Sau khi Nghị định 60/NĐ-CP được ban hành năm 2013, lãnh đạo PVEP đã đề nghị công đoàn đưa vào chương trình hội nghị người lao động (NLĐ) hằng năm và đã triển khai thực hiện một cách có hiệu quả. Tổ đại diện đối thoại của NLĐ được bầu do Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) trực tiếp phụ trách đã và đang được hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tế, đã phối hợp tốt với chính quyền mà trực tiếp là Tổng giám đốc để tiến hành đối thoại định kỳ.
Quan hệ lao động hài hòa
Mục tiêu của đối thoại tại nơi làm việc là nhằm trao đổi thông tin, thông báo kế hoạch, kết quả sản xuất kinh doanh, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của NLĐ, tuyên truyền luật pháp, chế độ chính sách mới. Để làm được điều này, trước tiên, việc đối thoại phải xây dựng được quy chế đối thoại và phải bám sát nội dung của Nghị định 60/NĐ-CP cũng như tình hình thực tế tại doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Mạnh Kha phát biểu tại hội nghị |
Đối thoại tại nơi làm việc phải trên nguyên tắc thiện chí, bình đẳng, hợp tác, công khai và minh bạch, tập trung vào các nội dung như tình hình sản xuất kinh doanh; việc thực hiện hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; điều kiện làm việc… cũng như các nội dung khác mà hai bên cùng quan tâm.
Đối thoại với người sử dụng lao động không ngoài mục đích hướng đến mục tiêu lâu dài là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ. Vì vậy, người tham gia đối thoại đại diện cho NLĐ phải là những người có năng lực, trình độ, hiểu biết và có kiến thức về Luật Lao động, Luật Công đoàn, có khả năng thuyết trình, thuyết phục hoặc phản biện mang tính xây dựng để cuộc đối thoại đạt kết quả mong muốn.
Thêm vào đó việc chuẩn bị nội dung đối thoại cũng rất quan trọng, Công đoàn phải tổ chức tốt việc lấy ý kiến NLĐ về những nội dung cần đưa ra đối thoại để tổng hợp ý kiến tham gia trước khi đối thoại. Những nội dung mới phát sinh cần trao đổi thống nhất với người sử dụng lao động trước khi diễn ra đối thoại và khi kết thúc buổi đối thoại cần phải có biên bản đối thoại ghi rõ nội dung nào đã thống nhất, biện pháp thực hiện, những nội dung còn có ý kiến khác nhau chưa thống nhất cần bàn bạc giải quyết tiếp…
Tất cả những điều đó tạo nên sự hài hòa những mong muốn của NLĐ, người sử dụng lao động; đồng thời tạo nên sự minh bạch, giảm sự hiểu lầm hoặc hiểu chưa đúng và xây dựng lòng tin giữa NLĐ và người sử dụng lao động, khuyến khích NLĐ yên tâm làm việc đem lại hiệu quả cao và gắn bó với doanh nghiệp hơn. Đó là giải pháp tốt nhất nhằm tháo gỡ những xích mích trong quan hệ lao động, tránh những hậu quả về tranh chấp lao động, đơn thư khiếu kiện trong doanh nghiệp, góp phần tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa NLĐ và người sử dụng lao động đồng nghĩa với việc xây dựng mối quan hệ hài hòa ổn định và phát triển tại doanh nghiệp.
Trước mỗi kỳ đối thoại Công đoàn PVEP đều lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ tất cả các công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, sau đó tổng hợp, chọn lọc những nội dung cơ bản, cần thiết phục vụ cho cuộc đối thoại và tùy theo tình hình công đoàn có thể tiến hành trao đổi trước với Tổng giám đốc trước khi đối thoại. Do vậy các cuộc đối thoại định kỳ giữa tổ đại diện NLĐ và Tổng giám đốc đều diễn ra trong một không khí thẳng thắn, cởi mở và bình đẳng.
Qua cuộc đối thoại, NLĐ trong PVEP nắm chắc được tình hình sản xuất kinh doanh, những thuận lợi khó khăn của PVEP trong từng giai đoạn đồng thời cũng biết rõ những đề xuất, kiến nghị từ phía NLĐ được giải quyết đến đâu, những điểm gì mà công đoàn, tổ đại diện cùng Tổng giám đốc sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm biện pháp giải quyết do vậy NLĐ thêm tin tưởng vào công đoàn, vào tổ đại diện đối thoại mà họ bầu ra.
Qua 2 năm thực hiện quy chế đối thoại định kỳ, có thể nói tập thể cán bộ, nhân viên và NLĐ PVEP đã thu được những kết quả rất đáng tự hào: quy chế dân chủ cơ sở, sự công khai minh bạch trên mọi lĩnh vực được phát huy; NLĐ hăng hái thi đua trong lao động sản xuất, trong phong trào phát huy sáng kiến sáng chế cải tiến kỹ thuật và thực hành tiết kiệm do vậy trong những năm qua PVEP luôn hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn; danh hiệu “Anh hùng Lao động” và danh hiệu “Doanh nghiệp vì NLĐ” mà PVEP đã vinh dự đón nhận là minh chứng tiêu biểu nói lên điều đó.
Kịp thời – hiệu quả
Vào thời điểm giá dầu thô giảm sâu và kéo dài, PVEP cũng như các doanh nghiệp thăm dò khai thác (E&P) dầu khí gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Từ đó các doanh nghiệp trên thế giới và cả Việt Nam đều lên kế hoạch tiết giảm chi phí sản xuất, dừng giãn các dự án thăm dò và khai thác dầu khí. Đặc biệt hàng ngàn lao động ngành Dầu khí có nguy cơ phải nghỉ việc, chờ việc. Trước tình hình đó, việc tổ chức đối thoại với NLĐ là sự cần thiết, đáp ứng nhu cầu chính đáng của NLĐ.
Người lao động PVEP tại giàn Đại Hùng 01 |
Ý thức được tình hình đó, ngày 4-3-2016, Công đoàn PVEP đã tổ chức Hội nghị đối thoại với NLĐ tại hai điểm cầu trực tuyến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Lãnh đạo cùng toàn thể NLĐ PVEP đã tỏ rõ quyết tâm chung lưng đấu cật, không để bất cứ NLĐ nào mất việc làm.
Thay mặt lãnh đạo công ty, Tổng giám đốc Ngô Hữu Hải đã trả lời ngay lập tức những vấn đề mà NLĐ PVEP đưa ra; đồng thời đề ra nhiều giải pháp để giải quyết. Trong đó có những vấn đề liên quan trực tiếp tới NLĐ như giảm thu nhập thì phải giảm như thế nào, giảm bao nhiêu, lộ trình giảm thu nhập ra sao, nếu cả hai vợ chồng cùng làm tại PVEP thì công ty sẽ hỗ trợ tạo việc làm cho một trong hai để đảm bảo kinh tế gia đình hay không, vấn đề về bảo hiểm nhân thọ…
Tổng giám đốc đã giải đáp thỏa đáng 8 nhóm câu hỏi do Chủ tịch Công đoàn PVEP Nguyễn Văn Cư cùng đại diện NLĐ tại hai điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đưa ra về mọi phương diện từ kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính, an sinh xã hội, tiền lương, bảo hiểm, chế độ tiết kiệm của lãnh đạo, cần hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như thế nào và mục tiêu trong năm 2016 của PVEP.
Trước sức quy tụ lòng người của lãnh đạo PVEP, tập thể NLĐ tổng công ty đã bày tỏ quyết tâm chung lưng đấu cật, thắt chặt đoàn kết, tăng cường lao động sáng tạo, chấp nhận giảm thu nhập để không phải sa thải bất cứ một đồng nghiệp nào.
Có thể nói, việc đối thoại dựa trên nguyên tắc thiện chí, bình đẳng, hợp tác, công khai và minh bạch là một việc làm rất cần thiết để làm tăng sức mạnh, củng cố mối quan hệ lao động hài hòa giữa NLĐ và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp, yếu tố quan trọng để đảm bảo sự thành công của doanh nghiệp.
Riêng tại PVEP, việc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc thực sự đã mang lại dấu ấn đối với NLĐ, đó là sự phối hợp tốt với chính quyền để nắm thông tin chung về sản xuất kinh doanh, khó khăn và thuận lợi để từng bước giải quyết các kiến nghị, đề xuất hợp lý của NLĐ để NLĐ yên tâm cống hiến hết mình, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
PV