Trong chặng đường 49 năm từ khi thành lập, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đạt được nhiều vinh quang rực rỡ, nhưng cũng trải qua không ít thăng trầm. Trong đó, không thể không kể đến cuộc khủng hoảng có thể nói là trầm trọng, khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của Tập đoàn những năm 2015 – 2019, mà bằng những giải pháp quản trị, điều hành sáng tạo, hiệu quả, Petrovietnam đã đứng lên từ những sai lầm, vấp ngã để lấy lại đà tăng trưởng, tạo thế và lực mạnh như ngày hôm nay. Một trong những giải pháp đó là phát huy sức mạnh liên kết trong toàn Tập đoàn.
Ngoạn mục vượt khủng hoảng
Từ khoảng năm 2015, Petrovietnam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức dẫn đến khủng hoảng do giá dầu giảm sâu kéo dài; những hạn chế, khuyết điểm, sai phạm, những tồn tại trong giai đoạn trước từ các vụ việc, dự án yếu kém, từ sự phát triển nóng, xa rời cốt lõi… đã ảnh hưởng đến tư tưởng, niềm tin của người lao động, uy tín và thương hiệu Tập đoàn. Năm 2017, Petrovietnam đã từng báo cáo Thủ tướng Chính phủ bức tranh tài chính, dự báo đến năm 2019, Tập đoàn sẽ bị mất cân đối dòng tiền, lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn bủa vây với Petrovietnam cả về nguồn lực tài chính, nhân lực, đến khủng hoảng niềm tin ở các cấp, xã hội và trong cả người lao động.
Trong hoàn cảnh đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, chấn chỉnh và giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là công tác cán bộ, Petrovietnam đã thực hiện công cuộc cải tổ toàn diện, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển ổn định và lấy lại đà tăng trưởng; khôi phục niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tầng lớp nhân dân; tái tạo và nâng tầm văn hóa Dầu khí. Để đến hôm nay, người Dầu khí, ngành Dầu khí, Petrovietnam có thể tự hào với những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đất nước với vai trò trụ cột trong nền kinh tế, cũng như chiếm vị trí trọng yếu trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Liên kết phát huy nội lực trong công tác bảo dưỡng sửa chữa các công trình Dầu khí |
Trong 5 năm gần đây, Petrovietnam luôn có tăng trưởng cao về quy mô; trong đó: Tổng tài sản năm 2023 tăng 19% so với năm 2020; Tổng doanh thu năm 2023 tăng 81% so năm 2020 và bình quân hàng năm bằng 9-10% GDP của cả nước. Từ năm 2020 đến hết tháng 6/2024, tổng doanh thu toàn Petrovietnam đạt 3,6 triệu tỷ đồng; Nộp NSNN năm 2023 tăng 83% so với năm 2020, bình quân hàng năm đạt 9-9,5% tổng thu ngân sách của cả nước. Từ 2020 đến nửa đầu năm 2024, nộp NSNN toàn Petrovietnam đạt gần 600 nghìn tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 230 nghìn tỷ đồng.
Giá trị thương hiệu Petrovietnam năm 2023 đạt gần 1,4 tỷ USD (tăng gấp 3 lần so với năm 2019) với chỉ số sức mạnh thương hiệu ở mức AA-; liên tục góp mặt trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Tính đến hết năm 2023, Petrovietnam đã hoàn thành xuất sắc trước 2 năm kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ giao, đó là: Nộp NSNN và lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Ước đến hết năm 2024, Petrovietnam sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm về tổng doanh thu. Như vậy, sau 3 năm (2021-2024) Petrovietnam đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu tài chính theo kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Hoạt động SXKD của các đơn vị trong Petrovietnam có sự gắn kết, tương hỗ |
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản hợp nhất của Petrovietnam đạt hơn 1 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 43 tỉ USD) – là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất không phải là ngân hàng có quy mô tài sản trên 1 triệu tỉ đồng; vốn chủ sở hữu hơn 530 nghìn tỉ đồng (23 tỉ USD). Petrovietnam được Fitch Rating, tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới liên tục xếp hạng tín nhiệm mức BB+; phản ánh chính xác về tình hình kinh doanh và tài chính vững mạnh của Tập đoàn.
Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… là những sản phẩm thiết yếu, đã tham gia vào mọi hoạt động đời sống của đất nước với một tỷ trọng lớn; góp phần quan trọng cho ổn định, phát triển kinh tế – xã hội đất nước; đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia và tham gia bảo vệ chủ quyền, quốc phòng, an ninh trên biển.
Sức mạnh từ liên kết
Để đạt được kết quả trên, trong thời gian qua Petrovietnam đã áp dụng nhiều giải pháp quản trị, điều hành sáng tạo, hiệu quả. Một trong số đó là việc hình thành các chuỗi giá trị, gắn kết, phát triển hệ sinh thái Petrovietnam.
Với tầm nhìn hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam là một chuỗi gắn kết từ thượng nguồn đến trung nguồn và hạ nguồn, có mối quan hệ tương hỗ với nhau; nhằm tăng cường phối hợp hoạt động, hợp tác, chia sẻ nguồn lực trong toàn Tập đoàn, qua đó phát huy nội lực, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng chống chịu, ứng phó với khó khăn, biến động, từ năm 2020, lãnh đạo Petrovietnam đã chỉ đạo đẩy mạnh liên kết, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong toàn Tập đoàn.
Các đơn vị thành viên Petrovietnam ký kết hợp tác trong SXKD |
Qua khảo sát, đánh giá một cách tổng thể, hệ thống các nguồn lực, tài sản, điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế cạnh tranh, danh mục sản phẩm, dịch vụ,… Petrovietnam đã định hình các chuỗi: sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, liên kết đầu tư,… giúp tối ưu hóa nguồn lực, cũng như mô hình quản trị. Đến nay đã có trên 30 chuỗi liên kết được danh mục hóa trong toàn Tập đoàn, trong đó nhiều chuỗi đã hình thành và đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao, gắn với hoạt động thường xuyên của đơn vị, cùng nhiều chuỗi khả thi được đề xuất, nghiên cứu và tiến hành triển khai. Việc quản trị, điều hành hoạt động SXKD trong Tập đoàn cũng bao quát theo chuỗi, giúp định hình rõ hơn về bức tranh toàn cảnh, từ đó đưa ra được những giải pháp có tính bền vững, lâu dài, đạt hiệu quả tổng thể cao nhất.
Việc liên kết trong chuỗi giá trị giúp các doanh nghiệp tận dụng nguồn lực sẵn có, giảm chi phí đào tạo, đầu tư, tiếp thị, nghiên cứu thị trường,… tận dụng được thế mạnh, cũng như tạo ra lực kéo cho sự phát triển của từng thành viên trong chuỗi. Bên cạnh đó, không chỉ nâng cao tầm vóc, năng lực cạnh tranh mà việc phát triển theo các chuỗi giá trị còn giúp Petrovietnam, các đơn vị tăng cường sức chống đỡ trước những khó khăn, biến động của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh thế giới bất định, khó lường như giai đoạn hiện nay.
Có thể kể đến như, năm 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới, các biện pháp phong tỏa phòng chống dịch khiến nhu cầu tiêu thụ xăng đầu sụt giảm nghiêm trọng, cung vượt cầu, các công ty năng lượng hết chỗ chứa dầu, các nhà máy lọc dầu tồn kho cao, đứng trước nguy cơ tank top (vượt giới hạn tồn trữ), giá dầu xuống mức thấp kỷ lục, có lúc xuống mức âm. Các nhà máy lọc dầu ở nước ta cũng không nằm ngoài tác động đó, tình trạng tồn kho hết sức căng thẳng, nguy cơ tank top hiện hữu. Trong bối cảnh đó, Petrovietnam đã huy động tổng nguồn lực kho chứa trong chuỗi giá trị; phối hợp, trao đổi thông tin, điều phối giữa đơn vị khai thác, sản xuất, tồn chứa, vận chuyển, tiêu thụ, cùng hỗ trợ lẫn nhau thành công vượt qua biến động thị trường.
Trong năm 2022, khi thị trường xăng dầu biến động bất thường, nguồn cung khan hiếm, một lần nữa sự phối hợp các nguồn lực trong hệ thống phát huy tác dụng. Petrovietnam điều phối gia tăng sản xuất, ưu tiên bảo đảm nguồn cung dầu thô cho nhà máy lọc dầu vận hành ở công suất cao, đảm bảo công tác vận chuyển, phân phối kịp thời, cung ứng tối đa cho thị trường bán buôn, bán lẻ, không để bị đứt gãy nguồn cung trong hệ thống, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Không chỉ khẳng định vai trò rất quan trọng trong các tình huống bất ổn của thị trường, các chuỗi liên kết còn cho thấy hiệu quả thực tế bằng lợi nhuận thu được, cũng như tăng cường cơ hội việc làm trong chuỗi, kết nối, chia sẻ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, giúp các doanh nghiệp tận dụng tốt hơn nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như chất xám để nâng cao giá trị gia tăng, góp phần phát huy nội lực, đem lại lợi ích hài hòa cho các thành viên trong chuỗi. Trong đó có thể kể đến việc liên kết phát huy nội lực, tận dụng nguồn lực trong công tác bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy, công trình dầu khí; giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất kinh doanh; liên kết trong đầu tư; kinh doanh; cung cấp các dịch vụ;… Gần đây nhất có thể kể đến những động lực đến từ Chuỗi cung ứng nội địa nhằm cung cấp dịch vụ cơ khí, chế tạo kỹ thuật cao cho ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, không chỉ giúp cho PTSC có những sự chuyển dịch mạnh mẽ, đầy tiềm năng, mà còn là lực kéo giúp cho nhiều đơn vị trong Tập đoàn với năng lực đáp ứng để tham gia vào chuỗi, đặc biệt là các đơn vị khó khăn chuyển mình vươn lên khi tham gia chuỗi giá trị.
Phát huy năng lực của các đơn vị trong Petrovietnam tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ điện gió ngoài khơi |
Có thể nói, việc phát huy hiệu quả chuỗi liên kết đã góp phần quan trọng tạo nên những bước phục hồi và tăng trưởng rất ngoạn mục của Petrovietnam từ trong khủng hoảng, cũng như trước những biến động, khó khăn của tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới và thị trường năng lượng những năm qua; bổ sung thêm động lực giúp Petrovietnam liên tục thiết lập những kỷ lục mới về tăng trưởng và phát triển, mở rộng quy mô, không ngừng củng cố và nâng cao nguồn lực, chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế và vai trò nòng cốt trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Từ thực tiễn đó khẳng định, liên kết theo chuỗi giá trị là một phương thức quản trị đúng đắn, được hiện thực hóa, phát huy hiệu quả tại Petrovietnam. Trong chặng đường mới, hướng tới mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng quốc gia, gắn với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững ngành Dầu khí, Petrovietnam tiếp tục khẳng định tinh thần “Một đội ngũ, Một mục tiêu”, thúc đẩy liên kết để gia tăng sức mạnh, hiệu quả nhằm tạo dựng một hệ sinh thái Petrovietnam vững mạnh, đủ sức đương đầu với mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công chiến lược; phát triển vững mạnh, hùng cường cùng đất nước.
Mai Phương (Tạp chí PetroTimes)