Chiều ngày 8/7, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐDKVN) đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác nữ công 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015.
Kết quả hoạt động cho thấy, phong trào nữ công nhân viên chức lao động (NCNVCLĐ) trong ngành Dầu khí đã không ngừng khởi sắc và ngày càng khẳng định rõ tầm quan trọng trong sự nghiệp phát triển phụ nữ và công tác bình đẳng giới trong toàn ngành. Đạt được điều này, có sự đóng góp quan trọng của công tác nữ công ở các cấp.
Đến nay, hầu hết các đơn vị trong ngành đã thành lập Ban nữ công quần chúng và hoạt động nề nếp, tích cực. Mặc dù kiêm nhiệm, chưa có chế độ phụ cấp nhưng hơn 500 chị em làm công tác nữ công đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt huyết với phong trào, có năng lực, sáng tạo, đổi mới trong hoạt động và có khả năng vận động, thu hút NCNVCLĐ tham gia các hoạt động nữ công.
Chủ tịch CĐDKVN Nghiêm Thùy Lan phát biểu chỉ đạo hội nghị
Căn cứ vào công tác chuyên môn cũng như những đặc thù riêng của từng đơn vị, Ban nữ công CĐ các cấp đã tổ chức tốt các phong trào thi đua trong NCNVCLĐ như: phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo”, các phong trào thi đua chào mừng Ngày 8/3, Ngày gia đình Việt Nam… góp phần thúc đẩy NCNVCLĐ hăng hái thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần, động viên chị em yêu ngành, yêu nghề, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cùng với đó, nhờ sự tạo điều kiện của lãnh đạo CĐ, lãnh đạo chuyên môn, sự sáng tạo của Ban nữ công các cấp, chị em trong ngành còn có nhiều cơ hội để tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước. Công tác huấn luyện kỹ năng, tập huấn cho cán bộ CĐ, cán bộ nữ công cũng được các CĐ trực thuộc đặc biệt quan tâm. Nhiều chị em đã khắc phục hoàn cảnh, sắp xếp thời gian để đi học và đạt được kết quả cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức tốt tạo điều kiện thuận lợi cho chị em phấn đấu, cống hiến và phát triển, giúp nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ ngành Dầu khí trong xã hội ngày nay.
Toàn ngành hiện có hơn 15.800 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 24%. Đa phần chị em đều có phẩm chất chính trị tốt, trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nhân ái. Ở mỗi cương vị công tác chị em đều nỗ lực để cống hiến, sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc; góp phần quan trọng cho sự phát triển của đơn vị, của ngành và đất nước.
Trong công tác nữ công, việc đảm bảo thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của NCNVCLĐ được đặc biệt chú trọng. Sáu tháng đầu năm, tình hình việc làm của NCNVCLĐ toàn ngành cơ bản ổn định, không có nữ lao động mất việc làm, các điều kiện, môi trường lao động được đảm bảo, thu nhập bình quân của nữ lao động toàn ngành là 17 triệu đồng/người/tháng, giúp chị em yên tâm công tác, đảm bảo cuộc sống.
Các đơn vị tham gia thảo luận đóng góp ý kiến
Bên cạnh quan tâm, bảo vệ lợi ích chính đáng cho lao động nữ về các chế độ: thai sản, chăm sóc sức khỏe, ốm đau, nghỉ mát… Ban nữ công một số đơn vị còn tích cực tham mưu cho lãnh đạo CĐ để đề suất với lãnh đạo chuyên môn đưa vào thỏa ước lao động những chính sách có lợi hơn so với Luật cho lao động nữ như: Tổng công ty Dầu Việt Nam hỗ trợ cho nữ lao động sinh con với mức 4 triệu đồng/người/tháng trong 6 tháng; Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí có chính sách trợ cấp cho cả mẹ và con khi nữ lao động sinh con; Tổng công ty Khí Việt Nam có chính sách hỗ trợ lâu dài cho con của NCNVCLĐ không may mắn.
Đặc biệt, việc thực hiện tốt công tác thăm hỏi, động viên nữ lao động ốm đau, khó khăn ở các đơn vị; vận động và quản lý hiệu quả, thiết thực Quỹ “Vì phụ nữ khó khăn” và các quỹ khác, cũng như tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, hoạt động từ thiện xã hội của Ban nữ công… đã góp phần thiết thực tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái, của các chị em trong ngành Dầu khí, đồng thời góp phần khẳng định văn hóa dầu khí với người dân địa phương. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm Quỹ “Vì phụ nữ khó khăn” đã hỗ trợ cho gần 300 nữ lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo với số tiền 983 triệu đồng. Ban nữ công CĐ ngành cũng đã tiếp nhận và làm thủ tục đề nghị Quỹ bảo trợ trẻ em CĐVN hỗ trợ mổ tim, hở hàm ếch cho con CNVCLĐ trong ngành. Ban nữ công các CĐ trực thuộc cũng làm tốt việc quyên góp quỹ hỗ trợ chị em khó khăn ở đơn vị và các hoạt động từ thiện ở địa phương.
Bên cạnh báo cáo những kết quả hoạt động của công tác nữ công trong ngành, tại hội nghị, lãnh đạo CĐ, Ban nữ công các đơn vị đã cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về công tác tác nữ công, việc tổ chức các phong trào NCNVCLĐ tại đơn vị mình. Chương trình thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nhiệt tình, thể hiện tinh thần xây dựng, cũng như trách nhiệm, cái tâm của những người làm công tác CĐ với người lao động nói chung và với sự phát triển của phong trào phụ nữ trong ngành nói riêng. Qua ý kiến của các đơn vị, lãnh đạo CĐDKVN và Ban Tuyên giáo – Nữ công CĐ ngành đã ghi nhận và giải đáp những vướng mắc, khó khăn trong công tác nữ công ở các đơn vị, đạt được sự đồng thuận cao của lãnh đạo CĐ cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nghiêm Thùy Lan, Chủ tịch CĐDKVN đánh giá cao hiệu quả, tính thiết thực của công tác nữ công trong toàn ngành và mong muốn các đơn vị phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục đổi mới, sáng tạo đưa phong trào NCNVCLĐ trong ngành lên tầm cao mới.
Đồng chí Nghiêm Thùy Lan cũng lưu ý Ban nữ công các đơn vị về một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, trong đó yêu cầu Ban nữ công các cấp tiếp tục sâu sát nắm bắt tình hình đời sống nữ lao động ở đơn vị mình, để chăm lo tốt và kịp thời hỗ trợ cho những trường hợp gặp khó khăn; tích cực tìm kiếm, phát hiện, giới thiệu chị em có năng lực, trình độ cho cấp ủy để bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm; thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ để CĐ cấp trên nắm bắt tốt hơn hoạt động ở cơ sở nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động CĐ cũng như công tác nữ công ở các cấp.
Mai Phương