Từ lịch sử hào hùng
Nói đến PVEP và niềm tự hào về đơn vị này thì phải nói đến lịch sử ra đời của Tổng Công ty. Bởi đây là câu chuyện khắc họa đậm nét nhất về những nỗ lực không ngừng của những “chiến sĩ” đã và đang ngày đêm gìn giữ bờ cõi Tổ quốc trên biển, cũng như ngày đêm lao động và sáng tạo để góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Tôi còn nhớ rõ những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ XX, với đường lối đổi mới và mở cửa của Đảng, Nhà nước, trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí có một làn sóng các công ty dầu khí lớn nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam. Tại thời điểm đó, Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã ký hàng loạt hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC).
Để giám sát và hỗ trợ các nhà thầu dầu khí triển khai các hợp đồng đã được ký kết, Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã thành lập 2 công ty Petrovietnam I (tháng 11/1988) và Petrovietnam II (6/1988). Trong đó, Công ty Petrovietnam I có nhiệm vụ giám sát và hỗ trợ triển khai các hợp đồng dầu khí ở khu vực phía Bắc. Công ty Petrovietnam II có nhiệm vụ giám sát và hỗ trợ triển khai các hợp đồng thăm dò và khai thác dầu khí thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
Nhiệm vụ của hai công ty ở thời điểm đó gần như giống nhau khi cùng phải giám sát và hỗ trợ các nhà thầu dầu khí triển khai các hợp đồng PSC được dễ dàng, hiệu quả, tuân thủ đúng các điều khoản của hợp đồng, luật pháp của Việt Nam cũng như thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.
Thực sự, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong thời gian đầu triển khai các hợp đồng dầu khí, chúng ta (những cán bộ dầu khí thời bấy giờ) có hai điểm yếu. Thứ nhất là chưa hiểu đầy đủ về quy trình giám sát, hầu hết cán bộ, công nhân viên tham gia đều chưa được đào tạo bài bản. Thứ hai là trình độ ngoại ngữ còn rất yếu, ít có người có thể giao tiếp trực tiếp với các nhà thầu bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Trong suốt 5 năm đầu từ 1988 – 1992, công việc của chúng tôi là vừa làm vừa tích cực học tập và tích lũy kinh nghiệm vừa liên tục nâng cao trình độ ngoại ngữ. Việc học ngoại ngữ cũng tựa như kiến tha mồi về tổ, phải kiên trì từng ngày từng giờ. Đặc biệt với những từ ngữ chuyên ngành khoa học kỹ thuật càng đòi hỏi sự chính xác đến tuyệt đối.
Chỉ với thời gian ngắn ngủi đó, toàn bộ cán bộ, công nhân viên của 2 công ty Petrovietnam I và Petrovietnam II đều trưởng thành nhanh chóng, bước đầu đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Giàn khai thác tại mỏ Rạng Đông.
Đến năm 1993, để thuận lợi cho việc triển khai các hợp đồng dầu khí suốt từ Bắc tới Nam cũng như triển khai công tác tự thăm dò khai thác, Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã tiến hành chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của hai đơn vị này. Công ty Petrovietnam I đổi tên thành Công ty Giám sát các hợp đồng Dầu khí (PVSC) với nhiệm vụ giám sát và hỗ trợ các nhà thầu dầu khí trên toàn bộ thềm lục địa Việt Nam. Công ty Petrovietnam II được đổi tên thành Công ty Khai thác Dầu khí PVEP với nhiệm vụ chủ yếu là tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí mỏ Đại Hùng.
Đến những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, ngoài các hợp đồng chia sản phẩm dầu khí PSC, ngành Dầu khí triển khai ký kết các hợp đồng JOC và bước đầu triển khai ký kết các hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài. Đây là bước tiến lớn của công tác thăm dò khai thác dầu khí để đáp ứng nhiệm vụ mới nên vào năm 2000, Công ty PVSC được đổi tên thành Công ty Đầu tư và Phát triển Dầu khí (PIDC). Từ đó, công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí có những bước phát triển mới khi ngoài công tác giám sát, các công ty dầu khí Việt Nam còn tham gia điều hành các hợp đồng dầu khí với các nhà thầu dầu khí nước ngoài và bước đầu tự triển khai điều hành các hợp đồng dầu khí trong và ngoài nước. Trước yêu cầu đòi hỏi trên, ngành Dầu khí đã sáp nhập Công ty PIDC và Công ty PVEP đổi tên thành Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí – PVEP (2007).
Như vậy, có thể thấy rằng, lịch sử và quá trình phát triển của PVEP là cả một quá trình kế thừa, nâng cấp một cách thần tốc có chủ đích. Từ những đơn vị, con người thuần kỹ thuật, chưa hề có kinh nghiệm về thăm dò khai thác dầu khí đã trở thành một tổng công ty mạnh, đồng đều, có khả năng làm chủ khoa học, áp dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt là đủ năng lực để đảm nhiệm toàn bộ quá trình từ đầu tư, thăm dò đến khai thác dầu khí trong mọi điều kiện phức tạp về địa chất cũng như khí hậu trên thế giới.
Đến bản sắc của PVEP
Có hai chuyện mà tôi nhớ mãi trong cuộc đời làm Dầu khí. Đó là những ngày tháng đầu tiên cùng các chuyên gia nước ngoài trên con tàu thăm dò địa chấn “ODISSE” ở vùng biển vịnh Bắc Bộ. Vào những ngày gió mùa đông bắc, sóng to gió lớn giữa biển khơi xa, tàu chao đảo rất mạnh, mọi người phải bò trên boong để tiếp tục công việc của mình, tiếp tục hành trình thăm dò địa chấn. Có trải qua những giờ phút chao đảo, hiểm nguy cận kề giữa biển, mới thấy sự bình tĩnh vượt mọi khó khăn, gian khổ để triển khai công tác thăm dò của mọi người có giá trị đến thế nào.
Kỷ niệm thứ hai trong đời tôi đó là ước mơ làm sao có trình độ giao tiếp bằng tiếng Anh, Pháp như tiếng Nga. Bởi tôi từng được đào tạo nhiều năm tại Nga, tiếng Nga khá thông thạo nhưng khi làm việc với các công ty dầu khí quốc tế tuy đã có thời gian đào tạo tiếng Anh và tiếng Pháp song mới nhận ra rằng, trình độ tiếng Anh, Pháp của mình là chưa đủ. Công tác thăm dò và khai thác dầu khí đòi hỏi phải áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, có tính chất quốc tế hóa rất cao, chính vì vậy, yêu cầu cán bộ, công nhân viên làm công tác dầu khí luôn phải nâng cao trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý, khả năng ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Trước yêu cầu cần tiếp xúc, làm việc trực tiếp, liên tục với các đối tác bằng tiếng Anh, tôi và các đồng nghiệp của mình đã ngày đêm nỗ lực nâng cao trình độ ngoại ngữ. Chính vì vậy mà chỉ trong thời gian không dài, chúng tôi đã có thể trực tiếp làm việc với các đối tác.
Không phải chỉ đến bây giờ mới có thể thấy sự trưởng thành nhanh chóng của đội ngũ cán bộ làm công tác dầu khí của PVEP trên mọi phương diện về khả năng quản lý, điều hành các hợp đồng dầu khí, hiểu biết về luật pháp và thông lệ quốc tế, nâng cao trình độ khoa học công nghệ trong công tác thăm dò khai thác dầu khí.
Tôi luôn tự hào rằng, đội ngũ cán bộ, công nhân viên PVEP đã nâng cao vị thế của ngành Dầu khí trong công tác thăm dò và khai thác dầu khí ở trong nước và nước ngoài, có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành Dầu khí và kinh tế Việt Nam. Mặt khác, PVEP còn đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền đất nước, là những người tiên phong cùng với hải quân Việt Nam trên khắp vùng biển của Tổ quốc.
Tuy đã nghỉ hưu nhiều năm, song qua các lần gặp gỡ cán bộ lãnh đạo của PVEP, tôi nhận thấy PVEP đã thật sự trở thành nhà điều hành trong công tác thăm dò khai thác dầu khí trong và ngoài nước. Chỉ trong vòng 10 năm (2007-2017), PVEP đã phát triển nhanh và toàn diện. Có một đội ngũ cán bộ trẻ, đầy nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tế công việc đã và đang hình thành ở PVEP. Họ rất tự tin và ngày càng đáp ứng được những yêu cầu cao trong hoạt động dầu khí.
Hỏi tôi về bản sắc của PVEP ư? Vượt khó, tự tin, sáng tạo và đồng tâm hiệp lực hoàn thành nhiệm vụ chính là những điều kỳ diệu làm nên bản sắc của người dầu khí, của PVEP.
Trần Danh Liêm – nguyên Phó GĐ Công ty PIDC