09/11/2013 9:49:50

Đời sống văn hóa CNLĐ: Thiết chế văn hóa không tới nơi

Các khu công nghiệp (KCN) hiện thu hút khá đông công nhân lao động (CNLĐ) và khi hết giờ làm việc, phần lớn trong số họ về ăn ở với nhân dân địa phương quanh khu vực. Thế nhưng, các thiết chế văn hóa ở các địa phương rất ít dành cho họ.

Chỉ luôn là khách mời

Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), các hoạt động văn hóa thể thao được cả huyện và các xã duy trì, phát động khá thường xuyên.

Nhưng CNLĐ ở các DN thì chỉ có thể được tham dự với tư cách là… khách mời của một số giải đấu thể thao hay liên hoan văn nghệ nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Còn những hoạt động thường xuyên thì không tới lượt.

Lý giải cho vấn đề này, một Chủ tịch CĐCS ở KCN Phú Nghĩa cho rằng, CNLĐ hiện còn quá ít thời gian dành cho các hoạt động vui chơi giải trí. Đa số các DN đều huy động họ làm việc khoảng 10 tiếng đến 12 tiếng mỗi ngày.

Vì thế, họ chỉ còn thời gian để nghỉ ngơi phục hồi thể lực sau ngày làm việc vất vả chứ không còn nghĩ đến bất cứ việc gì khác.

Họ còn phải chịu thiệt thòi nữa là các DN không muốn hoặc chỉ dành rất ít thời gian cho các hoạt động ngoài SX của CN, bởi đương nhiên, đích của các chủ DN là hiệu quả SXKD chứ không phải thành tích trong những hoạt động khác.

CĐCS ở các DN dù có muốn tạo điều kiện cho CNLĐ được thay đổi tình hình, nhưng do không có quyền nên cũng chỉ “dám” nhẹ nhàng lựa chọn thời điểm đề xuất, góp ý với chủ DN.

Vừa qua, hàng ngàn CN Cty Freetrend, Cty Nissei đã háo hức với đêm diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn” của 2 đội mình trong sân chơi “Giờ thứ 9” do Đài Truyền hình TPHCM phối hợp cùng Cung Văn hóa Lao động TP, CĐ các KCX-KCN TP tổ chức nhân “Tháng công nhân”.

Hồ hởi cổ vũ, chị Vũ Thị Hường – CN Cty Freetrend – chia sẻ: “Nhìn các bạn thi diễn mà mình vui quá, ước gì tháng nào, tuần nào cũng có những chương trình như vậy cho mình đi cổ vũ”.

Địa điểm và thời gian: Lý do muôn thuở

Hiện nay, xu hướng của các KCN-KCX là hướng CN vào các nhà lưu trú (NLT) để tiện chăm lo đời sống tinh thần cho NLĐ với nhiều hỗ trợ cho CN như báo chí, tivi, một số NLT còn có Internet…

Tuy nhiên, thực tế số lượng NLT và hình thức của một số nơi lại không đáp ứng được nhu cầu thực của CNLĐ. Với số lượng CN lớn như hiện nay, nhưng toàn TP chỉ có khoảng 15 NLT, giải quyết chỗ ở cho khoảng 3% NLĐ và không phải ai cũng được ở.

“Phải là người độc thân, phải được Cty ký xác nhận, vào NLT ở thì không được nấu ăn, không được tiếp bạn trong phòng, không đi quá 23h…

Nghe những quy tắc đó tôi cũng hết muốn vào, muốn có nơi ở thoải mái, nhưng gò bó quá thì cũng chịu, ở vậy không thoải mái” – chị Quyên – CN KCX Tân Thuận – cho biết.

Anh Huỳnh Khuê – cán bộ chuyên trách CĐ Cty Domex Việt Nam, KCX Linh Trung – trăn trở: “Chúng tôi cũng muốn giúp đỡ anh em, nhưng một phần vì nhiều Cty, CBCĐ chỉ làm bán chuyên trách, hơn nữa cần có kinh phí, thời gian, không có hai thứ đó làm cái gì cũng khó. Đối với những CB bán chuyên trách như tôi, chỉ cần vận động được anh em yên tâm công tác, làm việc thì xem như cũng đã hoàn thành nhiệm vụ rồi”.

Ông Nguyễn Việt Cường – Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM – cho rằng: “Cái khó lớn nhất hiện nay trong công tác chăm lo đời sống tinh thần cho CNLĐ chính là thiếu địa điểm và khó bố trí được thời gian, hoặc vào mùa mưa thì các hoạt động vui chơi cũng xem như “tắt”.

Tìm hiểu hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong CNVCLĐ cho thấy còn nhiều yếu kém, bất cập. Nhiều CBCĐ phản ánh rằng, việc đầu tư chỉ đạo về cơ sở vật chất cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nhất là ở các KCN-KCX, các DN ngoài nhà nước chưa được quan tâm đúng mức.

Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, thiếu thốn… Trong khi đó, đội ngũ CB quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa trong CNVCLĐ còn thiếu, năng lực trình độ, nghiệp vụ hạn chế…

Ông Đinh Quốc Toản – Chủ tịch CĐ các KCN-KCX Hà Nội – cho biết, trong các KCN-KCX Hà Nội, mới có 3/8 KCN có điểm sinh hoạt văn hóa và chưa có nhà văn hóa nào trong toàn KCN.

Các điểm sinh hoạt văn hóa ít ỏi này không đáp ứng xuể nhu cầu của gần 140.000 CNLĐ. Khu chung cư dành cho CN tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội), sau giờ cơm nước rảnh rang thì cùng nhau xem tivi tại phòng sinh hoạt chung của khu chung cư.

Khá hơn là CN ở các DN có điểm sinh hoạt văn hóa như Cty Canon VN, Cty Meiko… được tham gia nhiều hoạt động giải trí lành mạnh (không mất tiền) và phù hợp với thời gian làm việc của họ.

Chẳng hạn Cty Canon VN thuê các nhà chuyên môn dạy hát, múa, luyện tập TDTT cho CN nên anh chị em hào hứng tham gia.

Nhìn chung, các điểm sinh hoạt văn hóa (không do DN đầu tư) chưa thu hút được nhiều CN tìm đến, bởi sự nghèo nàn về cơ sở vật chất và hình thức sinh hoạt chưa phong phú, không hấp dẫn. Mặt khác, thiếu cả đội ngũ CB quản lý, CB chuyên môn.