Có dịp đi nhiều nơi, đến nhiều công trình trọng điểm của ngành, bất cứ nơi đâu, đọng lại trong chúng tôi luôn là sự ngưỡng mộ về một niềm đam mê, tinh thần hăng say của những người lao động Dầu khí… Trong đó không thể không kể đến sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo như đã trở thành một nét “văn hóa” của tuổi trẻ Dầu khí Việt Nam.
Lần đầu tiên gặp mặt tại ở Nhà máy Xử lý khí (GPP) Dinh Cố, nếu không biết trước có lẽ chúng tôi chẳng thể nào tin được kỹ sư Bùi Công Hưng đã làm việc tại nhà máy được ngót nghét 13 năm.
Ấn tượng của chúng tôi lúc ấy về anh là nét mặt nghiêm nghị nhưng hiền hòa, thể hiện nên sự chân chất, thật thà chẳng lẫn vào đâu được của những người đến từ vùng sông nước miền Tây.
Kỹ sư Bùi Công Hưng – Phó quản đốc Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu – đơn vị thành viên của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) |
Là Phó quản đốc, nên việc quản lý công tác bảo dưỡng sửa chữa thường xuyên, duy trì hoạt động vận hành nhà máy liên tục, an toàn và hiệu quả đối với anh Hưng là nhiệm vụ hàng đầu. Ý thức được trách nhiệm nặng nề và cũng để không phụ sự kỳ vọng từ ban lãnh đạo công ty, kể từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, anh Hưng vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Hằng năm duy trì 100% độ tin cậy của hệ thống xử lý khí, hoàn thành 100% công tác bảo dưỡng sửa chữa đột xuất, 100% công tác bảo dưỡng ngăn ngừa, độ tin cậy của các thiết bị ảnh hưởng hiệu quả thu hồi sản phẩm lỏng luôn đạt trên 99,9%…
Anh Hưng cũng là một trong số cán bộ tham gia lập kịch bản, chuẩn bị phương án cô lập, giảm áp các thiết bị và phương án khởi động lại nhà máy sau bảo dưỡng đảm bảo an toàn tuyệt đối. Do công tác phối hợp chuẩn bị tốt nên đã rút ngắn thời gian cô lập, bàn giao thiết bị sớm, phối hợp kiểm soát chặt chẽ tiến độ… giúp nhà máy vận hành trở lại sau bảo dưỡng an toàn, hiệu quả sớm hơn kế hoạch trong nhiều năm liền, góp phần làm lợi trên 70 tỉ đồng cho công ty.
Anh Hưng nói, do đặc thù công nghiệp khí với nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại, hoạt động liên tục ở điều kiện nhiệt độ, áp suất cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ lớn… nên công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học trong vận hành, bảo dưỡng sửa chữa, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được ban lãnh đạo nhà máy chú trọng hàng đầu.
Tuy nhiên, theo anh, chỉ cần là một người có ý thức lao động tốt, dù ở bất kể ngành nghề nào, cũng đều tự giác tư duy sáng tạo để nâng cao năng suất, hiệu quả cho công việc của mình.
Anh Hưng lý giải: Sự sáng tạo là vô giới hạn. Nói đến sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều người cho rằng, đó là một việc gì đó cao siêu, hàn lâm… nhưng thực ra, ngay cả một người công nhân lao động bình thường cũng có khả năng sáng tạo. Cái chính là người lao động ấy có “nhiệt huyết” hay không.
Nếu nhiệt huyết với công việc của mình, thì dù chỉ là một người thợ hàn, thợ điện, thợ xây… cũng có thể mày mò tìm hiểu, vắt óc suy nghĩ xem mình có cách nào thực hiện công việc nhanh chóng và ít mất sức hơn không. Và một khi tìm ra giải pháp cũng có nghĩa anh ta đã sáng tạo thành công.
Trong các bài giảng của mình, kỹ sư Bùi Công Hưng luôn lồng ghép nhiều câu chuyện hay, kích thích sự đam mê sáng tạo cho đội ngũ trẻ của nhà máy sau này. Bởi ngoài công tác chuyên môn, anh còn tham gia công tác đào tạo kỹ thuật cho nội bộ cán bộ, nhân viên, người lao động công ty; các khóa chuyên đề về quản lý an toàn cho cán bộ quản lý của các đơn vị thuộc tổng công ty.
Chúng tôi không quá ngạc nhiên khi tình cờ biết được anh cũng chính là một trong những cá nhân tích cực nhất trong các phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở nhà máy. Sáng kiến điển hình nhất của anh có thể kể đến việc cải tiến chế độ vận hành nhà máy so với thiết kế, giúp “thu hồi tối đa lượng sản phẩm lỏng trong các đợt dừng khí tại GPP”.
Để chúng tôi hiểu rõ hơn, anh Hưng giải thích: Trong các đợt dừng máy bảo dưỡng định kỳ, bộ phận bảo dưỡng sẽ tiến hành vệ sinh làm sạch bên trong tất cả các thiết bị như bình, bồn, tháp chưng cất… Để thực hiện phải cô lập, xả toàn bộ chất lỏng bên trong thiết bị. Toàn bộ lượng lỏng này còn chứa một lượng LPG và condensate có thể thu hồi. Để tận thu toàn bộ lượng lỏng đưa vào chế biến trước khi dừng nhà máy, anh cùng nhóm tác giả đã nghiên cứu tìm cách thu hồi tối đa lượng LPG và condensate.
Giải pháp nhóm tìm ra đã góp phần giúp tăng thu hồi được 335 tấn LPG, 100 tấn condensate mỗi ngày trong thời gian lưu lượng khí vào nhà máy giảm, mang lại hiệu quả tương đương 270.000 USD/ngày. Sáng kiến này cũng làm tăng tính linh hoạt và hiệu quả cho nhà máy vận hành ở các chế độ khác nhau, phù hợp với các biến động khai thác khí ngoài khơi.
Anh đã cùng nhóm tác giả đề xuất giải pháp vận hành trong điều kiện áp suất khí đầu vào nhà máy thấp, áp dụng trong năm 2012 và 2013 đã góp phần làm lợi khoảng 1.026.895USD, tương đương 21.56 tỉ đồng. Giải pháp vận hành này sẽ được tiếp tục áp dụng tại GPP trong các đợt dừng khí hằng năm hoặc giàn nén trung tâm dừng đột xuất, đảm bảo tiếp nhận toàn bộ lượng khí ẩm cung cấp vào bờ với áp suất thấp hơn áp suất vận hành thông thường.
13 năm kinh nghiệm trong nghề, những ý tưởng, sáng kiến của anh trong công việc gần như là “không đếm được”. Theo anh, sự may mắn lớn nhất mà anh có được đó là các cấp lãnh đạo, các đoàn thể, đặc biệt là các đồng nghiệp đang làm việc cùng anh trên công trình khí đã luôn tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên anh rất nhiều. Chính điều đó khiến anh cảm thấy được ngọn lửa nhiệt huyết nơi mình luôn vững sáng.
Vì sự nỗ lực không mệt mỏi và những kết quả đạt được trong nhiều năm công tác, kỹ sư Bùi Công Hưng đã được PV Gas công nhận là Chiến sĩ thi đua cơ sở trong 3 năm liền; được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua do Bộ Công Thương trao tặng. Ngoài ra anh cũng hai lần được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương; Bằng khen của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; đạt danh hiệu Đoàn viên Công đoàn Dầu khí tiêu biểu và được đề cử xét tặng giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015”.
Chia sẻ về những phần thưởng, danh hiệu được nhận, anh Hưng chân thành bộc bạch: “Là một người lao động, những ý tưởng của tôi ban đầu đều nhằm mục đích phục vụ cho công việc của mình đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, khi những sáng kiến, nghiên cứu của mình áp dụng thành công, đem lại lợi ích và được ban lãnh đạo các cấp công nhận, tôi thật sự rất xúc động…”. Bên cạnh niềm tự hào, anh cảm thấy mình còn phải phấn đấu nhiều hơn, có trách nhiệm hơn để góp phần nhỏ bé cho sự phát triển của Công ty Chế biến khí Vũng Tàu nói riêng và PV Gas nói chung, để xứng đáng với những danh hiệu mà ngành trao tặng.
Có thể thấy, từ các phong trào thi đua, PV Gas đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu đến từ các đơn vị như: Công ty Chế biến khí Vũng Tàu, Công ty Khí Cà Mau, Công ty Quản lý Dự án khí, Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ, Công ty Dịch vụ khí… Công tác khen thưởng cũng luôn được PV Gas quan tâm đúng mức, kịp thời, đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy các phong trào thi đua ở các đơn vị; có tác dụng động viên, lôi cuốn, khuyến khích các tập thể, cá nhân phát huy hết năng lực của mình; đặc biệt là ở lớp thế hệ trẻ – những hạt nhân của các phong trào thi đua, đại diện cho thế hệ lao động mới có trí tuệ, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với “ngọn lửa” sáng tạo không bao giờ tắt trong tim.
Nguyên Phương