Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại Tờ thông tin kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:
Câu 1: Ngày 01/01/2007, Công ty A và anh B ký hợp đồng lao động thứ nhất có thời hạn 12 tháng. Ngày 01/01/2008, hai bên tiếp tục ký hợp đồng lao động thứ hai không xác định thời hạn. Ngày 01/08/2015, anh B đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không thực hiện việc báo trước cho Công ty. Tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi anh B thôi việc là 5.000.000 đồng/tháng. Công ty đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho anh B liên tục từ ngày 01/01/2009 đến ngày 31/7/2015. Hỏi, khi tính trợ cấp thôi việc Công ty A phải chi trả cho anh B như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012: “3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”.
Căn cứ Điều 41 Bộ luật Lao động 2012: “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này”.
Trong trường hợp này, anh B đang làm việc cho Công ty A theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn nên anh B có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo cho Công ty A biết trước ít nhất 45 ngày. Ngày 01/08/2015, anh B đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không thực hiện việc báo trước cho Công ty nên anh A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
– Căn cứ khoản 1 Điều 43 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
- Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
…”.
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP[1]:
“2. Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động theo các hợp đồng lao động. Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng do người lao động đơn phương chấm dứt trái pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật sa thải thì thời gian làm việc theo hợp đồng lao động cuối cùng không được tính trợ cấp thôi việc. Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo Khoản 1 Điều này trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng”.
Theo đó, vì anh B và Công ty A đã ký liên tiếp 2 hợp đồng và hợp đồng lao động thứ hai (hợp đồng lao động không xác định thời hạn) do anh B đơn phương chấm dứt trái pháp luật nên thời gian làm việc theo hợp đồng lao động thứ hai (từ ngày 01/01/2008 đến hết ngày 31/7/2015) không được tính hưởng trợ cấp thôi việc.
Như vậy, trợ cấp thôi việc đối với anh B được tính như sau:
– Thời gian làm việc để tính hưởng trợ cấp thôi việc của anh B đối với hợp đồng lao động thứ nhất (từ ngày 01/01/2007 đến hết ngày 31/12/2007) là: 01 năm.
– Số tiền Công ty A chi trả trợ cấp thôi việc cho anh B là: 01 năm x 5.000.000 đồng/tháng x 1/2 = 2.500.000 đồng.
Câu 2: Trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH?
Trả lời:
Căn cứ điểm 1.7 khoản 1 Điều 38 Mục 2 Quyết định số 959/QĐ-BHXH[2]:
“1.7. …
Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT”.
Như vậy, đối với trường hợp người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì Công ty và người lao động không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN tháng đó.
Văn phòng Tư vấn pháp luật