27/05/2024 10:02:53

Thúc đẩy tăng năng suất lao động nhờ: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá

Ngày 26/5, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Diễn đàn là dịp để cán bộ công đoàn, công chức, viên chức, công nhân lao động cùng các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam; nguyên nhân gây hạn chế năng suất lao động và đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động Việt Nam.

Thúc đẩy tăng năng suất lao động nhờ: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Thúc đẩy tăng năng suất lao động nhờ: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá

Chị Trương Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày tham luận tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn đã có 10 ý kiến tham luận nêu ra thực trạng sản xuất tại đơn vị, đồng thời đề xuất các ý kiến cụ thể để nâng cao năng suất lao động của ngành, đơn vị. Tiêu biểu như: Chị Trương Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) thuộc Công đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Mỗi người lao động phải không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để có năng suất lao động cao”; ông Nguyễn Đình Thắng – Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội trình bày tham luận với chủ đề “Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động trong việc tổ chức phong trào thi tay nghề, thi thợ giỏi, ôn lý thuyết, luyện tay nghề trong công nhân lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động”; Tiến sĩ Phạm Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn trình bày tham luận với chủ đề “Chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động”; Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội trình bày tham luận với chủ đề “Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp”;…

Năng suất lao động tăng 2,7 lần sau gần 40 năm đổi mới

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới Tổng LĐLĐ Việt Nam và toàn thể người lao động cả nước nhân Diễn đàn quan trọng này.

Thủ tướng nhấn mạnh, Diễn đàn càng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào dịp Tháng Công nhân năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024).

Thúc đẩy tăng năng suất lao động nhờ: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Thủ tướng đánh giá cao Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lựa chọn chủ đề rất đúng, rất trúng, rất cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đánh giá cao báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các đại biểu, đại diện người lao động, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu.

“Tôi đánh giá cao vì Tổng LĐLĐ Việt Nam chọn chủ đề đúng, trúng và có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các tham luận hay và giúp các đại biểu thu lượm được nhiều kiến thức tốt, cá nhân tôi cũng thu lượm được nhiều điều quý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Với các ý kiến đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất, hiến kế của người lao động; tập trung rà soát các cơ chế, quy định pháp luật liên quan… tạo môi trường sinh thái tốt nhất cho người lao động phát huy tính đổi mới và tinh thần yêu nước của người lao động.

Thúc đẩy tăng năng suất lao động nhờ: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Theo Thủ tướng, năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng – là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia.

Lịch sử kinh tế thế giới chứng minh năng suất lao động là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của từng quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển. Nhà Lãnh tụ cộng sản vĩ đại Karl Marx đã từng khẳng định: năng suất lao động là cái đảm bảo cho sự thắng lợi của trật tự xã hội này đối với một trật tự xã hội khác. Gần đây, Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: “Năng suất không phải là tất cả nhưng nó gần như là tất cả”.

Trong thế giới ngày nay, tăng năng suất lao động là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tăng năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng. Cụ thể, Đại hội XII đề ra chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5%/năm, Đại hội XIII đề ra chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm giai đoạn 2021 – 2025.

Để tăng năng suất lao động, từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đã xác định rõ phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 3 đột phá chiến lược cùng với thể chế và phát triển hạ tầng chiến lược. Đặc biệt Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là những yếu tố cốt lõi để tăng năng suất lao động nhanh và bền vững.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, năng suất lao động của nước ta tăng trưởng tích cực. Liên tục, sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập, từ năm 2011 đến nay, theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/1 lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/1 lao động năm 2023. Đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước. Theo Ngân hàng Thế giới, tính theo sức mua tương đương GDP, giai đoạn 2021 – 2022, năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 4%/năm, cao hơn nhiều bình quân chung của cả thế giới từ 2% và đứng thứ 2 Đông Nam Á. Năng suất lao động bình quân của Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Philippines lần lượt là 5,8%, 3,7%, 3,3%, 2,2%, 1,9% và 1,2%. Như vậy, nước ta chỉ đứng sau Singapore.

Tăng tăng năng suất lao động đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để đạt được những kết quả quan trọng nêu trên là nhờ chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong đó có Tổng LĐLĐ Việt Nam; sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự nỗ lực của từng người lao động, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động

Việc thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động ở nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức. Mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp; trong giai đoạn 2021-2023, tỉ lệ tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm.

Xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực: năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.

Đất nước ta vẫn còn những khó khăn, thách thức do một thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, xuất phát điểm thấp, năng lực nội tại còn hạn chế, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao, độ mở lại lớn nên chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài. Do đó, việc nâng cao năng suất lao động trở thành một vấn đề rất quan trọng.

Thúc đẩy tăng năng suất lao động nhờ: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá

Các đại biểu tham dự Diễn đàn.

Để thực hiện tốt việc nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các Bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động. Cụ thể:

“3 đẩy mạnh” bao gồm: (1) Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; (2) Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; (3) Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng năng suất lao động.

“3 tiên phong” bao gồm: (1) Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. (2) Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; (3) Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.

“3 bứt phá” bao gồm: (1) Bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; (2) Bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, hydrogen…; (3) Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Về nhiệm vụ giải pháp, Thủ tướng đề nghị: Các đơn vị chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, xem đây là nền tảng tăng năng suất lao động. Việc tăng trưởng nhưng phải đảm bảo nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tập trung nâng cao công tác giáo dục đào tạo, giáo dục và dạy nghề ở các cấp học, bậc học, ngành và đảm bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng với cơ cấu hợp lý. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hóa nông nghiệp và dịch vụ hóa nông nghiệp. Chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về quyền lợi, đãi ngộ về tiền lương, các chính sách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt là nhà ở.

Với tổ chức Công đoàn, Thủ tướng đề nghị phát huy vai trò của Công đoàn là cầu nối thực hiện vai trò đối thoại về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm tăng năng suất lao động, trong đó có việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng kỹ năng nghề cho người lao động; Thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà nghiên cứu… có kiến nghị phù hợp, chú trọng tới công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, bảo vệ quyền và lượi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc; Đổi mới công tác khen thưởng, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến nâng cao năng suất lao động, tôn vinh người lao động.

Với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đề nghị, phải phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp – chủ thể chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, công nghệ xanh, tăng năng suất lao động chứ không phải tăng thời gian lao động.

Thủ tướng cũng đề nghị, đối với anh chị em công nhân, người lao động, phát huy hơn nữa vai trò của người lao động. Cụ thể, người lao động tham gia trực tiếp sản xuất cả về tinh thần và vật chất; không ngừng trau dồi, tự học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động, tạo môi trường lao động lành mạnh, có hiệu quả.

Quang Phú