Ngay sau Lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và UBND tỉnh Quảng Nam, chiều ngày 27/3, đoàn công tác của PVN do Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn dẫn đầu đã đến kiểm tra thực địa tại hai khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và Chu Lai (Quảng Nam).
Tham gia đoàn còn có các Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hùng Dũng, Lê Mạnh Hùng, cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc PVN và cơ quan chức năng của PVN.
Tại Khu kinh tế Dung Quất, đoàn đã đến kiểm tra thực địa tiến độ triển khai Dự án mở rộng và nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất; khảo sát các địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy xử lý khí và điện khi mỏ Cá Voi Xanh đi vào khai thác.
Tại hiện trường, đoàn công tác đã kiểm tra cụ thể, đánh giá sơ bộ những thuận lợi và khó khăn khi triển khai xây dựng các dự án mới. Trao đổi với Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn đã đề nghị Ban quản lý với chức năng là cơ quan quản lý và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, phối hợp chặt chẽ với PVN lựa chọn địa điểm tối ưu nhất để khi Dự án được triển khai là xúc tiến xây dựng được ngay.
Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn kiểm tra khu vực mở rộng, nâng cấp NMLD Dung Quất |
Về tiến độ mở rộng và nâng cấp NMLD Dung Quất, Tổng Giám đốc yêu cầu lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ngãi, mà trực tiếp là Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm cho dự án triển khai đúng thời gian.
Đoàn đã đến kiểm tra thực địa vị trí được tỉnh Quảng Nam lựa chọn xây dựng Nhà máy khi dự án mỏ khí Cá Voi Xanh được triển khai. Với tinh thần tạo thuận lợi nhất cho dự án, tỉnh Quảng Nam đã chủ động phân tích, lựa chọn vị trí được coi là thuận lợi nhất, bảo đảm khi có chủ trương triển khai là có mặt bằng sạch để xây dựng được ngay.
TGĐ PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn trao đổi với lãnh đạo PVN và lãnh đạo các đơn vị
Trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu và Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai Đỗ Xuân Diện, Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh đến sự lan tỏa khi Nhà máy xử lý khí và điện được xây dựng tại đây.
Với tinh thần hợp tác toàn diện UBND tỉnh Quảng Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị của PVN khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy khi được phê duyệt. Hai bên cam kết cùng phối hợp chặt chẽ làm việc với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những vướng mắc để dự án sớm được triển khai.
Được biết, Mỏ khí Cá Voi Xanh ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỷ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ – thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại. Theo kế hoạch, Dự án sẽ do Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ làm nhà điều hành. Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi. 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88km nối vào bờ biển Chu Lai. Trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí; một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600MW – 700MW. Các nhà máy trên dự kiến vận hành vào năm 2023.
Cả hai nhà máy xử lý khí và điện này sẽ đặt tại huyện Núi Thành. Một nhà máy điện nữa cũng sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi (trong Khu kinh tế Dung Quất) với quy mô đầu tư tương tự nhà máy điện ở Quảng Nam và hoàn thành vào năm 2023. Tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9 – 10 tỷ m3, trong đó dành 1 tỷ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.
Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu |
Sau khi hoàn thành, đưa vào vận hành, dự án dự kiến sẽ nộp ngân sách Nhà nước 3.900 tỷ đồng/năm. Nhà máy điện 2 tổ máy sẽ nộp ngân sách Nhà nước dự kiến 600 tỷ đồng/năm. Ngoài việc tạo một nguồn thu ngân sách Nhà nước rất lớn, dự án còn góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Lâm Quý (theo Năng lượng Mới)