Công đoàn cần làm tốt vai trò đại diện người lao động là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội thảo khoa học diễn ra chiều 11.8.
Hội thảo do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu chủ trì thảo luận nhiều nội dung liên quan đến Công đoàn thực hiện vai trò đại diện người lao động. Ảnh: Hải Nguyễn
Hội thảo khoa học “Hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” do Tổng LĐLĐVN và Viện Công nhân Công đoàn tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu.
Tham gia Hội thảo có GS,TS. Trần Ngọc Đường – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS. Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cùng các nhà khoa học, đại diện một số Liên đoàn Lao động tỉnh, Thành phố, các cán bộ Công đoàn cơ sở.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn học thuật, thảo luận làm rõ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu thảo luận về một số nội dung: Làm rõ một số vấn đề lý luận về hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam; đánh giá thực trạng hoạt động Công đoàn Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam; thảo luận đề xuất các giải pháp, kiến nghị đổi mới hoạt động của Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn 2045.
TS. Nhạc Phan Linh – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nhân Công đoàn trình bày đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng. Việc tham gia các FTA thế hệ mới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sẽ tác động sâu sắc đến mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu cấp bách phải tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và đổi mới mạnh mẽ, thực chất hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Đây cũng chính là chỉ đạo của Đảng đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam tại Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Để tiếp tục khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn – tổ chức đại diện, chăm lo và bảo vệ người lao động, Công đoàn Việt Nam cần nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức và phương pháp hoạt động, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo Báo Lao động