Bản lĩnh người lao động Dầu khí Việt Nam được tôi luyện mạnh mẽ qua các thế hệ kể từ khi thành lập ngành đến nay. Nền tảng “sản sinh” ra những phẩm chất tốt đẹp (trí tuệ, dũng cảm, đoàn kết, kiên định) chính là niềm tự hào, thôi thúc các thế hệ lao động cống hiến hết mình “Vì sự nghiệp dầu khí”.
Người lao động dầu khí dũng cảm bám biển “Vì sự nghiệp dầu khí” (Ảnh: Trường Sơn Nguyễn) |
Từ lớp thế hệ đầu tiên tham gia khởi tạo ngành, trải qua bao thăng trầm đi cùng lịch sử dân tộc, đến thế hệ lao động trong thời đại hiện nay, tất cả đều nuôi dưỡng niềm tự hào được đóng góp công sức vào ngành công nghiệp năng lượng quan trọng của quốc gia. Chính điều đó đã thôi thúc cán bộ công nhân viên dầu khí ra sức xây dựng, cống hiến với lý tưởng cao nhất “Vì sự nghiệp dầu khí”.
Trong những ngày tháng hướng về Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 – 27/11/2024), phóng viên đã có cuộc trò chuyện với các thế hệ người lao động dầu khí để ghi lại những tâm tư, chia sẻ.
Nhân chứng lịch sử từ thế hệ người Dầu khí đầu tiên
Là thế hệ cán bộ, người lao động đầu tiên tham gia ngành dầu khí ngay sau năm đầu thành lập ngành, ông Nguyễn Đức Tuấn, nguyên Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam, nguyên Ủy viên HĐQT Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – Petrovietnam) vẫn tràn đầy khí thế rạo rực khi được hỏi về những kỷ niệm khi còn công tác.
Dù năm nay đã bước sang tuổi 83, nhưng ông Tuấn vẫn nhớ như in từng mốc thời gian được đứng trong hàng ngũ Dầu khí Việt Nam. Bước vào ngành năm 1962, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Tuấn đã có 42 năm hiến dâng cả cuộc đời cho ngành Dầu khí Việt Nam, do vậy từng giai đoạn Petrovietnam chuyển mình cùng lịch sử dân tộc đều được ông này khắc ghi trong tâm trí.
Nhân chứng lịch sử cho thời kỳ đầu xây dựng ngành, ông Tuấn hồi tưởng: “Tôi là lứa cán bộ kỹ thuật đầu tiên tham gia đoàn khảo sát địa chất đóng ở Bắc Ninh, được học tập kinh nghiệm các chuyên gia Liên Xô giúp Việt Nam thăm dò dầu khí, sau đó cùng anh em lăn lộn thực địa, gắn bó với môi trường cùng công nhân dầu khí thời kỳ đó”.
Ông Nguyễn Đức Tuấn – thế hệ cán bộ kỹ thuật dầu khí đầu tiên (Ảnh: Phương Thảo) |
Nhớ lại thời điểm đó, ông Tuấn cho biết, khi còn đang học Trung cấp kỹ thuật II – Hà Nội đã nghe thấy Việt Nam chuẩn bị tìm kiếm dầu khí, ông và những cán bộ được chọn đều rất phấn khởi khi bước chân vào một ngành hoàn toàn mới, nhưng cũng bỡ ngỡ vì chưa có thế hệ đi trước để học hỏi kinh nghiệm. “Kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ lúc đó đều được tiếp thu từ các chuyên gia Liên Xô. Phong cách làm việc cũng được cảm hóa, thấm nhuần năng lượng vào bản thân mỗi con người chúng tôi”, ông Tuấn tâm sự.
Những cán bộ hành chính đầu tiên cũng được tuyển chọn từ nơi khác về đều rất phấn khởi, dù cơ chế tiền lương lúc đó các ngành như nhau. Tâm lý hồ hởi, phấn khởi đã tạo nên một một bầu khí sôi sục, từ đó gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua các khó khăn, thử thách. Lứa cán bộ đầu tiên đã trở thành xương cốt ngành dầu khí lúc bấy giờ.
“Cùng lúc đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng đang ở giai đoạn khốc liệt, do đó, người lao động dầu khí chúng tôi hiểu rằng mình đang đóng góp vào chính cuộc kháng chiến của đất nước. Chúng tôi ở trong dân, ăn ngủ cùng dân, dân che chở, thậm chí việc thăm dò đôi lúc làm đồng ruộng, vách nhà bị nứt vỡ cũng được người dân rất thông cảm, họ hiểu đây là công việc của đất nước. Thời điểm này, anh em dầu khí không có nhà cửa, lương cao nhưng tự nhận thức thấy mình phải đóng góp, cống hiến hết mình cho ngành. Điều này đã kiến tạo nên tinh thần người lao động trong ngành: Tất cả vì sự nghiệp dầu khí”, ông Tuấn chia sẻ.
Không chỉ tham gia lao động sản xuất xây dựng ngành công nghiệp năng lượng cho đất nước theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỏi, một bộ phận người lao động dầu khí còn trực tiếp ra chiến trường, đóng góp xương máu cho cuộc kháng chiến. Những người may mắn còn sống sau chiến tranh tiếp tục quay trở lại cống hiến cho ngành. Đó là lý do Petrovietnam đã thành lập Hội Cựu Chiến binh trong Tập đoàn.
Trong tiềm thức của ông Tuấn, ngành dầu khí đã có sự thay đổi lột xác vào thời điểm chuyển chức năng quản lý nhà nước về Bộ Công nghiệp nặng (lúc đó) và hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển về Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nay là Petrovietnam. Điều này đã tạo ra động lực mới, giúp Petrovietnam định hình và duy trì nhiệm vụ xuyên suốt một quá trình, từ vài trăm người thời điểm mới thành lập đến đội ngũ hùng hậu ngày nay.
Lực lượng lao động dầu khí trưởng thành cùng sự phát triển của ngành
Nhờ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ cấp trên giao, ông Tuấn được xem xét đưa vào quy hoạch nhiều chức vụ: Đoàn trưởng Đoàn Địa vật lý lúc bấy giờ, được Tổng cục Dầu khí chọn là đơn vị thi đua xuất sắc nhất. Sau đó, ông được đưa vào đào tạo lâu dài cho cán bộ ngành dầu khí.
Sau khi được cử đi học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc trong 2 năm, ông Tuấn về Tổng cục Dầu khí đảm nhiệm các chức vụ: Vụ phó Vụ Lao động tiền lương; Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ phó Vụ tổ chức nhân sự và Trưởng phòng Nhân sự Tổng công ty Dầu khí lúc bấy giờ, làm công tác tham mưu lãnh đạo chuẩn bị đội ngũ cán bộ, nhân lực cho ngành.
“Chặng đường 42 năm gắn bó với ngành của tôi có phần lớn thời gian làm việc với con người dầu khí. Nếu nói có thể hiểu hết về ngành là tham lam nhưng tôi đã sống và hòa nhập cùng cán bộ công nhân viên trong ngành”, nguyên Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Nguyễn Đức Tuấn bộc bạch.
Theo ký ức của ông Tuấn, thời kỳ đó, công tác cán bộ khác so với thời nay, việc quan trọng nhất là tìm ra nguồn lực đáp ứng nhu cầu của ngành, xây dựng đội ngũ cùng nhịp với ngành. Tuy đi sau nhưng dầu khí Việt Nam là ngành tiếp thu, ứng dụng tất cả những thành tựu kinh tế công nghiệp đã có mà vươn lên trước, do đó đội ngũ cán bộ phải trải qua tuyển chọn gắt gao để đáp ứng nhu cầu.
Người lao động dầu khí nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu của ngành và đất nước (Ảnh: Trường Sơn Nguyễn) |
Đến năm 1991, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, dầu khí Việt Nam cũng chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Bối cảnh đó đã phát sinh ra hàng loạt vấn đề mới bao gồm cả sự chuyển đổi về tâm tư, nguyện vọng người lao động. Ngành dầu khí ngày càng phát triển, yêu cầu hợp tác quốc tế ngày càng cao, do vậy trình độ người lao động đòi hỏi phải bắt kịp tiến bộ của thế giới. Uy tín của Petrovietnam được đánh giá xứng tầm với công ty dầu khí của các nước lớn, đòi hỏi xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu mới.
Ngành đã mở các trường đại học, cao đẳng, liên kết với những trường đại học khác (Bách Khoa, Mỏ địa chất, các trường kinh tế), cử cán bộ đi học tập ở nước ngoài để phục vụ công tác đào tạo, lựa xét hồ sơ, tuyển chọn kỹ lưỡng. Về mặt tư tưởng, công tác tổ chức, xây dựng chế độ lương, thu nhập cũng thay đổi, để người lao động yên tâm cống hiến.
Nhằm đáp ứng những đòi hỏi trên, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra đời, gắn kết tất cả người lao động dầu khí trên mọi nẻo đất nước thành một khối đoàn kết, thống nhất, kịp thời lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, nhất là vào những giai đoạn chuyển mình đầy phức tạp, đòi hỏi sự nhạy cảm, kịp thời thích ứng.
Ông Nguyễn Đức Tuấn lúc đó đã được giao làm Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tiên. Công đoàn Dầu khí có 3 chức năng, gồm: Chăm lo đời sống người lao động, xây dựng quản lý và xây dựng hệ thống mạnh mẽ. Công đoàn ngành đã chọn mục tiêu hoạt động cao nhất của tổ chức là vì sự phát triển ổn định ngành dầu khí và duy trì đến hiện nay. Người lao động dầu khí từ đó càng thêm phấn khởi, tin tưởng, tự hào đóng góp cho ngành khi có điểm tựa là Công đoàn Dầu khí.
Nền tảng “sản sinh” ra những phẩm chất tốt đẹp của người lao động dầu khí chính là niềm tự hào được đóng góp vào nền kinh tế quốc dân (Ảnh: Trường Sơn Nguyễn) |
Tiếp tục khẳng định bản lĩnh thời đại mới
Niềm tự hào được cống hiến cho ngành dầu khí, đóng góp công sức vào xây dựng đất nước vẫn sục sôi trong từng người lao động Petrovietnam ngày nay. Điển hình, Petrovietnam đã thu hút được nhiều cán bộ, người lao động xuất sắc viết tiếp những trang sử của cha ông.
Từ bỏ mức lương hàng tỷ đồng ở một doanh nghiệp nước ngoài, năm 2020, ông Nguyễn Hữu Hùng quyết định chọn Petrovietnam, cụ thể là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) với vai trò là Phó Trưởng Ban Kỹ thuật để cống hiến, xuất phát từ mong muốn đóng góp thiết thực cho ngành năng lượng Việt Nam.
Trước khi về Petrovietnam, ông Hùng đã có thời gian dài làm việc cùng với các tập đoàn nước ngoài lớn trong lĩnh vực năng lượng, như tập đoàn AES của Hoa Kỳ, Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc, Tập đoàn Marubeni của Nhật … với mức thu nhập hằng năm từ lương có thể cao hơn nhiều lần so với hiện tại.
“Tuy nhiên, tôi nhận ra giá trị lớn nhất không chỉ nằm ở thu nhập hay danh tiếng, mà là đích đến của những công hiến, được đứng trong hàng ngũ Petrovietnam nuôi dưỡng niềm tự hào đóng góp công sức xây dựng ngành dầu khí và xa hơn là ngành năng lượng Việt Nam. Hơn nữa, tôi có cơ hội tạo ra những thay đổi mang tầm ảnh hưởng. Petrovietnam với vai trò tiên phong trong ngành dầu khí và điện lực, đã mang lại cho tôi cơ hội áp dụng kinh nghiệm quốc tế để nâng cao hiệu quả quản lý kỹ thuật, bảo dưỡng sửa chữa và vận hành tại các nhà máy điện trong nước”, ông Hùng tâm sự.
Ông Nguyễn Hữu Hùng (áo đỏ) cùng các chuyên gia nước ngoài tại Nhà máy điện Vũng Áng 1 |
Chia sẻ về động lực lớn nhất để quyết định gắn bó với ngành dầu khí và điện lực dầu khí, ông Hùng nhìn nhận chính là tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành này tại Việt Nam. Dù rời bỏ mức lương cao ở nước ngoài, nhưng “anh cán bộ kỹ thuật” Hữu Hùng luôn cảm nhận được niềm hứng khởi khi được làm việc trong môi trường mà những nỗ lực của mình có thể mang lại sự thay đổi tích cực cho đất nước.
Tại Petrovietnam, ông Nguyễn Hữu Hùng trực tiếp tham gia các chương trình chuyển đổi số, đưa ra các ý tưởng và triển khai thực tế. Ông đã cùng đội ngũ đưa vào sử dụng các phần mềm tiên tiến như OSIsoft PI và Power BI, tích hợp các ý tưởng vào phần mềm để tính toán và giám sát các KPIs trọng điểm về hiệu năng của các nhà máy điện, hệ thống thiết bị, tiết kiệm năng lượng và cải thiện hiệu suất… Những giải pháp đó đã giúp các nhà máy như Vũng Áng 1, Nhơn Trạch… tiết kiệm nhiều tỷ đồng, tối ưu hóa chi phí vận hành và giảm thiểu phát thải CO2.
Để tiếp tục phát huy truyền thống người lao động dầu khí, ông Hùng luôn tin rằng việc không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng và áp dụng công nghệ hiện đại là điều kiện tiên quyết. Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt áp dụng các giải pháp mới, đặc biệt trong chuyển đổi số và quản lý hiệu năng thiết bị.
“Ngoài ra, tôi cũng luôn đề cao tinh thần trách nhiệm và lý tưởng đóng góp cho đất nước, nuôi dưỡng tinh thần này không chỉ ở bản thân mà còn ở đội ngũ kỹ sư trẻ tại Petrovietnam. Sự đồng lòng này chắc chắn sẽ góp phần đưa ngành dầu khí nói chung, điện lực dầu khí nói riêng và Việt Nam vươn lên tầm cao mới, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai”, ông Nguyễn Hữu Hùng bày tỏ.
Có thể thấy phẩm chất người lao động dầu khí qua các các giai đoạn lịch sử vẫn giữ vững. Đặc biệt là niềm tự hào được đóng góp vào nền kinh tế quốc dân, đóng góp cho sự phát triển của ngành cùng tiến trình lịch sử đất nước.
Hiện nay, niềm tự hào đó càng lớn mạnh khi người lao động được làm việc trong một tập đoàn công nghiệp vững mạnh của đất nước, được thụ hưởng thu nhập tốt nhất không phải do chính sách ưu đãi mà do chính người lao động dầu khí nỗ lực tạo ra. Lịch sử đã chứng minh, thời kỳ nào, ngành dầu khí cũng có những người lao động đi đầu, thực hiện cho bằng được các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra với lý tưởng cao nhất là “Vì sự nghiệp dầu khí”.
Phương Thảo (Tạp chí PetroTimes)