04/11/2013 9:51:55

Tổ chức công đoàn tham gia góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Người lao động cần được bảo vệ

Thực hiện công văn số 2943/LĐTBXH-BHXH ngày 8.8 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) về việc tham gia góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), Tổng LĐLĐVN đã tổ chức lấy ý kiến cán bộ công đoàn (CBCĐ) các cấp vào dự thảo và tổ chức hội thảo vấn đề này ở 2 miền Bắc và Nam.

NLĐ còn thiệt thòi

Những năm qua, Luật BHXH thực hiện chưa nghiêm, khiến cho quyền lợi của NLĐ không được đảm bảo. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết tháng 9, có 37 DN nợ BHXH 56,95 tỉ đồng, khiến cho hàng ngàn CNLĐ không được tham gia hoặc không được đóng đủ BHXH.

Anh Phùng Văn Trình – 32 tuổi, làm việc cho một DN ở KCN Khai Quang được gần 10 năm – khi hỏi đến BHXH thì “không biết mình có được tham gia hay chưa và nếu có thì đã được đóng bao lâu”.

Chị Vũ Thị Huyền Trang – CN ở KCN Nam Sách (Hải Dương) – tỏ ra bất bình khi biết, dù đã làm việc liên tục hơn 5 năm nhưng chưa được tham gia BHXH bởi DN chỉ đóng BHXH cho hơn 60% số LĐ.

Còn chị Bùi Thị Hương – chấm dứt hợp đồng LĐ ở nơi làm việc cũ để chuyển đến làm việc cho Cty Samsung Electronic VN (KCN Yên Phong, Bắc Ninh) – nhưng sau hơn 6 tháng vẫn chưa được chốt sổ BHXH và luôn nhận được câu trả lời của DN là “chờ một thời gian nữa”.

Một CBCĐ của KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc) cho biết, tổ chức CĐ với vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ đều nắm được tình hình. Nhưng do cơ chế hiện nay nên chỉ biết có ý kiến, ra văn bản đề nghị các DN phải đóng BHXH đầy đủ và giải quyết các chế độ, chính sách theo luật định. Rõ ràng, khi quyền bị bó hẹp, rất khó cho tổ chức CĐ đấu tranh hiệu quả hơn trong việc bảo vệ NLĐ.

Tăng quyền và trách nhiệm cho CĐ

Sau buổi làm việc với lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN đã tổng hợp những ý kiến tham gia góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Theo dự thảo, Luật BHXH dành riêng Điều 13 để quy định về “Quyền và trách nhiệm của tổ chức CĐ”. Nhiều ý kiến của CBCĐ các cấp đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của CĐ là “Tham gia thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thi hành pháp luật về BHXH”.

Thực tế từ trước đến nay, CĐ chỉ được tham gia (cùng các cơ quan chức năng) kiểm tra, giám sát việc thi hành, chứ chưa có quyền thanh tra thi hành Luật BHXH. Vì thế, dù biết rõ vi phạm, nhưng CĐ chưa có biện pháp hữu hiệu góp phần lập lại trật tự trong vấn đề này.

Ngoài ra, một số ý kiến đóng góp vào Điều 16 “Về các hành vi bị nghiêm cấm” khi đề nghị bổ sung, sửa đổi điểm d, khoản 1 thành “Đóng không đúng đối tượng và không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH”; đề nghị bổ sung điểm e, khoản 4 “Không trả sổ BHXH đúng thời hạn cho NLĐ khi NLĐ không còn làm việc tại DN nữa”.

Một số ý kiến tham gia vào Điều 17 “Về quyền của NLĐ” đề nghị bổ sung thêm quyền của NLĐ là “Được tham gia BHXH theo quy định của luật này” do thực tế nhiều người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng không được đóng BHXH do DN không làm thủ tục đăng ký BHXH.

Tham gia ý kiến vào Điều 20 “Về trách nhiệm của NSDLĐ”, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm khoản 1 là “khai báo đầy đủ số NLĐ mà DN đã ký hợp đồng LĐ trước khi NLĐ bắt đầu làm việc và lập hồ sơ để NLĐ được cấp sổ, đóng và hưởng BHXH”; đề nghị sửa đổi khoản 8 là “Cung cấp thông tin về việc đóng BHXH của NLĐ hàng quý hoặc 6 tháng một lần và khi có yêu cầu của NLĐ hoặc tổ chức CĐ”.

Đây đều là những ý kiến chắt lọc từ thực tế góp phần khắc phục những “kẽ hở” của luật và trên hết, tổ chức CĐ mong muốn tham gia những ý kiến trên để bảo vệ NLĐ tốt hơn.