Những ngày cuối tháng 4 năm 2016, chúng tôi may mắn được là một trong những thành viên của Đoàn Công tác số 9 do đồng chí Đào Đức Toàn – Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội làm Trưởng đoàn, Phó Đô đốc Đinh Gia Thật – Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Hải quân làm Phó Trưởng đoàn gồm 194 đại biểu đi thăm, tặng quà và động viên quân dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Thành phần tham gia chuyến công tác lần này có sự góp mặt của các đại biểu của thành phố Hà Nội, tỉnh Điện Biên, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Thái Bình, Câu lạc bộ “Vì biển đảo quê hương” Trung ương Đoàn, Hội Cựu Chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (51 đại biểu) và Bộ Tư lệnh Hải quân.
Trước khi tàu rời bến, Đoàn Công tác đã tổ chức nghiêm túc việc thông tin tình hình, phổ biến kế hoạch chuyến công tác và quán triệt đầy đủ các quy định về công tác thông tin tuyên truyền; công tác đảm bảo an toàn cũng như các tiêu chuẩn chế độ quy định đối với các thành viên trong Đoàn Công tác. Phát động thi đua trong toàn đoàn với chủ đề “3 nhất, 1 nghiêm”, với phương châm “chu đáo, ân tượng, an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” chuyến công tác tại Trường Sa, Nhà giàn DK1 năm 2016. Đúng 8h00 ngày 27/4/2016, Đoàn Công tác số 9 đã rời Cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh để theo tàu HQ 561 của Bộ Tư lệnh Hải quân ra thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa. Tàu HQ 561 là loại tàu chuyên dụng, được trang bị hiện đại, điều kiện ăn, nghỉ và các hoạt động trên tàu tốt.
Chúng tôi luôn mơ ước được đặt chân lên Trường Sa, những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để được mang hơi ấm từ đất liền đến với các chiến sỹ đang ngày đêm đứng giữa biển trời canh giữ biển đảo quê hương của đất nước. Thế là ước muốn của chúng tôi đã thành hiện thực và Trường Sa không còn là những hình ảnh qua báo chí hay qua truyền hình nữa mà đã hiện hữu rất thật và rất sống động trước mắt tôi.
Sau 02 ngày vượt trùng khơi và vạn con sóng dữ, đúng 07h00 ngày 29/4/2016 con tàu HQ 561 đã đưa Đoàn Công tác số 9 đặt chân lên đảo Đá Lát, điểm đến đầu tiên của đoàn. Đá Lát nhỏ bé giữa biển cả mênh mông nhưng kiên cường bất khuất. Sự mệt mỏi đã nhanh chóng tan biến khi Trưởng tàu thông báo các thành viên xuống xuồng nhỏ đi vào đảo. Bước chân rời xuồng là lên tới nhà, ngôi nhà không sân, không vườn và không cả lối đi, nhưng nhờ tình yêu và lòng quyết tâm của những người lính đảo mà nơi đâu trên đảo cũng thấy rõ sự sống bất diệt, rau vẫn xanh và hoa vẫn nở trên đá giữa biển khơi trập trùng. Nằm ở cực Tây Nam của quần đảo Trường Sa, đảo chìm Đá Lát không chỉ là cửa ngõ từ đất liền ra biển Đông mà còn là khu vực cửa ngõ từ Nhà giàn DK1 đi lên. Đây còn là nơi gần với tuyến đường hàng hải quốc tế có số lượng tàu thuyền quốc tế qua lại rất đông. Đây cũng là vùng ngư trường truyền thống của ngư dân các tỉnh miền Trung. Giữa muôn trùng sóng nước, đời sống của các bộ chiến sĩ tuy đã được cải thiện nhiều song vẫn còn không ít khó khăn.
Đoàn đại biểu hội CCB Tập đoàn Dầu khí QGVN
Rời đảo chìm Đá Lát, trở về tàu để tiếp tục chuyến hải trình thăm hỏi, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sống và làm việc trên đảo Trường Sa lớn, chúng tôi nhớ mãi lời một chiến sỹ khẳng định: Chúng tôi luôn đoàn kết, trên dưới một lòng, ngày đêm sát cánh bên nhau để giữ gìn toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại đảo Trường Sa lớn, Đoàn Công tác tham dự Lễ chào cờ và hát quốc ca, hát quốc ca bao giờ cũng xúc động, nhưng hát quốc ca trên đảo Trường Sa lớn giữa biển trời bao la của Tổ quốc mình đã để lại trong mỗi con người chúng tôi niềm tự hào và một xúc cảm thiêng liêng không thể nào quên. Sau Lễ chào cờ Đoàn Công tác đã đi thăm viếng và dâng hương tại Nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và nghĩa trang nơi yên nghỉ của 02 liệt sỹ mà họ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau đó cả đoàn chia thành các tổ đi xuống các cụm chiến đấu thăm hỏi, động viên bộ đội; tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Buổi tối, đội văn nghệ xung kích của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tổ chức biểu diễn, giao lưu văn nghệ. Văn nghệ ở đảo thực sự là giao lưu, khách hát tặng chủ nhà, chủ nhà hát tặng khách rồi chủ nhà và khách cùng hát, qua những bài hát đó chúng tôi hiểu trong sâu thẳm người chiến sỹ là tình yêu gia đình, non sông đất nước và tình yêu ấy mãnh liệt tới mức để ngày đêm họ đứng đây, vững vàng nơi đảo xa, gìn giữ quê nhà. Đúng 21h30 Đoàn Công tác rời đảo Trường Sa lớn, gần 200 chiến sỹ và nhân dân trên đảo đã ra tiễn Đoàn Công tác, cảm xúc chia tay thật là khó diễn tả và chúng tôi chỉ nói được “cảm ơn các anh, giữ gìn sức khỏe nhé” trong cái bắt tay nghẹn ngào xúc động.
Công đoàn DKVN tặng quà cán bộ, chiến sĩ của đảo Đá Lát
Từ ngày 30/4 đến ngày 3/5/2016 Đoàn Công tác tiếp tục đến thăm các đảo Phan Vinh, Tốc Tan (A, C), Tiên Nữ, Thuyền Chài, An Bang và Nhà giàn DK1. Tại đảo chìm Tiên Nữ, nơi cực Đông của quần đảo Trường Sa, có nghĩa cũng là cực Đông của Tổ quốc, là đảo xa nhất, có vị trí rất quan trọng trong quần đảo Trường Sa đang được Hải quân nhân dân Việt Nam đóng giữ. Từ đảo Tiên Nữ đến các đảo Tốc Tan, Núi Le, Phan Vinh và một số đảo ở phía Nam của quần đảo Trường Sa khoảng cách không xa, thuận tiện cho việc trao đổi thông tin, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các đảo và là địa chỉ tin cậy của ngư dân các địa phương ra đánh bắt hải sản trong khu vực này. Vì vậy, thành phố Hà Nội quyết định xây dựng nhà văn hóa đa năng tại đây với số tiền 35 tỷ đồng để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Sau khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành điểm tránh bão, tiếp nhiên liệu trong trường hợp khẩn cấp… cho tàu thuyền ngư dân hoạt động trên vùng biển, cũng như các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Vì vậy, công trình có ý nghĩa rất thiết thực.
Đặc biệt, trong buổi vào thăm đảo An Bang là ấn tượng nhất. Việc tiếp cận được đảo là rất khó khăn, đoàn công tác không thể đến đảo bằng xuồng máy mà phải dùng xuồng kéo. Anh em cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đã phải lao mình xuống biển để kéo xuồng, đưa đoàn công tác vào đảo. Nhìn cảnh các chiến sĩ dầm mình dưới nước, sóng táp qua đầu, chỉ chờ cơ hội thuận lợi là nhảy ra đón từng người lên đảo mà các đại biểu của Đoàn Công tác rưng rưng cảm động, mến phục. Và khi chia tay, những cánh tay lại đưa ra để đẩy xuồng của Đoàn công tác ra phía ngoài biển. Chúng tôi cảm giác mỗi cánh tay, mỗi bước chân được đưa ra là chúng tôi lại phải xa dần đảo. Đó là hình ảnh rất linh thiêng, tình cảm, hết sức xúc động.
CĐDKVN tặng quà các cháu nhỏ trên đảo Trường Sa
Tại Nhà giàn DK1/14, sinh hoạt của các cán bộ chiến sỹ trên các đảo tuy có vô vàn những khó khăn, nhưng nếu so sánh với các chiến sĩ Nhà giàn DK1 thì những khó khăn đó chưa thấm gì. Chúng tôi khâm phục các chiến sỹ nơi đây, vì Nhà giàn nằm giữa biển, cao chênh vênh, mọi sinh hoạt diễn ra trong vài chục mét vuông, từ ngày này qua ngày khác. Đâu đó còn vang lên lời của Bác Hồ: “Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển của ta dài, tươi đẹp ta phải biết giữ gìn” (Lời Bác Hồ đã nói vào ngày 15/3/1961 khi đến thăm Quân chủng Hải quân).
Trong hải trình thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Đoàn Công tác đã tổ chức 02 lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với nghi lễ trang nghiêm trong niềm xúc động sâu sắc, trước anh linh của những cán bộ, chiến sỹ hải quân đã anh dũng hy sinh vì biển đảo của Tổ quốc mà cho đến hôm nay hình hài các anh vẫn còn nằm lại nơi biển sâu. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới các anh, kính mong các anh yên nghỉ trong muôn trùng sóng nước biển đông.
Chia tay các chiến sỹ quần đảo Trường Sa
Hầu hết các thành viên Đoàn Công tác mới lần đầu ra thăm đảo xa, song đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn vất vả, khắc phục nắng, nóng, tích cực tham gia các hoạt động trên biển, trên các đảo và Nhà giàn DK1. Thông qua chuyến đi, các thành viên trong Đoàn Công tác được trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc hơn về chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc; thấy được sự thay đổi to lớn của Trường Sa trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân và sự đồng hành chia sẻ, ủng hộ giúp đỡ của nhân dân cả nước; tự hào và khâm phục trước sự hy sinh của cán bộ, chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió, đồng thời tin tưởng vào ý chí vươn lên khắc phục khó khăn gian khổ và sự quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc thân yêu. Qua đó, các thành viên trong Đoàn Công tác nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của mình để có thêm nhiều hành động thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1; đồng thời đề cao trách nhiệm tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành, các địa phương trong việc khẳng định chủ quyền, xây dựng và phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo góp phần xây dựng quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 ngày càng mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về quan hệ quân dân.
Cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa, Đoàn Công tác đã trực tiếp mang nhiều món quà rất ý nghĩa tặng quân và dân trên đảo, Nhà giàn DK1 và Tàu HQ 561. Tổng giá trị quà hiện vật và tiền mặt trao tặng là 37 tỷ 457 triệu đồng, trong đó Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trao tặng với hiện vật và tiền mặt với giá trị là 618 triệu đồng (Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng hiện vật và thẻ Viettel với giá trị 30 triệu đồng).
Đúng 10h30 ngày 05/05/2016, Đoàn Công tác số 9 đặt chân lên Cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc 9 ngày với hải trình hơn 1.109 hải lý. Đoàn Công tác đã thăm 9 đảo, điểm đảo và Nhà giàn DK1/14.
Đoàn Công tác thả hoa tưởng niệm trên quần đảo Trường Sa
Trường Sa, hai tiếng thiêng liêng và rất đỗi tự hào của bất cứ người dân đất Việt nào khi đặt chân đến đây. Ai đã từng đến Trường Sa dù một lần cũng có thể đong đầy cảm xúc và những câu chuyện về Trường Sa sẽ mãi mãi là những kỉ niệm đẹp, đáng nhớ. Những câu chuyện, những kỷ niệm sẽ không thể tải hết điều cần nói về Trường Sa, nhưng cũng sẽ rút ngắn khoảng cách giữa đảo xa với đất liền. Mỗi khi nhắc đến quần đảo Trường Sa, mọi người sẽ tự nhủ với chính mình: “Không xa đâu Trường Sa ơi!”, câu hát nằm lòng ít nhất với ai đã từng một lần đặt chân đến Trường Sa.
Hải Yến – Văn Tá (Công đoàn Dầu khí Việt Nam)