ống dẫn khí lên máy định vị cho 2.089 tàu đánh cá để thuận tiện cho việc xác định vị trí đường ống đi qua để không đánh bắt, neo đậu gần khu vực này.

Tại hội nghị, Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thông báo một số tình hình liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam; đồng thời nhấn mạnh một số biện pháp tăng cường tuần tra bảo vệ công trình dầu khí và tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt, neo đậu gần hành lang an toàn đường ống dẫn khí…

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau và Công ty Khí Cà Mau cũng đã ký kết quy chế phối hợp và kế hoạch tuần tra bảo vệ công trình đường ống dẫn khí trên biển năm 2017. (Biên Phòng 3/6, mục pháp luật, tác giả Lê Khoa).