16/10/2013 9:58:13

Tiếp tục khẳng định vai trò của Công đoàn trong Hiến pháp

Ngày 25/5/1946, Hội Công nhân cứu quốc được đổi tên thành Tổng Liên đoàn Lao động, trở thành một tổ chức quần chúng quan trọng trong hệ thống chính trị mới; Công đoàn là tổ chức đại diện cho GCCN Việt Nam. Giai cấp, mà như Bác Hồ đã xác định là “đội tiên phong của dân tộc”, “người lãnh đạo” xã hội, lực lượng gánh vác trọng trách lớn trong “công việc kháng chiến kiến quốc, trong sự nghiệp xây dựng nền dân chủ mới” .

Bác Hồ, trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, đã góp phần tích cực vào xây dựng pháp luật ngay sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ngay cả trong kháng chiến …Đặc biệt là các Hiến pháp năm 1946, 1959; Luật Lao động 1947, Luật Công đoàn 1957… đã nhanh chóng tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn hoạt động thuận lợi. Qua đó thể hiện tính ưu việt của Nhà nước ta đối với NLĐ, trong đó có công nhân và Công đoàn.

Tư tưởng và quan điểm của Bác Hồ về tổ chức Công đoàn như trên, một lần nữa khẳng định vì sao có một điều riêng quy định về công đoàn, chứ không phải là tổ chức chính trị xã hội khác trong Hiến pháp.

Đại hội XI của Đảng đã bổ sung Cương lĩnh Xây dựng và phát triển đất nước, tiếp tục khẳng định Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại diện trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Chính vì vậy, Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định bản chất của Đảng, mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với giai cấp công nhân Việt Nam mà tổ chức tập hợp và đại diện cho công nhân lao động là tổ chức Công đoàn.

Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động; mà giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Giai cấp công nhân đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Giai cấp công nhân có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, ngày nay giai cấp công nhân vẫn luôn là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với số lượng chỉ chiếm 21% tổng số lao động, nhưng hàng năm giai cấp công nhân Việt Nam đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách nhà nước.

Với vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng của giai cấp công nhân mà đại diện cho lực lượng to lớn đó là Công đoàn Việt Nam, Hiến pháp 1980 đã dành riêng Điều 10 quy định về Công đoàn Việt Nam, cụ thể là “Tổng công đoàn Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng lớn nhất của giai cấp công nhân Việt Nam, là trường học chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước. Trong phạm vi chức năng của mình, công đoàn tham gia công việc Nhà nước và kiểm tra hoạt động của cơ quan Nhà nước, tham gia quản lý xí nghiệp; giáo dục công nhân, viên chức; tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa; cùng với cơ quan Nhà nước chăm lo đời sống và bảo đảm quyền lợi của công nhân, viên chức”

Hiến pháp năm 1992 tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Công đoàn Việt Nam quy định tại Điều 10. Tuy nhiên để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội tại thời điểm đó, nội dung Điều 10 đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, cụ thể là: “Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Năm 2001, Hiến pháp 1992 được sửa đổi một số điều, liên quan đến Điều 10, tại thời điểm đó, Uỷ ban Dự thảo sửa đổi bổ sung Hiến pháp đã xem xét kỹ lưỡng và quyết định giữ nguyên không sửa đổi, bổ sung Điều 10.

Như vậy có thể nói, trong hơn 30 năm qua Hiến Pháp nước ta đã có 2 lần sửa đổi bổ sung (năm 1992 và 2001). Song những vấn đề về công đoàn luôn có một điều quy định riêng và ngày càng hoàn thiện hơn.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần nay, liên quan đến Điều 10 quy định về Công đoàn Việt Nam cũng được các nhà khoa học, các thành viên Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phân tích kỹ lưỡng những căn cứ lý luận và thực tiễn, cơ sở khoa học quy định Công đoàn trong Hiến pháp; thống nhất giữ Điều 10 và sửa đổi bổ sung vai trò, chức năng của Công đoàn Việt Nam trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Trong thời gian qua, xung quanh quy định về Công đoàn trong Hiến pháp, có ý kiến nói rằng, hiến pháp các nước không có quy định về Công đoàn. Điều này là không đúng. Trên thực tế được biết, không phải chỉ có Hiến pháp của nước ta quy định về Công đoàn mà hiến pháp nhiều nước cũng quy định về công đoàn. Ví dụ như: Điều 51 Hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ quy định quyền tổ chức của Công đoàn Lao động; Điều 12 Hiến pháp của Hy Lạp quy định Công dân Hy Lạp có quyền thành lập Công đoàn, nghiệp đoàn; Hiến pháp Thụy Điển quy định mọi tổ chức Công đoàn đều có quyền đình công; Hiến pháp của Bồ Đào Nhà, Braxin, Nga, Lào, Ailen, Udơbekixtan, đều có quy định về công đoàn. Cũng cần phải nói thêm rằng, ngoài quy định về tổ chức Công đoàn trong hiến pháp các nước đều không có điều quy định về các tổ chức chính trị xã hội khác.

Có thể khẳng định rằng trải qua 32 năm (từ Hiến pháp 1980) với vai trò của mình được quy định trong Hiến Pháp, Công đoàn Việt Nam đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, ngày càng lớn mạnh, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế- xã hội thực hiện mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thanh Trúc