Ngày 5/9, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) để nghiên cứu, đánh giá việc ứng dụng công nghệ đồng hợp Malik trong xây dựng chiến lược.
Tham dự buổi làm việc về phía Petrovietnam có đồng chí Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy; đồng chí Bùi Minh Tiến, Thành viên HĐTV; đồng chí Đỗ Chí Thanh, Phó Tổng Giám đốc; cùng đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn.
Tại buổi làm việc, TS. Dương Thu, Viện trưởng SLEADER đã giới thiệu, thông tin tới lãnh đạo Tập đoàn về công nghệ đồng hợp Malik và đề xuất một số hướng áp dụng trong triển khai xây dựng chiến lược tại Petrovietnam.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Công nghệ đồng hợp Malik là công nghệ độc quyền của Viện Malik, Thụy Sỹ, cho phép đồng bộ và tích hợp trí tuệ và cảm xúc cùng lúc của nhiều người nhằm giải quyết mọi vấn đề của tổ chức một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Ngay khi được ứng dụng vào thực tiễn, đồng hợp Malik được ví như là phát minh quản lý tương đương với việc phát minh ra điện thoại thông minh trong lĩnh vực viễn thông. Nhờ việc ứng dụng của nhiều lĩnh vực khoa học (Điều khiển học, tâm lý học và sinh học), đồng hợp đã vượt lên trên các công cụ thông thường trong quản trị doanh nghiệp, tổ chức và đã được thử nghiệm và kiểm chứng bằng hàng nghìn lần ở các tổ chức thuộc mọi lĩnh vực của xã hội và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ ở châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc…
Đại diện SLEADER trao đổi tại buổi làm việc |
Trong số các đơn vị thành viên của Petrovietnam đã có một số đơn vị ứng dụng và triển khai công nghệ đồng hợp Malik như Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Lãnh đạo Petrovietnam trao đổi tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Petrovietnam và đại diện các ban chuyên môn đã trao đổi, thảo luận với đại diện SLEADER về các vấn đề liên quan đến công nghệ đồng hợp Malik, các vấn đề cụ thể liên quan đến việc triển khai công tác xây dựng chiến lược của ngành Dầu khí, chiến lược của Petrovietnam trong thời gian tới. Các ý kiến đều thống nhất đánh giá đây là một công nghệ tiên tiến, có khả năng áp dụng phù hợp với Petrovietnam cũng như tại các đơn vị thành viên. Trong thời gian tới, lãnh đạo Petrovietnam mong muốn hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp triển khai cụ thể, mang lại hiệu quả cho Petrovietnam cũng như để phục vụ mục tiêu phát triển trong thời gian tới.
H.A (Tạp chí PetroTimes)