Đó là ý kiến của Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng tại buổi thảo luận ở tổ sáng nay 22.5, khi cho ý kiến vào Điều 60 của Luật BHXH năm 2014.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng thảo luận tại tổ
Cần có quy định phù hợp cho người lao động
Cho ý kiến vào đề xuất sửa Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) của Chính phủ, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (ĐBQH Đồng Nai) cho rằng: Liên quan đến việc sửa Điều 60 Luật BHXH, có một số đại biểu băn khoăn vì luật vừa ban hành chưa có hiệu lực thi hành đã sửa thì có nên sửa hay không. Vì về lâu dài việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là đem lại lợi ích cho người lao động nhưng không phải đúng tất cả, vì vẫn có những người lao động có trường hợp, hoàn cảnh khó khăn có những yêu cầu khác nhau, không người nào giống người nào nên cần phải có những quy định phù hợp cho người lao động.
Ông giãi bày: “Là người hoạt động trong lĩnh vực công nhân lao động rất lâu, từ năm 2003, lúc đó tôi làm Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, Chính phủ thông qua Nghị định 01, không cho hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 lần khiến bùng nổ đình công, có Cty có tới 9.000 lao động đình công. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng phải vào giải thích, cam đoan sẽ lắng nghe, tiếp thu, không có gì thay đổi nếu trường hợp ý kiến của anh em công nhân là đúng. UBND TP HCM vào cuộc, cam kết trả tiền không có gì thay đổi nên mới ổn định tình hình trở lại.
Sau đó, Bộ LĐ-TB-XH đã ra thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định đó. Cụ thể, nếu sau 6 tháng công nhân không tìm được việc làm mới thì sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần. Đến Luật BHXH thông qua năm 2006 mới thì sau 1 năm NLĐ bị chấm dứt hợp đồng mà chưa tìm được việc làm khác và có nguyện vọng thì được nhận trợ cấp 1 lần.
Luật này của chúng ta khi xây dựng, bên Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có văn bản tham gia với ban soạn thảo kiến nghị là nên giữ nguyên việc hưởng BHXH một lần theo Luật 2006. Còn trường hợp để đảm bảo lâu dài hơn thì nên nâng lên sau 2 năm NLĐ không tìm được việc làm thì cho nhận trợ cấp 1 lần. Tuy nhiên, đó là ý kiến thiểu số nên không được tiếp thu.
Khi triển khai luật này, công đoàn của Công ty Pouyuen Việt Nam mới mời BHXH TPHCM xuống giải thích vào ngày 26.3.2015 tại Công ty Pouyuen Việt Nam. Công nhân hỏi tôi không đi làm được nữa, ở đây họ tuyển công nhân mới, tôi về quê mở quán tạp hoá, tôi xin nhận BHXH một lần được không? Thì họ trả lời theo luật mới là không được. Sau đó mới bùng nổ ra việc công nhân đình công phản đối.
Việc bùng nổ không chỉ ở Công ty Pouyuen Việt Nam mà có tới 15 DN tham gia như vậy… Tổng số người tham gia là hơn 100.000 người. Tình hình còn lan xuống Long An có 22 công ty tham gia với tổng số 21.000 lao động; Tiền Giang 6 công ty, Tây Ninh 2 công ty…”.
Đề xuất hai phương án
“Sau khi tôi báo cáo, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hải Chuyền đã đồng tình ngay việc kiến nghị Chính phủ sửa Điều 60. Tôi hoan nghênh việc sửa đổi Điều 60 Luật BHXH theo đề xuất của Chính phủ” – Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nói.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng đề xuất hai phương án. Một là sửa Điều 60 Luật BHXH năm 2014 như theo quy định của Luật BHXH năm 2006, tức là người lao động nếu sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có nguyện vọng hưởng BHXH một lần thì được hưởng chế độ này. Hai là, không sửa Điều 60 của Luật BHXH mà Quốc hội sẽ ra nghị quyết tạm dừng thi hành điểm a, khoản 1, Điều 60 và điểm a khoản 1 Điều 77 luật BHXH năm 2014 áp dụng theo quy định cũ để chờ khi sửa luật này.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ những lợi ích lâu dài khi đóng BHXH đủ đến khi được hưởng lương hưu. Để khi về già có bảo hiểm y tế, có lương hưu và sẽ không trở thành gánh nặng cho gia đình, con, cháu.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Trần Văn Bàn (Bình Định) băn khoăn: “Điều 60 chưa thực hiện mà đã có phản ứng, liệu có vấn đề gì không? Theo tôi do công tác tuyên truyền chưa được tốt. Những người không đóng BHXH đủ sẽ không có tiền lương hưu, khi về già sẽ rất vấn vả, vất cho cả con cái nếu gia đình gặp khó khăn. Do vậy nếu có lương hưu sẽ rất tốt. Tôi đồng tình với ý kiến của Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng thi hành Điểm a, khoản 1, Điều 60 và điểm a khoản 1 Điều 77 để chờ đến khi sửa luật, chứ không chỉ sửa 1 điều 60 Luật BHXH”.
Cùng quan điểm trên, ĐB Nguyễn Văn Khánh (Đồng Nai) cho rằng: “Chúng không thể vì luật chưa ráo mực mà sửa 1 điều”. Theo ông Khánh cần một giải pháp nào đó, trước mắt nên tiếp tục thực hiện theo quy định cũ, tạm dừng thi hành như ý kiến của ĐB Đặng Ngọc Tùng đã đề xuất.
Theo Báo Lao động