Là một trong những nhân chứng lịch sử, cũng là người góp công sức, trí tuệ làm nên lịch sử vẻ vang của ngành Dầu khí Việt Nam, cả cuộc đời ông Ngô Thường San là một chuỗi cống hiến không ngừng trên hành trình “tìm lửa và giữ lửa” cho sự phát triển của ngành và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
“Hành trình tìm lửa”: Gian khổ và vinh quang
Ngành Dầu khí Việt Nam đã trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển với những thành tựu lớn lao, nhưng cũng không ít những thăng trầm, như thời kỳ trước khi phát hiện và khai thác tấn dầu trong tầng chứa móng nứt nẻ, nhiều người từng khuyên đừng tiếp tục “ném tiền qua cửa sổ” để đầu tư vào Dầu khí…; Nhưng vượt qua tất cả, “những người đi tìm lửa” đã làm nên kỳ tích, mở đường cho sự phát triển ngành dầu khí Việt Nam với những thành công vang dội, đầy tự hào, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước.
Ông Ngô Thường San |
Năm 1976, ông Ngô Thường San chuyển công tác từ Viện Khoa học Việt Nam sang Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt, ở phía Nam gọi là Công ty Dầu khí Nam Việt Nam, phụ trách kỹ thuật của công ty. Sau đó, khi thành lập Vietsovpetro năm 1980, ông được giao làm Phó Tổng Giám đốc Liên doanh phụ trách địa chất, tìm kiếm, thăm dò, khai thác nói chung. Đây cũng là khoảng thời gian để lại những dấu ấn, cảm xúc mạnh mẽ nhất trong ông với những năm tháng “đi tìm lửa” đầy gian lao nhưng rất đỗi vinh quang của người Dầu khí.
Ông San kể lại, khi xây dựng phương án thăm dò, khai thác với Liên Xô, đặt ra vấn đề nếu làm theo tuần tự từ công tác tìm kiếm rồi đến thăm dò, đánh giá trữ lượng, thẩm lượng mỏ, sau đó mới tổ chức khai thác thì sẽ rất lâu, mất khoảng 7-8 năm, trong khi đó Việt Nam cần và muốn có dầu sớm để tự chủ về năng lượng và vựt dậy kinh tế đất nước sau chiến tranh. Giai đoạn này đất nước lại đang gặp khủng hoảng năng lượng rất trầm trọng vì ngay cả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì trong nước luôn có 2 triệu tấn dầu, 1 triệu tấn do Liên Xô giúp ở phía Bắc và 1 triệu tấn của Mỹ ở miền Nam. Đến năm 1975 thì chỉ còn 1 triệu tấn của Liên Xô, mà Liên Xô lúc đó cung cấp không đầy đủ nên vấn đề năng lượng cho nhu cầu cuộc sống và sản xuất rất nan giải và cấp bách. Bên cạnh đó, lúc bấy giờ cũng không có điều kiện để làm theo tuần tự bởi Liên Xô không có đầy đủ thiết bị, không có giàn khoan di động và cũng không có ngoài tệ để thuê tư bản và bị cấm vận không làm được. Do đó, trong phát triển mỏ Bạch Hổ chúng ta đã bỏ qua giai đoạn, chỉ dựa trên những tài liệu không đầy đủ đã có trước đó của công ty Mobil (Mỹ) và kết quả khảo sát lại sơ bộ để chính xác hóa vị trí và quyết định xây dựng 2 giàn liên tiếp là MSP-1 và MSP- 2 để bắt đầu khoan với mục đích vừa thăm dò vừa khai thác. Đây là những giàn khai thác cố định, có nghĩa là không di chuyển đi nơi khác được, nên nếu không phát hiện ra dầu thì xem như lãng phí đầu tư.
Cũng bởi vấn đề rút ngắn quy trình, nên khi khoan những giếng đầu tiên, không phát hiện dầu hoặc cho dầu với sản lượng thấp, chỉ 4 đến 5 tháng sau áp suất đầu giếng tụt xuống rất nhanh thì Vietsovpetro phải đối mặt với áp lực rất lớn của dư luận. Phía Nga lúc đó có phong trào gọi là “Đổi mới” xóa bỏ những công trình không mang lại hiệu quả và truy cứu trách nhiệm của những người lập phương án đầu tư trước đó.
Các lãnh đạo là người Nga trong Đoàn chuyên gia thành lập Báo cáo đầu tư lúc đó về nước cũng bị truy cứu trách nhiệm, bị kỷ luật, cách chức,… Trong nước, Liên doanh không bị áp lực từ các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng không tránh khỏi những điều tiếng từ bên ngoài, những đánh giá hết sức khó khăn từ dư luận, nên một số công việc cũng bị đình chỉ, giảm khối lượng, nhiều cán bộ Việt Nam trong Liên doanh bị rút ra trở lại miền Bắc để làm công việc khác.
“Nhìn những ngọn lửa dầu khí cứ trở nên ngày một leo loét trên các đuốc, một tâm lý hoang mang cực độ hình thành mà không ai nói ra, bởi trong tình huống lúc đó tình hình kinh tế Việt Nam hết sức khó khăn, mọi nguồn lực đều dồn cho Dầu khí, đặt ra áp lực rất lớn. Lúc đó nhiều anh em ví tôi như Từ Hải chết đứng giữa Biển Đông, khi sản lượng dầu từ trăm tấn xuống chỉ còn vài chục tấn/ngày mà chỉ qua vài tháng khai thác. Trong khi những giếng khoan sau đó không có nhiều kết quả”, ông San nhớ lại.
Phía Nga có rất nhiều áp lực và ta cũng thế, đặc biệt điều mong đợi nhất của đất nước khi hợp tác với Liên Xô là có dầu để công nghiệp hóa, làm bàn đạp để phát triển kinh tế. Kế hoạch của đất nước năm 1990 xây dựng dựa trên dầu khí để phát triển rất lớn. Nhưng với lượng dầu tìm được rất ít như vậy, nếu tiếp tục khai thác thì đến năm 1990 chúng ta cũng chưa đạt được 1 triệu tấn dầu. “Áp lực rất lớn, nhiều đồng chí cho rằng không có dầu, đầu tư như thế là thất bại, không biết sẽ đi đâu về đâu, nên báo cáo nhà nước đừng tiếp tục ném tiền qua cửa sổ ở Vietsovpetro”.
Những năm tháng tìm dầu tại mỏ Bạch Hổ (ảnh: tư liệu Vietsovpetro) |
Sau này khi tìm thấy dầu trong móng granit nứt nẻ, theo ông San nó có phần may mắn nhưng cũng là kết quả tất yếu của những đau đáu, kiên định không bỏ cuộc của anh em Vietsovpetro khi tiếp tục hành trình tìm kiếm, thăm dò tầng móng và đưa ra một quyết định táo bạo là khoan phá trở lại giếng BH-01.
Ông San kể lại, lúc đó khoảng 9h sáng ngày 6/9/1988, khi rửa giếng khoan trở lại bắt đầu chạm móng thì dầu phun lên rất mạnh, áp suất đầu giếng rất cao, đến mức đối áp là thiết bị chống phun lúc đó chỉ chịu áp suất 150 at hầu như không còn tác dụng. Khi ông San điện thoại báo cáo ra Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Trúc, lúc đó là Vụ trưởng Vụ 7, đối ngoại của Văn phòng Chính phủ, nhận điện rất ngỡ ngàng, dè dặt điện hỏi lại, “San ơi, lưu lượng dầu lên có đúng không, nhiều đồng chí Bộ Chính trị khi nghe chú báo cáo có dầu rất vui mừng, xúc động”.
Và khi dầu phun mạnh với áp lực lớn như vậy thì khai thác cũng không được mà đóng giếng cũng không dám, Vietsovpetro khi đó đã nghiên cứu và đưa ra quyết định táo bạo lần đầu tiên và duy nhất đến nay trong lịch sử khai thác dầu khí thế giới là cho khai thác từ cần khoan, chứ không phải từ ống khai thác như thông thường. Khai thác như vậy đến khoảng năm 1993 khi áp suất giảm xuống mức bình thường thì sửa chữa giếng bắt đầu chuyển sang chế độ khai thác theo quy trình.
Mỏ Bạch Hổ thuộc Lô 09-1 |
Đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới phát hiện và khai thác dầu trong đá móng granitoit, trước đó các dữ liệu khoa học đều cho thấy, đá granitoit, đá núi lửa thì không có vật chất hữu cơ để sinh dầu. Và qua công trình này, Việt Nam đem đến đóng góp quan trọng cho khoa học dầu khí thế giới khi xây dựng được hệ phương pháp để khai thác hiệu quả, tối ưu nhất tầng dầu trong đá móng nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với trữ lượng siêu cấp, riêng ở tầng móng trên 4 tỷ thùng và khai thác nhịp độ cao với sản lượng đỉnh trên 13 triệu tấn/năm. Kết quả này đã góp phần quan trọng giải quyết khủng hoảng năng lượng sau chiến tranh, vực dậy kinh tế đất nước, cũng là động lực tăng trưởng kinh tế khởi đầu thời kỳ đổi mới của đất nước và có những đóng góp quan trọng kéo dài cho đến tận ngày nay.
Với những đóng góp tích cực của cụm công trình khoa học “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong tầng đá móng granitoit trước Đệ tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” trong lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam, cũng như khoa học Dầu khí thế giới, ông San và nhóm tác giả được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho công trình này.
Xem tiếp kỳ sau…
Mai Phương (Tạp chí PetroTimes)