01/01/2025 10:36:33

Giải đáp pháp luật tháng 11/2024

Câu 1.

Trách nhiệm của người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được quy định như thế nào?

Trả lời:

Quyền của người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 11 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (Luật số 41/2024/QH15 ban hành ngày 29/6/2024) như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội có trách nhiệm sau đây:

a) Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này;

b) Theo dõi việc thực hiện trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình;

c) Thực hiện việc kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ thông tin theo đúng quy định về đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội.

2. Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục, quy định khác về hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Hoàn trả tiền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định việc hưởng không đúng quy định;

c) Định kỳ hằng năm, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền để thực hiện việc xác minh thông tin đủ điều kiện thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.”

 

Câu 2.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở tại đơn vị, doanh nghiệp là những hành vi gì?

Trả lời:

Căn cứ Điều 9 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở tại đơn vị, doanh nghiệp là những hành vi sau:

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

1. Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

3. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức.

5. Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.

Câu 3.

Hội nghị người lao động do bên nào đứng ra tổ chức và chủ trì hội nghị tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp?

Trả lời:

Căn cứ Điều 51 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì hội nghị người lao động được tổ chức tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như sau:

“Điều 51. Tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

1. Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị tổ chức.

Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm công tác của cơ quan, đơn vị nhưng không chậm hơn 03 tháng của năm công tác tiếp theo do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định sau khi lấy ý kiến của Công đoàn cơ quan, đơn vị.

Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tổ chức bất thường khi có đề xuất của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này.

2. Thành phần dự hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quy định như sau:

a) Đối với cơ quan, đơn vị có tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ít hơn 100 người, thì tổ chức hội nghị toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm đ khoản này;

b) Đối với cơ quan, đơn vị có tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ 100 người trở lên hoặc có ít hơn 100 người nhưng làm việc phân tán trên địa bàn rộng hoặc vì lý do nghiệp vụ không thể bỏ vị trí làm việc, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị thống nhất với Công đoàn cơ quan, đơn vị quyết định thành phần tham dự hội nghị là toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoặc đại biểu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị;

c) Hội nghị được tổ chức hợp lệ khi có ít nhất là hai phần ba tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị hoặc ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu được triệu tập có mặt. Nghị quyết, quyết định của hội nghị được thông qua khi có trên 50% tổng số người dự hội nghị tán thành và nội dung không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội;

d) Đối với các cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc, khi tổ chức hội nghị có thể mời người đứng đầu và đại diện Ban Chấp hành Công đoàn của các cơ quan, đơn vị trực thuộc nếu thấy cần thiết;

đ) Cơ quan, đơn vị có từ 07 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở xuống có thể tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nếu thấy cần thiết.

3. Nội dung của hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bao gồm:

a) Kiểm điểm việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị;

b) Kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước đó và những quy định về thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị;

c) Đánh giá, tổng kết và kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch công tác hằng năm;

d) Tổng kết phong trào thi đua, xét khen thưởng và bàn, thống nhất nội dung thi đua năm tiếp theo; thống nhất nội dung giao ước thi đua;

đ) Thảo luận và quyết định các nội dung quy định tại Điều 49 của Luật này;

e) Thực hiện các nội dung về công khai thông tin; lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về những nội dung quy định tại Điều 53 của Luật này;

g) Thực hiện các công việc khác theo quyết định của hội nghị.

4. Trình tự tổ chức hội nghị được thực hiện như sau:

a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị trình bày báo cáo về các nội dung quy định tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều này;

b) Đại diện Công đoàn cơ quan, đơn vị báo cáo về các nội dung quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; kết quả giám sát, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị;

c) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham dự hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến, đề xuất, kiến nghị (nếu có);

d) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Công đoàn cơ quan, đơn vị tiếp thu, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với các nội dung thuộc thẩm quyền, bàn các biện pháp cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, các biện pháp thực hiện kế hoạch công tác năm tiếp theo của cơ quan, đơn vị;

đ) Đại diện Ban Thanh tra nhân dân trình bày báo cáo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong năm và chương trình công tác năm tiếp theo;

e) Hội nghị quyết định các nội dung quy định tại Điều 49 của Luật này (nếu có);

g) Tổ chức khen thưởng cá nhân, tập thể của cơ quan, đơn vị có thành tích trong công tác; phát động phong trào thi đua;

h) Ký kết giao ước thi đua giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với tổ chức công đoàn;

i) Thông qua nghị quyết hội nghị”.

Câu 4.

Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, doanh nghiệp bị cấm thực hiện các hành vi gì?

Trả lời:

Căn cứ theo Điều 12 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì các hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động được quy định như sau:

– Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.

– Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

– Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.

– Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động.

– Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.

– Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.

– Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.

Câu 5.

Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định như thế nào về các nguồn thu của tài chính công đoàn và tài chính công đoàn dùng để chi trả các khoản gì?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 26 Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì nguồn thu của tài chính công đoàn và tài chính công đoàn được sử dụng như sau:

Điều 26. Tài chính công đoàn

1. Công đoàn thực hiện quản lý, sử dụng tài chính theo quy định của pháp luật. Tài chính của Công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

a. Đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng hằng tháng bằng một phần trăm (1%) tiền lương.

b. Kinh phí công đoàn do đơn vị sử dụng lao động đóng theo quy định của pháp luật.

c. Ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ.

d. Các nguồn thu khác: Thu từ hoạt động kinh tế của Công đoàn, các hoạt động văn hóa, thể thao; các đề tài, đề án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

2. Tài chính công đoàn dùng để chi trả các khoản sau đây:

a. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

b. Tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

c. Phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

d Tổ chức phong trào thi đua do Công đoàn phát động.

đ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng người lao động ưu tú tạo nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn.

e. Tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cho người lao động.

g. Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn để phục vụ đoàn viên công đoàn và người lao động.

h. Tổ chức hoạt động về giới và bình đẳng giới.

i. Thăm hỏi, trợ cấp đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động.

k. Động viên, khen thưởng người lao động, con của người lao động có thành tích trong học tập, công tác.

l. Trả lương cán bộ công đoàn chuyên trách, phụ cấp trách nhiệm cán bộ công đoàn không chuyên trách.

m. Chi hoạt động của bộ máy công đoàn các cấp.

n. Các nhiệm vụ chi khác.

……………………………………”.

Nguyễn Mạnh Cường