23/05/2024 3:36:54

Hải trình Trường Sa – Chuyến đi đong đầy niềm tự hào dân tộc

Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim mỗi người con đất Việt là mảnh đất máu thịt, thiêng liêng, là nơi mà có lẽ ai cũng mong muốn được đặt chân đến một lần trong đời. Một hải trình thăm đảo chìm, đảo nổi, những nhà giàn, những mốc giới chủ quyền quốc gia trên biển, thăm mỗi người lính vẫn luôn kiên trung vững tay súng nơi biên cương, đó thực sự là một hải trình mơ ước của mỗi người trẻ như chúng tôi.

Nhưng vùng đất ấy không phải chỉ cần đặt 1 chiếc vé là có thể đi được, mỗi năm chỉ có khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 khi mùa mưa lũ chưa đến, biển êm, và những người từ đất liền cũng phải đủ sức khỏe mới có thể bám trụ lênh đênh trên biển đến 10 ngày. Quan trọng hơn nữa đó là sức mạnh của tình yêu đất nước, của niềm tự hào, đi để được hiểu biết thêm và được cống hiến dù là nhỏ bé.

Hằng năm, được sự đồng ý và ủng hộ của lực lượng Hải quân Việt Nam, các Bộ ngành Trung ương đều phối hợp tổ chức các chuyến đi thăm, làm việc tại Trường Sa. Công tác tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cơ duyên may mắn đã đưa tôi và nhiều cán bộ khác lên con tàu của Đoàn công tác số 18 thăm và làm việc tại 1 số đảo, điểm đảo, Nhà giàn DK1.

Đứng trước sự hùng vĩ, bao la của biển trời và quần đảo thiêng liêng máu thịt của Tổ quốc, hít căng lồng ngực mùi gió biển, ngắm ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên đảo, trong trái tim mỗi người trào dâng niềm vinh dự và tự hào vô cùng lớn lao.

Sáng sớm ngày 10/5/2024, Tàu kiểm ngư KN-390 thuộc Chi đội Kiểm ngư số 3 đưa hơn 200 đại biểu của Đoàn công tác số 18 đến thăm, tặng quà các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Tàu kiểm ngư KN-390 đã gióng 3 hồi còi dài, thực hiện nghi thức chào đất liền, bắt đầu chuyến hải trình dài gần 1.000 hải lý (khoảng 1.900km). Con tàu như “chú cá voi trắng” khổng lồ từ từ rời Cảng Quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) mang theo biết bao tình cảm của đất liền ra đảo xa.

Tàu KN-390 đưa Đoàn công tác số 18 đến với Trường Sa

Khi mới lên tàu, ai cũng chuếnh choáng bởi chưa quen với sự dập dềnh, lắc lư của con tàu đang cưỡi sóng. Sóng vỗ vào mạn tàu ngày cũng như đêm khiến chúng tôi nôn nao, con tàu nghiêng ngả khiến mọi sinh hoạt đều khó khăn hơn. Sau vài ngày lênh đênh, chúng tôi cũng dần quen, khi màn đêm buông xuống, chỉ còn tiếng động cơ chạy đều đều cùng tiếng sóng va vào mạn tàu giống như lời ru bồng bềnh của biển thăm thẳm có phần khiến chúng tôi ngủ say hơn.

Trong trong chuyến hải trình dài 7 ngày ấy, hẳn các thành viên hải đoàn đều nhớ tiếng loa báo thức và giọng đồng chí chỉ huy tàu vang lên dõng dạc và dứt khoát vào đúng 5 giờ sáng hằng ngày trên Tàu KN-390: “Đã hết giờ nghỉ! Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”.

Toàn tàu thức giấc, rời khỏi chiếc gường 3 tầng nhanh chóng làm vệ sinh cá nhân rồi lên boong ngắm bình minh và vẻ đẹp bao la của đất trời quê hương yêu dấu, hối hả chuẩn bị cho chuyến làm việc mới trong ngày. Trong lúc này, chúng tôi được các đồng chí trong Chi đội kiểm ngư số 3 khuyên nên chuẩn bị điện thoại, máy quay để ghi lại hình ảnh những đàn cá heo bơi theo mũi tàu, những hình ảnh mà chúng tôi chưa được thấy trong đời.

Khoảnh khắc những chú cá heo bơi tung tăng trước mũi Tàu KN-390

Công tác hậu cần, kỹ thuật, trang thiết bị trên Tàu KN-390 do Chi đội Kiểm ngư số 3 phụ trách. Hằng ngày, các thành viên Chi đội phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cho đoàn công tác hơn 200 đại biểu. Trong đó, nhà bếp là một trong những bộ phận làm việc vất vả nhất. Hầu hết các anh mỗi ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng.

Chứng kiến sự vất vả ấy, với tất cả trách nhiệm, nhiều người dù say sóng, dù mệt mỏi sau chặng đường xa nhưng sẵn sàng đứng bếp cùng các chiến sỹ chế biến thực phẩm, chuẩn bị đồ ăn… giúp tổ phục vụ, khu vực bếp không lúc nào ngớt tiếng cười, tiếng hát làm nên sự đoàn kết quân dân một lòng trên chuyến tàu đặc biệt.

Các CBNV Petrovietnam hỗ trợ công tác hậu cần trên tàu KN-390

Tàu luôn thực hiện tốt nhất yêu cầu về số lượng, chất lượng thực phẩm cùng các trang bị kỹ thuật phục vụ hải trình theo kế hoạch định sẵn. Với mỗi chuyến đi có số lượng đoàn đông như lần này, Chi đội Kiểm ngư số 3 đều tăng cường thêm nhân lực để hỗ trợ tàu, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh khi bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Sau khi lên điểm đảo tuyến đầu của quần đảo Trường Sa – đảo Sinh Tồn Đông (xã đảo Sinh Tồn) thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên đảo, Tàu KN-390 đưa đoàn công tác di chuyển tới vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Đây là nơi mà 36 năm về trước đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Đúng 13 giờ chiều, đoàn chúng tôi với trang phục chỉnh tề tập trung tại bãi đáp trực thăm trên tàu làm lễ tưởng niệm. Đại tá Hồ Thanh Hoàn, Phó Chủ nhiệm chính trị Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 18 chủ trì buổi lễ. Ba hồi tàu rền vang, tất cả đoàn công tác nghiêng mình tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc.

Trong không khí linh thiêng và xúc động, nhiều người đã không kìm được nước mắt, cảm thấy trân trọng, biết ơn sự hy sinh lớn lao của các liệt sĩ và cảm thấy may mắn khi được đứng giữa vùng trời, vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma bình yên. Từ cảm xúc ấy, chúng tôi hiểu rằng mỗi người cần hành động thiết thực hơn để báo ơn, sống tốt hơn, đẹp hơn, trách nhiệm hơn, cùng với nhân dân cả nước làm cho Trường Sa, Nhà giàn DK1 ngày càng vững chãi và trường tồn.

Tại quần đảo Trường Sa, những đảo nổi như Sinh Tồn Đông, An Bang, Trường Sa mà chúng tôi được ghé thăm còn có màu xanh của những loài cây nổi tiếng gắn với người lính đảo như cây bàng vuông, phong ba, dừa … Còn những đảo chìm như Đá Thị, Len Đao, Đá Đông C, Đá Tây C thì chỉ có hai nhà nổi xây dựng từ bê tông, quanh năm sóng nước vỗ bờ, có chăng chỉ là những hộp trồng rau xanh hoặc mấy chậu cây cảnh nhỏ được người lính đảo cẩn thận đặt ở nơi khuất gió.

Hay như Nhà giàn DK1/9 ngày chúng tôi lên thăm, các đồng chí ở đây cho biết, vào những ngày lặng gió, trời nắng nóng cùng hơi mặn bốc lên từ biển rất khắc nghiệt, hơi muối bám vào da ửng đỏ rồi đen nhám lại, cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn phải bổ sung nước đều đặn để tránh suy nhược.

Cán bộ, chiến sĩ đón đoàn công tác lên đảo Đá Đông C

Có cơ hội được ra thăm Trường Sa, chúng tôi mới thấy rõ ràng hơn cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Phải xa gia đình trong thời gian dài, công tác nơi sóng cả, bốn bề biển nước mênh mông cùng nắng gió bỏng rát, điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn, thực sự các đồng chí đã phải rèn cho mình sức chịu đựng và ý chí hơn người.

Người chiến sĩ chắc tay súng, đứng gác tại cột mốc chủ quyền trên đảo Sinh Tồn Đông

Hiện nay, phần lớn các đảo đều đã trang bị máy lọc nước, bể chứa nước mưa và các các thiết bị thông tin, phủ sóng điện thoại cùng hệ thống cung cấp điện từ năng lượng mặt trời, gió và máy phát. Tuy nhiên, bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, những đồ gia dụng như tủ đông, quạt, máy tính, máy in… tuổi thọ đều không cao dù đã được bảo quản, giữ gìn cẩn thận, hệ thống thông tin liên lạc cũng gặp nhiều hạn chế.

Vì vậy, trong chuyến công tác lần này, đoàn đã trao tặng nhiều món quà là đồ gia dụng như máy lọc nước, tivi, máy tính, máy bơm nước, tủ đông, quạt… cùng nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo và nhà giàn với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng.

Tiếp đến, đoàn đến thăm Bệnh xá Trường Sa, hỏi han các chiến sĩ, người dân và ngư dân bị thương đang điều trị, động viên đội ngũ y bác sĩ cũng như bệnh nhân vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, điều trị tốt để có thể sớm quay lại nhiệm vụ công tác và cuộc sống hàng ngày.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa

Không chỉ mang đến những món quà có giá trị vật chất, điều mà chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tâm huyết nhất là những món quà tinh thần, chương trình giao lưu, gặp gỡ với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa. Đội văn nghệ xung kích chỉ mới được tập hợp trước khi lên tàu, mang tiếng hát của trái tim mình, hòa cùng giọng ca của những người con trên đảo được cất lên giữa biển khơi mênh mông, át đi cả tiếng sóng biển.

Những khúc tráng ca ca ngợi đất nước, quân đội anh hùng, biển đảo quê hương và cả những bản tình ca dịu dàng dường như đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ chắc tay súng bảo vệ biển đảo quê hương. Tiếng cười của đoàn chúng tôi âm vang đến đêm cũng chưa ngớt. Nhưng cũng có những giây phút cảm xúc của cả đoàn lắng lại khi lắng nghe chia sẻ về tình cảm của người lính đảo với quê hương, với người thân nơi quê nhà, những giọt nước mắt của sự nhớ nhung xa cách trong điều kiện liên lạc rất khó khăn khiến đoàn chúng tôi đồng cảm vô cùng. Thế mới thấm rằng, không chỉ họ – những người lính trên đảo, mà chính người thân của các anh cũng sẵn sàng gác lại những mảnh tình riêng để giữ gìn bình yên cho biển đảo quê hương.

Giao lưu văn nghệ trên đảo Trường Sa lớn

Đáp lại tình cảm của đoàn công tác, nhiều cán bộ, chiến sĩ cũng gửi những món quà tuy đơn sơ nhưng chan chứa tình yêu của đảo xa với đất liền như quả bàng vuông, vỏ ốc, lá cờ Tổ quốc… Khi ký tặng một số thành viên đoàn công tác những lá cờ làm kỷ niệm, Thiếu tá Phạm Xuân Hải – Nhà giàn DK1/9 cho hay: “Những lá cờ ở đây thấm cái nắng, cái gió của biển khơi. Cứ 10 ngày chúng tôi phải thay cờ mới một lần vì khí hậu khắc nghiệt, dễ làm rách cờ. Đây là nhiệm vụ quan trọng của anh em. Bởi lá cờ Tổ quốc luôn tung bay trong gió cũng chính là khẳng định chủ quyền biển đảo của chúng ta!”.

Nhà giàn DK1/9 sừng sững giữa biển khơi

Tạm biệt cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 chúng tôi mang theo tất cả cảm xúc lắng đọng của chuyến đi để trở về đất liền, chúng tôi dành cho nhau những lời chúc đầy ý nghĩa để người ở lại vững ý chí, niềm tin, người trở về quyết tâm hoàn thành tốt công việc của mình.

Trường Sa – địa chỉ đỏ giúp bồi đắp tình yêu, lòng tự hào, niềm trân trọng và biết ơn tất cả những hy sinh, đóng góp trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Hôm nay, chúng tôi đứng giữa biển trời bình yên Tổ quốc, lắng nghe trái tim mình hòa cùng nhịp sóng khơi xa, chúng tôi hiểu được trách nhiệm của mỗi người con trên mảnh đất chữ S hôm nay, cũng như biết ơn quá khứ và hiện tại để hành động vì tương lai.

Hải trình Trường Sa, hành trình đáng nhớ mà cá nhân tôi mong muốn được có lại một lần nữa trong đời!

Trường Sa, tháng 5/2024

Nguyễn Mạnh Cường

Ban TG-NC, CĐ DKVN