Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển (28.7.1929-28.7.2024), trải qua 13 kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang tặng quà công nhân nhân dịp Tháng Công nhân 2024. Ảnh: Hải Nguyễn
Luôn là trung tâm đoàn kết ở các giai đoạn lịch sử
Quá trình hình thành và phát triển của Công hội đỏ Bắc Kỳ gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu của thế kỷ XX. Người đã tham gia Công đoàn hải ngoại Anh khi hoạt động tại Luân Đôn trong những năm 1914 – 1917; gia nhập Công đoàn Kim khí quận 17 Paris vào năm 1919. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đặt cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người chỉ dẫn: “Tổ chức Công hội trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Ngày 28.7.1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra Báo “Lao Động” và Tạp chí “Công hội Đỏ”, bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, GCCN Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.
Trải qua các thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945), kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975 – 1986), thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986 – 2023) của dân tộc, tổ chức Công đoàn luôn khẳng định vị trí, vai trò của mình. Trong các cuộc kháng chiến, tổ chức Công đoàn thực sự là trung tâm đoàn kết của CNLĐ Việt Nam, tạo nên sức mạnh đấu tranh, giải phóng dân tộc. Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, Công đoàn kịp thời động viên CNVCLĐ thi đua lao động, sản xuất, phấn đấu hoàn thành kế hoạch.
Đáng chú ý, ngày 5.11.1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 108-SL/L10 về ban hành Luật Công đoàn đã tạo cơ sở pháp lý, nâng cao vị trí của tổ chức Công đoàn, củng cố vai trò lãnh đạo của GCCN trong tình hình mới…
Những bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn hiện nay
Thực tế đã khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của GCCN, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của GCCN, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Đại hội XIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, Công đoàn Việt Nam đề ra 7 nhóm chỉ tiêu phấn đấu hàng năm; 3 nhóm chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ và 3 khâu đột phá gồm: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ATVSLĐ; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước; Xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐCS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Trong quá trình hoạt động, Công đoàn Việt Nam đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Một là, chủ động tham mưu, nắm chắc và cụ thể hóa kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nhiệm vụ từng cấp công đoàn và thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị. Phát huy tốt sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến người lao động, huy động các nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động và xử lý các tình huống phức tạp, nhạy cảm.
Hai là, coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, kịp thời thích ứng những thay đổi lớn, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn; đầu tư cho công tác dự báo, nắm và phân tích tình hình, quan tâm thí điểm các mô hình mới.
Ba là, tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; phải đầu tư nguồn lực, đổi mới cách làm, quản trị rủi ro, coi đây là động lực thu hút, tập hợp người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn.
Bốn là, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch CĐCS có vai trò quyết định đối với việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc biệt là những nội dung mới, khó, phức tạp.
Năm là, xác định đúng, trúng những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tránh dàn trải, phân tán nguồn lực. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn những năm tới
1. Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, CNVCLĐ.
2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.
3. Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam.
4. Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
5. Nâng cao chất lượng công tác nữ công, thúc đẩy bình đẳng giới, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ.
6. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tiếp tục khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam.
7. Xây dựng nguồn tài chính công đoàn đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
8. Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.
Theo Báo Lao động