Ngày 5.8 Tổng LĐLĐVN phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Hội thảo khoa học “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” diễn ra sáng 5.8. Ảnh: Kiều Vũ
Các đồng chí chủ trì gồm: Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; GS,TS. Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS, TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Dự Hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng ở Trung ương: Ban Dân vận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các cơ quan thuộc chính phủ: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch…
Tham dự Hội thảo còn có các nhà lý luận, các nhà quản lý, ủy viên Đoàn Chủ tịch, ủy viên Ban chấp hành, lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương.
Hội thảo nhằm mục đích làm rõ thực trạng tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Làm rõ những kết quả đã đạt được, chỉ ra các hạn chế, đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời, hội thảo còn hướng đến mục đích tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận làm sâu sắc thêm các vấn đề thuộc cơ sở lý luận, pháp lý về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn trong tình hình mới như: Tập trung phân tích các chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của tổ chức Công đoàn cũng như những thành tựu to lớn mà tổ chức Công đoàn đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới. Hội thảo cũng đặt ra vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới và tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu còn trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng, những vấn đề đặt ra và kiến nghị đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Tiêu biểu là tập trung đánh giá thực trạng đổi mới mô hình tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, đổi mới phương thức thu hút, phát triển đoàn viên của tổ chức công đoàn, nâng cao hiệu quả công đoàn tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và đề xuất một số giải pháp chủ yếu về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Hội thảo nhằm mục đích làm rõ thực trạng tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, nhất là sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; làm rõ những kết quả quan trọng đã đạt được, chỉ rõ các hạn chế, bất cập trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Trên cơ sở đó, thảo luận, đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW trong thời gian tới.
Theo Báo Lao động
https://laodong.vn/cong-doan/yeu-cau-cap-bach-phai-doi-moi-manh-me-thuc-chat-1375971.ldo