09/06/2016 4:17:03

Công việc kỹ thuật không khô khan

Khi tiếp xúc với anh Nguyễn Văn Hà, Phó ca Sản xuất, Nhà máy Chế tạo ống thép  (PVPIPE) trực thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam, chàng trai sinh năm 1987 này sẽ khiến bạn cảm thấy thích thú, vì khi mọi người đều nghĩ rằng, công việc kỹ thuật của anh là một công việc khô khan.

5 năm 8 tháng gắn bó với PVPIPE, anh Hà vẫn nhớ như in ngày đầu khi về PVPIPE làm việc, khi đó nhà máy là một bãi đất hoang chỉ có sú vẹt và dừa nước. Ban đầu anh Hà được phân công làm việc tại Phòng Kỹ thuật sản xuất, nên được cử công việc giám sát san lấp mặt bằng.

ANH HA0

Anh Nguyễn Văn Hà

Trong 5 năm công tác, anh đã trải nghiệm qua rất nhiều vị trí, ban đầu là cán bộ kỹ thuật của Phòng Sản xuất,  sau này khi  nhà máy đi vào khâu lắp máy và chuyển giao công nghệ, anh lai được chuyển sang làm kỹ sư giám sát chất lượng, và hiện tại, anh công tác tại Phòng Sản xuất và phụ trách giám sát mối hàn.

Khi nói đến giám sát mối hàn, dường như ai cũng nghĩ đó là việc bình thường, nhưng với một công ty đặc thù như PVPIPE là sản xuất các đường ống phục vụ cho các công trình công nghiệp lớn đặc biệt là các công trình dưới biển. Chính vì vậy, việc giám sát các mối hàn là một công việc hết sức quan trọng. Mặc dù các mối hàn ở PVPIPE đều được tự động hóa, tuy nhiên phải kiểm soát được công nghệ là điều kiện tiên quyết vì chỉ cần sai một thông số sẽ khiến dây chuyển phải dừng hoạt động và kiểm tra.

Khi chúng tôi hỏi anh từ đâu có ý tưởng để thực hiện hai đề tài: “Cải tiến chức năng tự động tính toán lốc trên máy lốc 3 trục” được công nhận mức 1 và đề tài “Giải pháp kiểm soát đường kính ống trong sản xuất hàng loạt và tính toán thông số hàn tại PVPIPE” được công nhận mức 2 cấp Hội đồng Khoa học Công nghệ – PV Gas anh chia sẻ rằng: Trước khi có hai đề tài này, PVPIPE phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, vật tư, thiết bị để tính toán các thông số sao cho có thể kiểm soát được chất lượng các mối hàn.

Chính vì vậy anh mới suy nghĩ đưa ra một thông số để mô phỏng trước được các điều kiện hàn để khi có yêu cầu về hàn sản phẩm thì sẽ tính toán được dựa trên lý thuyết, để đưa ra được các thông số hàn.  Và anh đã xin hỗ trợ nhiều vật tư hàn và tiến hành hàn thử nghiệm không biết bao nhiêu mối hàn để xây dựng cơ sở dữ liệu cho nhà máy, và lập trình được chương trình mô phỏng thông số hàn cho đơn vị. Và cho đến thời điểm này, chương trình đã khá hoàn thiện và có áp dụng được vào sản xuất của nhà máy. Tiết kiệm hơn 600 triệu đồng cho đơn vị.