Về tình hình lao động, việc làm toàn quốc trong những tháng đầu năm phục hồi tích cực, có nhiều điểm sáng.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang thăm hỏi đời sống, việc làm công nhân lao động. Ảnh: P.Linh
Ngày 21.6, tại Khánh Hòa, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam lần thứ 5 (Khóa XIII) tổ chức phiên thảo luận tổ.
Thu nhập bình quân tháng của lao động là 8,5 triệu đồng
Theo dự thảo báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2024 của Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, về tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, cả nước có 98.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Thu nhập của người lao động tăng lên, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý I năm 2024 là 8,5 triệu đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Mức thưởng bình quân Tết Nguyên đán Giáp Thìn là 6,8 triệu đồng, tương đương mức thưởng năm 2023, tuy nhiên có sự chênh lệch giữa các khu vực, loại hình doanh nghiệp.
Tình hình việc làm của đoàn viên, người lao động 6 tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Ảnh: Hữu Long
Có một điều đáng mừng là trong những tháng đầu năm, tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên, người lao động luôn phấn khởi trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đối với đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và Tháng Công nhân năm 2024.
Đoàn viên, người lao động dành nhiều sự quan tâm đối với nội dung kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV, khi tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…; mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Tiếp tục chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam lần thứ 5 (Khóa XIII) các tổ thảo luận đã cùng trao đổi, nghiên cứu một số nội dung.
Trong đó có nội dung đáng chú ý về Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới”.
Theo Dự thảo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 sẽ xây dựng hệ thống chính sách, tập trung nguồn lực của tổ chức Công đoàn chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn; huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.
Chăm lo cho đoàn viên, người lao động là một trong nội dung được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra Nghị quyết tại hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 5, khóa XIII. Ảnh: P.Linh
Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết có nhấn mạnh, tạo sự gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa đoàn viên với tổ chức Công đoàn, thu hút đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đáng chú ý như chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền, chuyên môn xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; bố trí nguồn lực đủ mạnh bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.
Dự thảo Nghị quyết cũng đề cập đến việc tập trung xây dựng, triển khai các chính sách dài hạn, bao trùm chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; triển khai đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn…
Dự thảo Nghị quyết về “Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới” được Tổng Liên đoàn đặt ra chỉ tiêu:
– 100% đoàn viên được thông tin đầy đủ về các chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn.
– Trên 90% đoàn viên được thụ hưởng chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn hoặc Công đoàn phối hợp tổ chức; phấn đấu 100% đoàn viên được thăm hỏi, động viên, tặng quà khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
– Phấn đấu dành ít nhất 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở chi cho hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; 100% cán bộ công đoàn chuyên trách làm công tác chăm lo phúc lợi của công đoàn cấp trên cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chăm lo phúc lợi.
– Phấn đấu trên 80% cuộc đối thoại có nội dung về phúc lợi cho đoàn viên, người lao động tốt hơn quy định của pháp luật…
Theo laodong.vn