Nhằm hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ 1 năm 2017 (từ 01-31/05/2017), ngày 05/05/2017 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò của công đoàn trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động”.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ); đại diện Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế; đại diện Cục An toàn lao động, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) và 30 lãnh đạo các Liên đoàn Lao động tỉnh/thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn cơ sở có nhiều kinh nghiệm trong công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Về phía Công đoàn Dầu khí Việt Nam có đồng chí Nguyễn Mạnh Kha, Phó Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Văn Cư, Uỷ viên BTV Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); đồng chí Đỗ Thái Hà, Uỷ viên BCH, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Chính sách Pháp luật Công đoàn Dầu khí Việt Nam.
Phó Chủ tịch TLĐ Mai Đức Chính phát biểu kết luận Hội thảo
Mở đầu Hội thảo, đồng chí Đặng Văn Khánh, Trưởng phòng Ban Quan hệ Lao động TLĐ đã khẳng định công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) là quy định bắt buộc phải thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động và Luật ATVSLĐ để cung cấp, trang bị các kiến thức và thực hành cho NSDLĐ và NLĐ về trách nhiệm và nghĩa vụ, chính sách, pháp luật chế độ về ATVSLĐ, nghiệp vụ công tác ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và các quy trình, biện pháp làm việc ATVSLĐ, ứng phó, xử lý các sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, sơ cấp cứu TNLĐ và cải thiện điều kiện lao động. Người lao động được tuyển dụng mới hoặc chuyển làm công việc khác hay do thay đổi về công nghệ, kể cả người học nghề, tập nghề, thử việc phải được huấn luyện về ATVSLĐ và kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu thì NSDLĐ mới được bố trí vào làm việc; đặc biệt với NLĐ làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ thì Luật ATVSLĐ năm 2015 quy định nghiêm cấm “Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ khi chưa được huấn luyện về ATVSLĐ”.
Các quy định của pháp luật về công tác huấn luyện ATVSLĐ ngày càng được hoàn thiện chặt chẽ và cụ thể, phù hợp cho từng đối tượng huấn luyện, cũng như quy định những yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện đối với đơn vị tổ chức huấn luyện và giảng viên – người làm công tác huấn luyện ATVSLĐ để bảo đảm chất lượng huấn luyện về ATVSLĐ. Sau khi Luật ATVSLĐ năm 2015 được ban hành với quan điểm các quy định của Luật phải mang tính chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ mất ATVSLĐ tại nơi làm việc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2016/NĐ-CP chia đối tượng huấn luyện thành 6 nhóm trong đó tách riêng người làm công tác y tế thành một nhóm đối tượng huấn luyện và an toàn vệ sinh viên được tách riêng thành một nhóm đối tượng huấn luyện; Nghị định cũng quy định và xác định cụ thể hơn về nội dung, chương trình khung huấn luyện ATVSLĐ, thời gian huấn luyện tối thiểu cho từng nhóm đối tượng huấn luyện.
Toàn cảnh Hội thảo
Đại diện Cục An toàn Lao động, Bộ LĐTB&XH đã nêu lên những nguyên nhân của thực trạng công tác huấn luyện ATVSLĐ đó là chưa có chính sách xã hội hoá về hoạt động huấn luyện mà việc huấn luyện chủ yếu phải dựa vào lực lượng giảng viên ít ỏi làm công tác ATVSLĐ của ngành LĐTB&XH và công đoàn các cấp với tổng số khoảng hơn 400 người, trong khi đó trong giai đoạn này, cả nước có khoảng gần 500.000 doanh nghiệp với tổng số gần 18 triệu lao động làm việc ở khu vực có quan hệ lao động. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ tích cực trong công tác huấn luyện ATVSLĐ, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua, cụ thể: Hệ thống pháp luật mặc dù khá nhiều, đầy đủ nhưng vẫn còn sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước về huấn luyện của các bộ, ngành còn gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; Tổng số lao động cần huấn luyện khoảng 55 triệu người so với năng lực huấn luyện hiện nay khoảng 5 triệu người/năm đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá, thu hút các nguồn lực xã hội cho công tác huấn luyện; Nhiều vụ tai nạn lao động vẫn xảy ra do người lao động không tuân thủ quy trình làm việc cho thấy chất lượng công tác huấn luyện ở nhiều nơi chưa được kiểm soát.
Đại diện Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế đã nhấn mạnh những ảnh hưởng của môi trường lao động đối với vấn đề tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Môi trường làm việc ngày nay thường có nhiều loại vật liệu, yếu tố và thao tác tiềm tàng các nguy hại đối với sức khoẻ. Ngành công nghiệp sản xuất phải sử dụng các loại vật liệu tự nhiên và tổng hợp, nhiều loại trong số đó có thể gây tác động đến sức khoẻ người lao động phải tiếp xúc với chúng. Ở Việt Nam hiện nay mỗi năm trung bình có 2.000 trường hợp tử vong do tai nạn lao động được báo cáo ở cộng đồng và hơn 100 ngàn trường hợp phải đến điều trị tại các cơ sở y tế. Mô hình nghề nghiệp cũng có xu hướng thay đổi theo điều kiện và môi trường làm việc.
Ngoài ra, Hội thảo đã nghe các tham luận trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh và một số Công đoàn ngành Trung ương với nội dung chính là vai trò của công đoàn đối với hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV), thực trạng hoạt động của mạng lưới này cũng như những tồn tại hạn chế cần khắc phục, sự quan tâm của chuyên môn trong việc xây dựng hiệu quả hoạt động của mạng lưới ATVSV.
Tại Hội thảo, Công đoàn PVEP đã có bài tham luận với chủ đề “Kết quả phối hợp giữa công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động trong công tác huấn luyện ATVSLĐ – kinh nghiệm từ công đoàn cơ sở ”. Có thể khẳng định trong những năm qua Công đoàn PVEP cùng các công đoàn cơ sở/công đoàn cơ sở thành viên (CĐCS/CĐCSTV) đã chủ động tích cực tham gia với chính quyền các cấp xây dựng, ban hành các quy định về công tác ATVSLĐ, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và NLĐ. Các CĐCS/CĐCSTV đã tích cực phối hợp trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác ATVSLĐ tại các đơn vị đặc biệt là tại các công trình, dự án Dầu khí; giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách về Bảo hộ lao động (BHLĐ), quản lý, theo dõi hoạt động Mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Để triển khai có hiệu quả hoạt động này, Công đoàn PVEP tập trung phối hợp với chính quyền tổ chức nhiều hoạt động trong đó công tác huấn luyện ATVSLĐ chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác huấn luyện nhằm bảo vệ an toàn cho NLĐ, Công đoàn PVEP rút ra được một số bài học kinh nghiệm: Công đoàn các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền để xây dựng và ban hành chương trình hoạt động cụ thể về công tác ATVSLĐ theo định kỳ đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; Tập trung đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, huấn luyện và tuyên truyền nâng cao nhận thức về ATVSLĐ đến từng NLĐ tại các đơn vị; Công đoàn cần phối hợp tốt với chính quyền thực hiện đầy đủ các quy định về BHLĐ, không ngừng nâng cao chất lượng của mạng lưới ATVSV, đẩy mạnh phong trào thi đua ‘’ Xanh – Sạch – Đẹp , bảo đảm ATVSLĐ “, động viên khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch TLĐ đã đánh giá cao các nội dung tham luận và đồng tình với những đề xuất, kiến nghị nêu ra tại Hội thảo để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện về ATVSLĐ cũng như giải pháp nâng cao vai trò, hiệu quả thực hiện trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác ATVSLĐ. Đồng thời làm rõ trách nhiệm và sự phối hợp giữa tổ chức công đoàn với cơ quan chức năng và NSDLĐ trong việc tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ công đoàn, người lao động, an toàn vệ sinh viên.
Nguyễn Tá (Công đoàn Dầu khí Việt Nam)